Reuters ngày 6.2 dẫn lời tướng Không quân Glen VanHerck, người đứng đầu Bộ Tư lệnh Phòng thủ Hàng không Vũ trụ Bắc Mỹ (NORAD) và Bộ Tư lệnh Phương Bắc (USNORTHCOM), đồng thời chịu trách nhiệm vụ bắn hạ khinh khí cầu do thám Trung Quốc, cho biết quân đội nước này đã thất bại trong việc phát hiện các khinh khí cầu do thám trước đó.
Lầu Năm Góc cuối tuần qua cho biết các khinh khí cầu do thám Trung Quốc đã bay qua bầu trời Mỹ ít nhất ba lần dưới thời chính quyền của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump và một lần trước ngày 28.1 dưới thời Tổng thống Joe Biden.
Tướng Mỹ nói khinh khí cầu Trung Quốc từng bay đến Mỹ mà không bị phát hiện
Tướng VanHerck cho biết chiếc khinh khí cầu mới nhất cao 60 mét và mang theo trọng tải vài ngàn kg.
"Tôi sẽ nói với bạn rằng chúng tôi đã không phát hiện ra những mối đe dọa trước đó và đây là lỗ hổng trong nhận thức", ông VanHerck cho biết.
Tướng này không cung cấp thông tin chi tiết về các khinh khí cầu trước đó, kể cả địa điểm mà chúng bay qua trên bầu trời Mỹ. Tuy nhiên, ông VanHerck nói thêm rằng tình báo Mỹ đã xác định được sự xuất hiện của chúng sau khi "thu thập thông tin tình báo bổ sung". Ông VanHerck không cho biết thông tin này được thu thập qua gián điệp mạng, nghe lén điện thoại hay nguồn tin con người.
Hạ nghị sĩ Cộng hòa Michael Waltz, thành viên Ủy ban tình báo của Hạ viện, ngày 5.2 cho biết Lầu Năm Góc đã nói với ông rằng một số sự cố liên quan đến khinh khí cầu của Trung Quốc đã xảy ra trong vài năm qua, bao gồm cả ở bang Florida.
Một máy bay chiến đấu của Không quân Mỹ ngày 4.2 đã bắn hạ chiếc khinh khí cầu bị nghi ngờ là khinh khí cầu do thám của Trung Quốc ngoài khơi bờ biển Nam Carolina một tuần sau khi nó lần đầu tiên đi vào không phận Mỹ.
Tướng VanHerck không loại trừ khả năng có chất nổ trên khinh khí cầu, nhưng nói rằng ông cũng không có bất kỳ bằng chứng nào về điều đó. Tuy nhiên, rủi ro đó là một yếu tố khiến ông lập kế hoạch bắn hạ khinh khí cầu trên mặt nước thoáng.
Nhiều máy bay chiến đấu và máy bay tiếp nhiên liệu đã tham gia vào nhiệm vụ, nhưng chỉ một chiếc máy bay chiến đấu F-22 từ Căn cứ Không quân Langley ở bang Virginia thực hiện vụ bắn hạ. Chiếc F-22 này đã sử dụng một tên lửa không đối không siêu thanh tầm nhiệt AIM-9X.
Khí cầu gián điệp - vì sao vẫn được sử dụng trong thời đại tên lửa?
Ông VanHerck cho biết các mảnh vỡ của khinh khí cầu đã được thu thập từ một khu vực rộng khoảng 1.500 m2 và một số tàu quân sự đang thực hiện việc này.
Tuần duyên Mỹ ngày 6.2 cho biết họ đang thiết lập một khu vực an ninh tạm thời ở vùng biển ngoài khơi bãi biển Surfside của Nam Carolina, khu vực chiếc khinh khí cầu bị bắn rơi.
Các quan chức Mỹ không tiết lộ liệu các cảm biến do thám mà khinh khí cầu mang theo có còn nguyên vẹn sau khi nó rơi xuống biển hay không. Từ góc độ thu thập thông tin tình báo, đây là một yếu tố để xác định sự thành công của vụ bắn hạ.
Bình luận (0)