Mỹ lo rủi ro chiến lược từ công nghệ Trung Quốc

Thu Thảo
Thu Thảo
21/01/2019 09:43 GMT+7

Khó khăn và tin tức tiêu cực chưa ngừng vây quanh Huawei Technologies nói riêng và tham vọng công nghệ Trung Quốc nói chung trong tuần qua.

Theo Bloomberg, Mỹ vừa thông báo về cuộc điều tra liên bang nhằm vào Huawei vì cáo buộc hãng này đánh cắp bí mật thương mại từ nhiều doanh nghiệp Mỹ. Trước đó, Mỹ có thời gian dài cảnh giác và nghi ngại về công ty viễn thông lớn nhất Trung Quốc. Diễn biến mới nhất cũng làm rõ lập trường mà Mỹ thể hiện vài năm trở lại đây: Huawei là mối đe dọa với an ninh quốc gia.

Gián điệp từ Trung Quốc

Bà Mạnh Vãn Chu rời nhà riêng sau khi được tại ngoại ở Vancouver hôm 10.1 Ảnh: Bloomberg
Cuộc điều tra hình sự mới nhất có liên quan đến nhiều vụ kiện dân sự, trong đó có vụ hồi năm 2014, khi hãng T-Mobile US cáo buộc Huawei đánh cắp công nghệ của mình. Tháng trước, Giám đốc tài chính (CFO) Huawei Mạnh Vãn Chu còn bị bắt ở Canada theo lệnh của chính quyền Mỹ. Mỹ cáo buộc bà Mạnh lừa đảo ngân hàng, vi phạm lệnh trừng phạt thương mại mà Mỹ áp lên Iran.
Giới chức và sếp đầu ngành công nghệ Mỹ từ lâu nghi vấn về quan hệ giữa Huawei và chính phủ Trung Quốc. Việc Trung Quốc nổi lên là đối thủ cạnh tranh về kinh tế, quân sự với Mỹ càng nghiêm trọng hóa những lo ngại này. Không những nỗ lực bảo vệ an ninh nước nhà, chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump còn thúc đẩy đồng minh ở châu Âu cấm Huawei tham gia xây dựng mạng viễn thông các nước .
Mỹ áp thuế quan lên Trung Quốc, một phần là để hạn chế khả năng tiếp cận của nước này vào công nghệ thế hệ kế tiếp. Hôm 16.1, giới lập pháp Mỹ công bố dự luật lưỡng đảng sẽ cấm xuất khẩu linh kiện Mỹ cho Huawei và nhiều công ty viễn thông Trung Quốc khác bị xem là phạm luật hoặc vi phạm lệnh trừng phạt từ Mỹ.
“Đây là diễn biến mới nhất của chuỗi sự việc bắt đầu có cảm giác như là một cuộc tấn công 360 độ nhằm vào hoạt động kinh doanh công ty. Huawei là mục tiêu bền vững, và chính phủ Mỹ cho rằng Huawei là doanh nghiệp nguy hiểm, cần bị chặn”, Isaac Stone Fish, thành viên cao cấp thuộc Asia Society ở New York (Mỹ), cho hay.

Trộm cắp tài sản trí tuệ

Cuộc điều tra hình sự nhằm vào Huawei đang ở giai đoạn cuối, có thể sớm dẫn đến cáo trạng. Hiện phát ngôn viên văn phòng luật sư, phát ngôn viên T-Mobile lẫn Huawei đều chưa bình luận về vụ việc, song Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã lên tiếng. Trung Quốc hôm nay 17.1 cho biết tranh chấp pháp lý giữa Huawei và T-Mobile đã được giải quyết trước đó và bày tỏ lo ngại về việc “tái điều tra”.
“Chúng tôi rất nghi ngờ về động cơ thực sự đằng sau nó. Chúng tôi hy vọng Mỹ có thể tạo thị trường cạnh tranh công bằng cho doanh nghiệp Trung Quốc hoạt động tại Mỹ”, phát ngôn viên Hua Chunying của Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói.
Bà Hua cũng phàn nàn về đề xuất chặn buôn bán linh kiện Mỹ cho các hãng viễn thông Trung Quốc. “Cả thế giới biết khá rõ rằng Mỹ đang dùng bộ máy quốc gia để đàn áp các hãng công nghệ cao Trung Quốc. Đây không phải là điều mà cường quốc số một thế giới nên làm”, bà Hua tuyên bố.
Hồi năm 2012, các thành viên Quốc hội và chính phủ Mỹ từng chỉ trích Huawei, cho rằng hãng này có xu hướng “xem thường quyền sở hữu trí tuệ của các thực thể, doanh nghiệp khác tại Mỹ”. Chưa hết lo ngại về chuyện đánh cắp sở hữu trí tuệ và do thám nước ngoài, việc một nhân viên Huawei bị bắt ở Ba Lan hồi tuần trước vì cáo buộc làm gián điệp cho Trung Quốc cũng “châm dầu vào lửa”. 

Nhiều hãng là mục tiêu

Trong tuần này, nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi bất ngờ lên tiếng sau nhiều năm im lặng. Bên cạnh việc ca ngợi ông Trump vì hỗ trợ doanh nghiệp bằng cách cắt giảm thuế, ô Nhậm bác bỏ cáo buộc từ phía Mỹ rằng Huawei giúp chính phủ Trung Quốc do thám nước ngoài. Nhà sáng lập Huawei cho rằng công ty của ông chỉ là một “hạt vừng” trong cuộc chiến thương mại rộng hơn giữa Mỹ và Trung Quốc.
Đúng là Huawei không phải mục tiêu duy nhất. Ít nhất có ba doanh nghiệp mà Nhà Trắng từng đe dọa áp dụng biện pháp mới để trừng phạt vì tội đánh cắp tài sản trí tuệ Mỹ. Hồi tháng 11.2018, Bộ Tư pháp Mỹ công bố “Sáng kiến Trung Quốc”, được thiết kế để ưu tiên theo dõi các vụ trộm cắp thương mại và khởi kiện nhanh nhất có thể.
Các hãng đầu tiên bị truy tố theo chương trình này là công ty nhà nước Fujian Jinhua Integrated Circuit và đối tác của hãng tại Đài Loan, United Microelectronics Corp. (UMC). Vụ việc của Jinhua phần nào dập tắt tham vọng sản xuất hàng loạt chip bộ nhớ truy cập ngẫu nhiên DRAM (RAM động). Jinhua và UMC không nhận tội danh. Ngoài ra, ba người Đài Loan khác sẽ bị buộc tội âm mưu đánh cắp bí mật thương mại với các hãng này vào tháng tới.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.