Mỹ sắp thử nghiệm siêu tàu sân bay

11/03/2014 06:45 GMT+7

USS Gerald R.Ford - siêu hàng không mẫu hạm thế hệ mới của Mỹ - đang dần được hoàn thiện và chuẩn bị bước vào giai đoạn thử nghiệm.

Mỹ sắp thử nghiệm siêu tàu sân bay
Tàu sân bay USS Gerald R.Ford, hy vọng mới của hải quân Mỹ - Ảnh: Credit: Newport News Shipbuilding

Hải quân Mỹ đang tiến hành kế hoạch dài hạn nhằm nâng cấp hạm đội tàu sân bay bằng cách dần thay thế 10 chiếc lớp Nimitz bằng một loạt các con tàu lớp Ford được trang bị những công nghệ tiên tiến nhất hiện nay. Trong diễn biến mới nhất, đại diện đầu tiên cho lớp tàu sân bay thế hệ kế tiếp của Mỹ là USS Gerald R.Ford đang chuẩn bị được thử nghiệm, trước khi chính thức hoạt động năm 2016.

Pháo đài nổi trên biển

Mệnh danh là “pháo đài nổi” trên biển, tàu lớp Ford được giới chuyên gia quân sự đánh giá rất cao do Lầu Năm Góc không tiếc tiền đầu tư công nghệ mới nhất cho hy vọng duy trì thế bá chủ trên đại dương của hải quân Mỹ. Theo tờ The Boston Globe, khoảng 60% thiết kế của lớp tàu mới dựa trên lớp Nimitz, trong khi 40% còn lại được trang bị công nghệ hoàn toàn mới, bao gồm boong phóng được mở rộng và các hệ thống công nghệ cao. Với độ choán nước 112.000 tấn, USS Gerald R.Ford cao tương đương tòa nhà 20 tầng, dài 337 m có khả năng mỗi ngày triển khai 220 lượt xuất kích cho chiến đấu cơ các loại, từ F/A-18 Super Hornet đến F-35, tăng 25% so với lớp tàu Nimitz. Ưu điểm này đến từ hệ thống phóng trường điện từ tân tiến hơn hẳn hệ thống phóng hơi của các lớp tàu sân bay đời cũ.

 

Nhật - Mỹ thảo luận nguy cơ an ninh

Trong tuần này, giới chức quân sự cấp cao Nhật Bản và Mỹ sẽ tiến hành xem xét lại các nguyên tắc hợp tác quốc phòng song phương, lần đầu tiên trong vòng 17 năm qua. Trọng tâm của cuộc họp diễn ra tại Hawaii sẽ là các biện pháp hợp tác đối phó viễn cảnh xảy ra những cuộc tấn công toàn phần nhưng chưa đến mức chiến tranh tổng lực đe dọa đến an ninh của Nhật. Phía Tokyo hy vọng Washington sẽ ưu tiên thảo luận về phản ứng chung và vai trò của từng nước trong những trường hợp như vậy, chẳng hạn như khi biệt kích Trung Quốc cải trang làm ngư dân và đổ bộ lên các hòn đảo đang tranh chấp, theo Reuters. H.G

Con tàu cũng có diện tích boong lớn hơn so với các thiết kế trước, có khả năng chở hơn 75 máy bay các loại cùng 4.600 người, theo website của hãng đóng tàu Newport News Shipbuilding. Thế mạnh của tàu còn bao gồm các hệ thống radar tối tân và các lò phản ứng hạt nhân hoạt động hiệu quả hơn. Hàng không mẫu hạm mới của Mỹ cũng được đánh giá là tàu sân bay có thiết kế hiệu quả nhất và là tàu đầu tiên trang bị hệ thống năng lượng điện trên boong. “Trên 3.000 km dây cáp điện đã được trang bị cho con tàu, đủ để nối dài thủ đô Washington DC đến thành phố Albuquerque thuộc bang New Mexico”, đại diện của Tập đoàn đóng tàu Newport News Shipbuilding hồ hởi nói. Hiện tàu được trang bị 4 hệ thống phát điện công suất 26 megawatt, nâng công suất tổng cộng lên 104 megawatt cho con tàu, đủ sức cung cấp năng lượng cho hệ thống phóng điện từ cũng như những hệ thống tương lai như súng laser, súng điện từ.

Một khi gia nhập hải quân, USS Gerald R.Ford sẽ được sử dụng làm nơi xuất phát của các máy bay không người lái (UAV). “UAV chắc chắn sẽ đóng vai trò quan trọng trong chiến lược tương lai của quân đội Mỹ”, trang tin Military.com dẫn lời Phó đô đốc Thomas J.Moore, quan chức điều hành chương trình tàu sân bay thế hệ mới, nhận định.

Tiết giảm chi phí

Lớp tàu Ford, đại diện cho kỷ nguyên mới của thế lực hải quân Mỹ, sẽ được thiết kế để hoạt động trong vòng 50 năm. Chiếc thứ hai và thứ ba, lần lượt được đặt tên là USS John F.Kennedy và USS Enterprise, dự kiến sẽ gia nhập lực lượng vào năm 2025 và 2027. Theo Báo cáo mua sắm khí tài chọn lọc của Lầu Năm Góc, tổng chi phí để phát triển 3 tàu sân bay đầu tiên thuộc lớp Ford vào khoảng 42,5 tỉ USD.

Sau khi hoàn thành, mỗi chiếc thuộc lớp Gerald Ford lại tiêu tốn thêm một khoản chi phí khổng lồ để vận hành, bảo dưỡng, sửa chữa… Ước tính mỗi tàu sẽ mất tổng cộng 27 tỉ USD để nâng cấp, duy trì và bảo dưỡng trong suốt 50 năm hoạt động. Tuy nhiên, con số này vẫn tiết kiệm hơn 5 tỉ USD so với tàu sân bay thuộc lớp Nimitz hiện nay.

Trung Quốc “ca” tên lửa DF-21D

Ngay sau khi thông tin về tàu USS Gerald R.Ford được công bố, trên các diễn đàn mạng Trung Quốc nhanh chóng xuất hiện nhiều bài viết ca ngợi tên lửa DF-21D, thường được cho là “sát thủ diệt tàu sân bay” của nước này. Tờ Want China Times dẫn lại ý kiến của các chuyên gia và cư dân mạng Trung Quốc lớn tiếng tuyên bố DF-21D có tầm bắn 2.000 km, đủ sức nhấn chìm một tàu sân bay hạt nhân của Mỹ. Lâu nay, DF-21D được “quảng cáo” là loại vũ khí hữu hiệu để Trung Quốc đối phó sự hiện diện hải quân của Mỹ ở tây Thái Bình Dương. Tuy nhiên, Bắc Kinh vẫn chưa chính thức công nhận sự tồn tại của tên lửa này và các thông tin liên quan đến nó đều là đồn đoán hoặc đến từ các nguồn nước ngoài. Mới đây, tờ The Hindu dẫn lời chuyên gia S.Chandrashekar (Ấn Độ) nhận định hệ thống vệ tinh Bắc Đẩu của Trung Quốc sẽ giúp nâng cao độ chính xác của tên lửa DF-21D. H.G

Thụy Miên

>> Pháp chạy thử nghiệm tàu sân bay chở trực thăng cho Nga
>> Trung Quốc bí mật đóng 2 tàu sân bay
>> Trung Quốc lên kế hoạch đóng thêm tàu sân bay?
>> Trung Quốc đang đóng tàu sân bay nội địa đầu tiên
>> Mỹ điều tàu sân bay mới đến Thái Bình Dương  

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.