'Mỹ nhân kế' dụ dỗ đầu tư tiền ảo

11/10/2024 06:15 GMT+7

Tạo lập tài khoản giả gái đẹp, tạo quan hệ yêu đương qua mạng sau đó dẫn dụ đầu tư tài chính để lừa đảo, tưởng rằng là chiêu trò cũ, nhưng vẫn còn rất nhiều nạn nhân thiệt hại đến hàng chục tỉ đồng vì "mỹ nhân kế".

Giăng bẫy chờ con mồi tìm đến

Anh N.Q.Phương (ngụ TX.Đức Phổ, Quảng Ngãi), một nạn nhân được giới thiệu truy cập vào trang hẹn hò, kể lại: Các đối tượng ban đầu cũng thủ đoạn là kết bạn, tâm sự, chia sẻ nhưng sau đó yêu cầu anh Phương làm thẻ thành viên để nạp tiền, tích điểm, được trả tiền lãi và cuối cùng anh bị chiếm đoạt gần 4 tỉ đồng. 

"Sau khi tôi kết bạn với một cô gái, hai bên thường xuyên tâm sự. Được một thời gian, cô gái chuyển sang chủ đề tài chính, khuyến khích tôi tham gia đầu tư đầy hấp dẫn. Nếu tôi chấp nhận chi tiền, số tiền lãi sẽ được hoàn lại ngay để tăng độ tin tưởng. Khi tôi bỏ ra một số tiền lớn, cô gái này lấy lý do như nâng cấp gói VIP, hoàn trả quỹ hỗ trợ đầu tư, gỡ bỏ chế độ an toàn... để chiếm đoạt tài sản của tôi. Lúc này tôi biết đã bị lừa nhưng không lấy lại được tiền", anh Phương hối hận cho biết.

'Mỹ nhân kế' dụ dỗ đầu tư tiền ảo- Ảnh 1.

Một nhóm đối tượng vừa bị công an bắt giữ vì hành vi lừa tình, dụ dỗ đầu tư để lừa đảo

ẢNH: C.A

Mới đây, Công an Nghệ An đã phối hợp với các đơn vị, địa phương bắt giữ 5 đối tượng trong đường dây lừa đảo chiếm đoạt tài sản xuyên quốc gia tại đặc khu kinh tế "Tam giác vàng" thuộc tỉnh Bokeo (Lào). Trong đó, có đối tượng "bẫy tình" chiếm hơn 17 tỉ đồng của một người đàn ông ở tỉnh Lâm Đồng. Theo điều tra ban đầu, tháng 9.2023, Vi Văn Linh (sinh năm 2003) sang Lào và tham gia vào nhóm tội phạm hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản. 

Quá trình làm việc đến tháng 2.2024, Linh đã sử dụng tài khoản Zalo "Phương Quỳnh", tài khoản Facebook "Phạm Quỳnh Châu" nhắn tin, làm quen và tạo mối quan hệ tình cảm yêu đương với một người đàn ông trú tại TP.Bảo Lộc (Lâm Đồng). Với thủ đoạn lừa tình, lôi kéo đầu tư tiền ảo, Linh đã nhiều lần dụ dỗ nạn nhân đầu tư vào "Biconomynft" rồi lừa đảo nạn nhân với tổng số tiền hơn 17,6 tỉ đồng. Với chiêu bài tương tự, Kha Văn Úc (sinh năm 2002) cũng lừa đảo, chiếm đoạt số tiền hơn 1 tỉ đồng của người đàn ông nói trên. Khi các đối tượng lừa đảo lộ diện, hoàn toàn không có "mỹ nhân" nào mà toàn là chiêu trò giả mạo hình ảnh qua mạng xã hội.

Đánh vào nhu cầu tình, tiền

Theo chuyên gia Võ Đỗ Thắng, Giám đốc Trung tâm Tư vấn an ninh mạng Athena, số vụ việc lừa đảo trực tuyến nói chung và lừa tình trên mạng nói riêng đã được cảnh báo quá nhiều, tuy nhiên vẫn không ít người bị lừa với số tiền cực kỳ lớn là do thiếu cảnh giác.

'Mỹ nhân kế' dụ dỗ đầu tư tiền ảo- Ảnh 2.

Tin nhắn “thả thính” khắp nơi nhằm dụ con mồi sập bẫy

ẢNH: K.K

Ông Ngô Minh Hiếu (Hiếu PC), chuyên gia an ninh mạng, phân tích: Với sự lan tỏa ngày càng phổ biến của mạng xã hội, hầu như ai có tài khoản Facebook, TikTok, Zalo... đều tìm cách để thỏa mãn nhu cầu cá nhân. Từ đó rất nhiều kẻ lừa đảo đã mạo danh, tạo các tài khoản là cô gái xinh đẹp, sang chảnh để dụ dỗ con mồi tự sập bẫy. Họ thường xuyên sử dụng các công cụ như Photoshop hoặc những bức ảnh đẹp, kết hợp với việc tạo hồ sơ Facebook giả mạo một cách chuyên nghiệp. 

Nhiều nạn nhân bị mắc bẫy trong các trò lừa tình qua Facebook giả thường rơi vào trạng thái cô đơn, hoặc đang trong giai đoạn khó khăn về tình cảm. Kẻ lừa đảo rất khéo léo xây dựng các câu chuyện cảm động, tạo dựng hình ảnh giả mạo của người lý tưởng để khiến nạn nhân tin tưởng và dễ dàng mở lòng. Sau khi tiếp cận nạn nhân, kẻ lừa đảo sẽ thúc đẩy mối quan hệ phát triển rất nhanh chóng, thường sử dụng các câu chuyện về hôn nhân, tình yêu, hoặc thậm chí là kế hoạch tương lai. Điều này khiến nạn nhân bị cuốn hút và tin tưởng kẻ lừa đảo một cách nhanh chóng. Một khi đã xây dựng được lòng tin, kẻ lừa đảo thường tạo ra những tình huống nguy cấp, như việc mắc kẹt ở một quốc gia khác, hoặc cần tiền để chi trả viện phí cho người thân. Những tình huống này được vẽ ra rất hợp lý và kịch tính, thúc đẩy nạn nhân nhanh chóng chuyển tiền mà không nghi ngờ.

Theo Cục An toàn thông tin (Bộ TT-TT), với mỗi nhóm đối tượng ở độ tuổi khác nhau (sinh viên, thanh niên, người lớn tuổi, trẻ em...), kẻ xấu sẽ thực hiện những hình thức dẫn dụ khác nhau, mục tiêu chung là lấy lòng tin, sau đó chiếm đoạt tài sản. Các đối tượng xấu thường thực hiện những bước sau để thực hiện thủ đoạn lừa đảo tình cảm: Tìm và tiếp cận mục tiêu thông qua các kênh trực tuyến như mạng xã hội, trang web hẹn hò hoặc diễn đàn. Kẻ lừa đảo tình cảm sẽ tạo một hồ sơ giả mạo, sử dụng hình ảnh đánh cắp của người khác với ngoại hình đẹp và lôi cuốn, sau đó sử dụng các chiêu trò để thu hút sự quan tâm của nạn nhân. Bước tiếp theo, kẻ lừa đảo tình cảm tạo một mối quan hệ giả với nạn nhân bằng cách tán tỉnh, chia sẻ câu chuyện cảm động hoặc đưa ra những lời hứa, dẫn dụ nạn nhân gửi hình ảnh video nhạy cảm (sau đó dùng những hình ảnh này để đe dọa, tống tiền nạn nhân).

Một số kẻ lừa đảo tình cảm tinh vi thì sử dụng nhiều cách khác nhau để thuyết phục nạn nhân tham gia đầu tư vào thị trường tiền ảo thông qua sàn giao dịch giả mạo. Khi tham gia đầu tư tài chính, nạn nhân sẽ bị dẫn dụ thắng vài lần để tạo niềm tin và lòng tham. Sau đó khi thắng số tiền lớn hơn thì nạn nhân sẽ không rút tiền ra được, bị bắt phải đóng phí giao dịch, đóng thuế hoặc bảo là tài khoản bị sai thông tin, phải đóng tiền để xác minh chứng thực... Cứ thế cho đến khi nạn nhân hết sạch tiền, phá sản.

Điều đáng nói là các hình thức lừa đảo trực tuyến đã được cảnh báo nhiều, nhưng số nạn nhân bị lừa vẫn tăng lên, trong đó số liệu thống kê có thể chưa chính xác vì có nhiều vụ việc nạn nhân không trình báo hoặc không công khai. Để tránh "bẫy tình" trên mạng, Cục An toàn thông tin khuyến cáo: Người dân cần cảnh giác và không quá nhanh tin tưởng vào một người mới gặp qua mạng xã hội hoặc các nền tảng trực tuyến khác. Lừa đảo tình cảm thường bắt đầu bằng việc xây dựng một mối quan hệ tình cảm nhanh chóng để lấy lòng và đánh lừa nạn nhân. Khi gặp một người mới trên mạng xã hội hoặc các nền tảng trực tuyến, hãy xác minh danh tính của họ bằng cách tìm hiểu về họ, yêu cầu thông tin địa chỉ, số điện thoại liên hệ; hoặc thậm chí gặp gỡ trực tiếp nếu có thể, đừng chia sẻ thông tin cá nhân quá nhanh chóng. 

Những kẻ lừa đảo tình cảm thường sử dụng chiêu trò hứa hẹn lợi nhuận cao hoặc cơ hội đầu tư hấp dẫn để chiếm đoạt tài sản của nạn nhân. Bên cạnh đó, người dân cần cẩn trọng khi chia sẻ hình ảnh và video nhạy cảm của bản thân với người không quen biết hoặc không tin tưởng. Kẻ lừa đảo tình cảm có thể sử dụng các hình ảnh và video nhạy cảm này để tống tiền nạn nhân sau đó.

Cục An toàn thông tin

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.