Mỹ mở rộng liên minh đối phó Trung Quốc

17/09/2021 08:15 GMT+7

Thiết lập liên minh AUKUS với tâm điểm là hỗ trợ đồng minh phát triển tàu ngầm hạt nhân, Mỹ đang tăng cường mở rộng liên minh để đối phó Trung Quốc .

Tối qua (16.9), Reuters dẫn lời ông Triệu Lập Kiên, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, lên tiếng chỉ trích thỏa thuận hợp tác 3 bên gồm Mỹ - Anh - Úc (AUKUS) mà Nhà Trắng vừa công bố trong cùng ngày 16.9. Cụ thể, Bắc Kinh cho rằng AUKUS “gây tổn hại nghiêm trọng đến hòa bình và ổn định của khu vực, đẩy mạnh chạy đua vũ trang và gây tổn hại cho các nỗ lực không phổ biến vũ khí hạt nhân quốc tế”.

Thỏa thuận lịch sử

Trước đó, sáng 16.9 (theo giờ Việt Nam), Nhà Trắng đăng tải thông cáo chung về thỏa thuận AUKUS. Theo thông cáo, thế giới đang trở nên phức tạp hơn, đặc biệt là ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (Indo-Pacific). Điều này ảnh hưởng đến tất cả các nước.
“Để đáp ứng những thách thức này, giúp mang lại an ninh và ổn định khu vực, chúng ta phải đưa quan hệ đối tác lên một tầm cao mới”, thông cáo dẫn lời Thủ tướng Úc Scott Morrison để giải thích lý do ra đời của AUKUS.
Dù thông cáo không nêu Trung Quốc là nguyên nhân dẫn đến các thách thức để 3 nước phải xây dựng AUKUS, nhưng chiến lược Indo-Pacific mà Washington, London và Canberra theo đuổi thời gian qua nhằm kiềm chế sự trỗi dậy của Bắc Kinh.
Theo thỏa thuận, Mỹ, Anh và Úc sẽ chia sẻ chung nhiều công nghệ. Nổi bật là hợp tác chia sẻ công nghệ để phát triển hải quân, khi Washington và London sẽ sớm giúp Canberra phát triển hạm đội tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân (nhưng không có khả năng mang theo vũ khí hạt nhân). Đây là lần thứ hai Mỹ thỏa thuận chia sẻ công nghệ hạt nhân như vậy, lần đầu tiên là thỏa thuận hỗ trợ Anh vào năm 1958. Chính vì thế, AUKUS có thể xem là một thỏa thuận lịch sử đối với khu vực.

Mỹ, Anh, Úc lập liên minh an ninh mới đối phó Trung Quốc

Phần mở rộng của “bộ tứ an ninh”

Trả lời Thanh Niên, PGS Stephen Robert Nagy (Đại học Cơ Đốc giáo quốc tế, Nhật Bản, học giả tại Viện Nghiên cứu các vấn đề quốc tế của Nhật) cho rằng việc Nhà Trắng công bố thỏa thuận hợp tác quốc phòng giữa Mỹ, Anh và Úc sẽ mang nhiều thông điệp.
“Thứ nhất, động thái mới sẽ được xem là cam kết cụ thể của chính quyền Biden trong việc xây dựng liên minh và răn đe ở Indo-Pacific với các quốc gia có cùng quan điểm. Thứ hai, thỏa thuận 3 bên được hiểu là sự hợp nhất và đầu tư vào việc xây dựng nhận thức chung đối với khu vực biển, cũng như sức mạnh đủ để đẩy lùi các tuyên bố chủ quyền biển ngày càng bành trướng của Trung Quốc trong khu vực. Thứ ba, thỏa thuận vẫn gửi đến Trung Quốc một bằng chứng về nỗ lực do Washington đứng đầu nhằm kiềm chế Bắc Kinh nhưng không trực diện chỉ ra rằng Trung Quốc là nguyên nhân sâu xa dẫn đến việc ngày càng có nhiều quan hệ đối tác chiến lược và quốc phòng trong khu vực”, ông Nagy phân tích.
Qua đó, ông đặt vấn đề là Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và các đối tác khác của Mỹ sẽ phù hợp với vị trí nào trong mối quan hệ 3 bên mới này và liệu họ có thực hiện các thỏa thuận tương tự hay không.
Cũng trả lời Thanh Niên, GS Yoichiro Sato (chuyên về quan hệ quốc tế, Đại học Ritsumeikan Asia Pacific, Nhật Bản) cho rằng: “Khi Anh gần đây thể hiện vị thế “nước Anh toàn cầu” và triển khai chiến lược châu Á, việc cử tàu sân bay HMS Queen Elizabeth đến Indo-Pacific, thì việc hợp tác chặt chẽ hơn với các đối tác châu Á - Thái Bình Dương trở nên cần thiết. Các hoạt động hải quân và không quân ở các khu vực xa xôi cần có các dịch vụ hậu cần, sửa chữa và bảo trì…”. Chính vì thế, Anh tăng cường hợp tác với Úc và Mỹ là điều dễ hiểu.
Theo ông, AUKUS đánh dấu sự tiến triển của việc đa phương hóa bằng thỏa thuận 3 bên đối với các quan hệ đối tác an ninh song phương trước đây. Và sự tiến triển này xoay quanh nền tảng “bộ tứ kim cương” (Mỹ - Nhật - Úc - Ấn Độ) đóng vai trò cốt lõi.
“Nhận thức ngày càng tăng của Úc về các mối đe dọa từ Trung Quốc đang thúc đẩy kích hoạt lại quan hệ đối tác an ninh Anh - Úc như một phần mở rộng quan trọng đối với bộ tứ an ninh”, GS Sato đánh giá. 
Đảm bảo năng lực răn đe trên biển
TS Patrick Cronin
Chính quyền của Tổng thống Biden đang thể hiện sự thực dụng. Washington thiết lập AUKUS nhằm củng cố các liên minh hiện có và các cơ chế đa phương để ủng hộ một trật tự dựa trên luật lệ. AUKUS giúp củng cố vai trò của Anh trong việc giúp duy trì Indo-Pacific tự do và cởi mở. Liên minh cũng thúc đẩy sự hợp tác cụ thể giữa 3 cường quốc hàng hải bằng cách cho phép chia sẻ công nghệ động cơ đẩy mang lại nền tảng hoạt động tầm xa, sức chịu đựng cao và tàng hình để đảm bảo năng lực răn đe trên biển. Động thái này sẽ trấn an các nước trong khu vực rằng không một cường quốc nào được phép ép buộc các nước láng giềng nhỏ hơn hoặc đơn phương thay đổi hiện trạng.
TS Patrick Cronin 
(Chủ tịch Chương trình an ninh châu Á - Thái Bình Dương, Viện Nghiên cứu Hudson, Mỹ)
Đối phó tham vọng của Trung Quốc
TS C.J.Jenner
Các mục tiêu dài hạn của AUKUS cho thấy thực tế của thách thức quốc tế mang tính thời đại do sự gia tăng về quyền lực địa chính trị của Trung Quốc. Khi Tổng thống Joe Biden đối mặt với ông Tập Cận Bình - Chủ tịch nước Trung Quốc, ông Biden thấy được một Trung Quốc đang trỗi dậy với mục tiêu theo đuổi chính sách như một Học thuyết Monroe để định vị Trung Quốc là cường quốc thống trị ở Indo-Pacific. Thách thức của Trung Quốc đặt ra tình thế về an ninh không thể tránh khỏi đối với Canberra, London và Washington và đã khởi xướng một cuộc chạy đua vũ trang ở châu Á.
TS C.J.Jenner 
(chuyên gia nghiên cứu về địa chính trị - đặc biệt về quan hệ quyền lực biển Mỹ - Trung tại Đại học Oxford, Anh)
Quan hệ an ninh sâu sắc hơn
GS John Blaxland
Thỏa thuận an ninh 3 bên lặp lại các mối quan hệ bền chặt trước đây nhưng với công nghệ của thế kỷ 21. Quyết định này phản ánh mức thách thức ngày càng tăng trong cạnh tranh quyền lực lớn đã đặt các vấn đề an ninh của Indo-Pacific vào tình trạng nghiêm trọng. Mỹ vẫn là quốc gia hùng mạnh nhất thế giới, nhưng Trung Quốc đang rút ngắn khoảng cách nhờ vào lực lượng tàu ngầm hạt nhân mà Bắc Kinh đang tăng cường với tốc độ chưa từng có. Nước Anh thời hậu Brexit, mong muốn củng cố mối quan hệ an ninh với Mỹ và củng cố hình ảnh “nước Anh toàn cầu”, đồng thời tìm kiếm các liên kết thương mại ngày càng tăng trong khu vực.
GS John Blaxland 
(Giám đốc Viện Đông Nam Á - Chủ tịch Trung tâm nghiên cứu quốc phòng và chiến lược, Đại học Quốc gia Úc)

Trung Quốc, Pháp phản đối thỏa thuận tàu ngầm hạt nhân Mỹ - Úc -Anh AUKUS

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.