Mỹ lo đối phó xung đột phi truyền thống với Trung Quốc, Nga

Khánh An
Khánh An
15/10/2020 08:00 GMT+7

Lầu Năm Góc tập trung đối phó xung đột phi truyền thống như chiến tranh thông tin và chiến lược vùng xám, nhất là với Trung Quốc và Nga.

Các quan chức Mỹ đang kêu gọi Bộ Quốc phòng và quốc hội nên thay đổi trọng tâm trong các chiến dịch quân sự, vốn tập trung vào các chiến dịch chống khủng bố trong 2 thập niên qua, nhằm đối phó với các thách thức mới.
Phát biểu với báo giới, ông Joe Francescon, phó trợ lý bộ trưởng quốc phòng Mỹ phụ trách về các chiến dịch đặc biệt và chống khủng bố nhấn mạnh rằng sự thay đổi này là cần thiết nhằm đối phó Trung Quốc, Nga và Iran, theo trang Defense News.

Chiến thuật vùng xám

Ông Francescon phát biểu trong bối cảnh Bộ Quốc phòng Mỹ công bố bản phụ lục về chiến lược quốc phòng với nội dung về chiến tranh bất quy ước.
Mục đích của việc công khai tài liệu này là nằm chia sẻ với các đồng minh, quốc hội và công chúng về định hướng thay đổi chiến lược tiếp cận đối với các mối đe dọa phi truyền thống.
Trong số đó, nổi bật là việc đối phó khả năng lợi dụng sức mạnh kinh tế của Trung Quốc và các chiến dịch gây sai lệch thông tin của Nga.
“Tôi cho rằng điều quan trọng đối với Mỹ là cần xác định rõ cho chúng ta và các đồng minh về các tác động đối với an ninh quốc gia mà kẻ thù đang tiến hành trong không gian vùng xám trước xung đột vũ trang”, ông Francescon nhận định và cho rằng Mỹ đang thiếu chuẩn bị trong lĩnh vực này.
Giới quan sát cho biết vùng xám là chiến thuật thường được các nước lớn sử dụng nhằm mở rộng kiểm soát không gian, biến khu vực không tranh chấp thành tranh chấp, nhưng dưới ngưỡng chiến tranh để không gây ra xung đột quân sự.
Ví dụ rõ ràng về chiến thuật vùng xám là loạt hoạt động phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông trong thời gian qua như ngang nhiên lập đơn vị hành chính bất hợp pháp để kiểm soát quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam, xây trạm nghiên cứu trên đá Chữ Thập và đá Xu Bi ở quần đảo Trường Sa, tàu hải cảnh Trung Quốc đâm chìm tàu cá VN gần Hoàng Sa.

Mặt trận thông tin

Bên cạnh đó, giới chức Mỹ cho rằng quân đội và các bộ ngành liên quan cần tập trung vào các chiến dịch gây ảnh hưởng nhằm đối phó với “những kẻ thù đang không ngơi nghỉ trong việc đưa tin tức sai lệch vào dư luận”.
Trang C4ISRNet.com dẫn lời ông Ezra Cohen, quyền trợ lý bộ trưởng quốc phòng Mỹ phụ trách về chiến dịch đặc biệt và xung đột cường độ thấp cho rằng điều này là rất quan trọng nhằm đối phó với các nhân tố quốc gia và phi quốc gia.

Lực lượng phụ trách các chiến dịch thông tin của Hải quân Mỹ tại căn cứ Fort Meade ở bang Maryland

Ảnh: DVIDS

Theo ông Cohen, liên quân cần củng cố năng lực chiến tranh bất quy tắc để đối phó với các nước ở dưới ngưỡng xung đột, với một trong những trọng tâm là các chiến dịch trong môi trường thông tin.
“Kẻ thù của chúng ta lợi dụng tính ẩn danh của các mạng xã hội và sức lan tỏa của thông tin để cạnh tranh. Chúng đầu độc dư luận, phá hoại tiến trình dân chủ, khiến người dân đối đầu nhau và né trách nhiệm về các hành động hiểm độc của chúng”, ông cảnh báo.
Quan chức này nhấn mạnh rằng Bộ Quốc phòng không thể tự đối phó mà cần nỗ lực phối hợp giữa các bộ ngành về năng lực, kiến thức liên quan.
Ông cho rằng Lầu Năm Góc cần công nghệ chiến dịch thông tin có khả năng nhanh chóng nhận diện, cô lập thông tin sai lệch, trong khi tăng cường quảng bá các thông tin dựa trên chứng cứ.

Công cụ trí tuệ nhân tạo

Theo trang C4ISRNet.com, Lầu Năm Góc đang xem xét một số cách tiếp cận dựa trên trí tuệ nhân tạo (AI) trong cuộc chiến về thông tin. Công cụ có tên là Entropy nhằm giúp giảm tải đối với lực lượng tham gia các chiến dịch quân sự về hỗ trợ thông tin, được phát triển bởi Trung tâm Trí tuệ nhân tạo Liên hợp (JAIC). Về phần bị động, Entropy tiếp nhận dữ liệu văn bản và video từ môi trường thông tin và cung cấp tóm tắt các xu hướng cho người điều hành, trong khi mặt chủ động hiện vẫn được nghiên cứu.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.