Mỹ tài trợ cảnh sát ngầm ở hàng loạt nước

Khánh An
Khánh An
06/07/2023 09:32 GMT+7

Các bộ ngành của Mỹ chọn ra những đơn vị từ cảnh sát các nước, nhằm thực hiện những nhiệm vụ phù hợp với lợi ích của Washington.

Tại nhiều nước đang phát triển mà Mỹ cho rằng cơ quan cảnh sát tồn tại nạn tham nhũng đến mức không thể tin cậy, các nhân viên Đại sứ quán Mỹ đã tự chọn ra đơn vị thực thi pháp luật địa phương để thực hiện những nhiệm vụ phù hợp lợi ích của Washington, theo tờ The Wall Street Journal ngày 4.7.

Không thống kê hết

Cục Phòng chống ma túy và thực thi pháp luật quốc tế (INL) thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết đã giúp các cơ quan bao gồm Cục An ninh Ngoại giao, Cục Điều tra Liên bang (FBI) và Bộ An ninh nội địa rà soát thành viên của 105 đơn vị cảnh sát trên toàn thế giới. Do một số cơ quan tự tiến hành rà soát nên Bộ Ngoại giao không thể tính toán tổng số các đơn vị hoặc sĩ quan cảnh sát trên toàn cầu được họ tuyển chọn. Ngoài ra, cũng không có cơ quan đầu não nào theo dấu toàn bộ hoạt động của các đơn vị đó, cũng như tổng mức chi dành cho họ.

Mỹ tài trợ cảnh sát ngầm ở hàng loạt nước - Ảnh 1.

Gỗ đàn hương lậu bị tiêu hủy nhờ cuộc điều tra của cảnh sát ngầm ở Kenya do Mỹ tài trợ

Reuters

Chỉ riêng Cục An ninh ngoại giao thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ đã có 16 đơn vị được thành lập theo thỏa thuận với chính phủ các nước từ Peru đến Philippines. Cục Bảo tồn cá và động vật hoang dã (FWS) thuộc Bộ Nội vụ Mỹ tài trợ cho cảnh sát tại Uganda và Nigeria. Tại Kenya, các cơ quan Mỹ gồm FBI, Bộ An ninh nội địa, Cục Phòng chống ma túy (DEA) đều có những đơn vị thám tử riêng, được chọn từ Tổng cục Điều tra hình sự Kenya.

DEA đã tiên phong về chiến lược trên trong cuộc chiến chống ma túy ở Colombia, Bolivia và Peru vào thập niên 1980. Giờ đây, chiến lược này được tiến hành thường xuyên và mang tính toàn cầu đối với các cơ quan thực thi pháp luật của Mỹ. Các đơn vị hoạt động theo biên bản ghi nhớ giữa cơ quan chức năng Mỹ và các nước.

Âm thầm hoạt động

Các đơn vị trên ở Kenya theo dõi những vấn đề từ buôn lậu ma túy đến làm giả hộ chiếu, thị thực, buôn người và lạm dụng hình sự công dân Mỹ. Các đặc vụ tại Đại sứ quán Mỹ ở Nairobi không có thẩm quyền bắt giữ người ở Kenya, nhưng những đối tác địa phương của họ thì có.

Giới chức Kenya nhấn mạnh rằng các đơn vị phải tuân thủ chỉ đạo của ông Mohamed Amin, Giám đốc điều tra hình sự Kenya, phù hợp với pháp luật địa phương và thỏa thuận giữa Mỹ với Kenya. Trên thực tế, các thám tử Kenya thường nhận chỉ đạo mạnh mẽ từ các quan chức sứ quán Mỹ. Các thám tử này được đào tạo nâng cao, làm việc với những đội ngũ tinh nhuệ và có thể có thu nhập cao gấp đôi so với cảnh sát thông thường. Phía Mỹ còn chia sẻ với họ thông tin tình báo vốn không chia sẻ với cảnh sát Kenya. Những thám tử này còn thường xuyên trải qua việc kiểm tra nói dối.

Một phát ngôn viên Đại sứ quán Mỹ ở Kenya cho biết có vài trường hợp thám tử từ các đơn vị đã qua rà soát vẫn tham nhũng, nhưng "những nhân tố xấu nhanh chóng bị phát hiện, sa thải và thay thế trước khi có tác động đáng kể".

Theo phát ngôn viên Tổng cục Điều tra hình sự Kenya Mike Mugo, sự phối hợp trên đem lại lợi ích to lớn và giúp đảm bảo an toàn, an ninh cho người dân. Một phát ngôn viên Đại sứ quán Mỹ ở Kenya cho biết những đơn vị đã qua rà soát thường hoạt động tốt hơn hẳn, với tỷ lệ bắt giữ, truy tố và kết án cao hơn. Tuy nhiên, các đơn vị cảnh sát nước ngoài do Mỹ lập ra ít được biết đến và ít được công chúng giám sát. Một số người Kenya biết về sự tồn tại của các đơn vị này đã bức xúc cho rằng người nước ngoài có quá nhiều ảnh hưởng trong việc thực thi pháp luật trong nước. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.