Hãng Bloomberg ngày 13.8 đưa tin Bộ Ngoại giao Mỹ sắp thông báo quy định buộc các trung tâm văn hóa do chính phủ Trung Quốc tài trợ tại các trường đại học ở Mỹ phải đăng ký là phái bộ nước ngoài.
Như vậy, các Viện Khổng Tử cũng thuộc diện “về thực chất thuộc sở hữu hoặc được kiểm soát hiệu quả” bởi chính phủ nước ngoài, và sẽ phải tuân thủ các yêu cầu về hành chính tương tự như các đại sứ quán và lãnh sự quán.
Năm ngoái, Bộ Ngoại giao và Bộ Giáo dục Mỹ cam kết sẽ giám sát chặt chẽ hơn các cơ sở trên, sau khi nhiều nghị sĩ chỉ trích rằng những Viện Khổng Tử thực chất là cánh tay tuyên truyền của Trung Quốc.
Vào tháng 6, Bộ Ngoại giao Mỹ thông báo sẽ xem 4 hãng truyền thông lớn của Trung Quốc như các đại sứ quán nước ngoài.
Trung Quốc đã thành lập hàng loạt viện Khổng Tử trên khắp thế giới trong hơn một thập niên qua nhằm quảng bá ngôn ngữ, văn hóa Trung Quốc thông qua những lớp học và sách giáo khoa do viện này cấp.
Cơ sở đầu tiên được thành lập tại thủ đô Seoul, Hàn Quốc vào năm 2004. Tính đến năm 2018, Trung Quốc đã thành lập 548 cơ sở và gần 2.000 phòng học Khổng Tử ở 154 quốc gia, đa số đặt bên trong khuôn viên các trường đại học hoặc tổ chức ở nước ngoài.
Tuy nhiên, nhiều quốc gia bao gồm Mỹ lên tiếng cảnh báo Viện Khổng Tử là nỗ lực của chính quyền Trung Quốc nhằm tăng cường sức ảnh hưởng chính trị và gieo thông tin lệch lạc “tẩy não” giới trẻ để can dự vào chính trường nước sở tại.
Hàng loạt các trường đại học ở Mỹ, Đan Mạch, Hà Lan, Bỉ và Pháp đã đóng cửa Viện Khổng Tử trong những năm gần đây.
Theo Hiệp hội Học giả quốc gia Mỹ (NAS), vẫn còn 75 viện Khổng tử tại Mỹ tính đến tháng 6, trong đó có 66 viện nằm tại các trường đại học.
NAS cho rằng các viện này ảnh hưởng đến tự do hàn lâm, coi thường các quy tắc minh bạch của phương Tây và không phù hợp ở khuôn viên cơ sở giáo dục. Trung Quốc bác bỏ các cáo buộc, và cho rằng những đánh giá như vậy là vô căn cứ và bị chính trị hóa.
Bình luận (0)