Không có tiền
Kể từ khi quân đội Myanmar lên nắm quyền trong cuộc chính biến ngày 1.2, nền kinh tế nước này cho đến nay vẫn trong tình trạng bị tê liệt, theo AFP. Dù ngân hàng đã khôi phục dần sau những ngày đầu phải dừng hoạt động do nhân viên đình công, chính quyền quân sự vẫn hạn chế số tiền người dân có thể rút nhằm ngăn chặn nguy cơ các ngân hàng phá sản. Những người may mắn có tiền gửi ngân hàng phải xếp hàng cả ngày để rút tiền và khi rút tiền được thì họ đổi tiền kyat sang USD trên thị trường chợ đen hoặc cất giấu dưới nệm, theo Kyodo News. Truyền thông Myanmar còn loan tin tình trạng thiếu tiền mặt cũng khiến quân đội khó trả lương cho binh sĩ đúng hạn, dẫn đến việc một số người đã có hành vi hôi của.
Cũng kể từ cuộc chính biến, nhiều người ở Myanmar mất việc làm, mất kế sinh nhai do biểu tình, đình công và nhà máy đóng cửa, trong khi giá nhiên liệu và thực phẩm tăng lên. Người bán thực phẩm dạo Wah Wah (37 tuổi) chia sẻ giá cả tăng cao đến mức nhiều người không có đủ tiền mua một tô khô cá. “Tôi không thể bán khô cá nữa vì khách hàng không còn đủ tiền để mua... dù tôi chỉ bán với giá 500 kyat (hơn 7.000 đồng)/tô. Mọi người phải tiêu xài thật dè xẻn vì không có việc làm. Chúng tôi sống trong lo sợ vì không biết điều gì sẽ xảy ra”, bà Wah Wah cho AFP hay. Với tình trạng này, Chương trình Lương thực thế giới ước tính trong vòng 6 tháng tới sẽ có thêm 3,4 triệu người ở Myanmar lâm vào cảnh thiếu đói.
Dịch Covid-19 tấn công
Ngoài ra, chiến dịch chống Covid-19 của Myanmar cũng trên bờ vực sụp đổ cùng với phần còn lại của hệ thống y tế nước này sau khi quân đội lên nắm quyền, theo Reuters. Nhiều dịch vụ tại các bệnh viện công đã tạm dừng sau khi các bác sĩ và điều dưỡng tham gia bãi công và biểu tình nhằm phản đối chính quyền quân sự. Đã có 13 bác sĩ, nhân viên y tế thiệt mạng, 150 người bị bắt và hàng trăm người trong ngành y tế Myanmar bị truy nã với cáo buộc kích động, theo Reuters dẫn dữ liệu từ Tổ chức Y tế thế giới.
Một nhân viên tại một trung tâm cách ly Covid-19 ở TP.Yangon cho hay tất cả nhân viên y tế tại đó đã tham gia bãi công nên không còn người phụ trách xét nghiệm và trung tâm không thể nhận thêm bệnh nhân mới. Trong một tuần trước khi chính biến xảy ra, trung bình mỗi ngày ở Myanmar có hơn 17.000 người được xét nghiệm Covid-19, nhưng con số này đã giảm xuống còn 1.200 người/ngày trong vòng 7 ngày, tính đến ngày 26.5, theo Reuters. Tính đến nay, Myanmar ghi nhận hơn 140.000 ca nhiễm Covid-19, với hơn 3.200 ca tử vong.
“Chính phủ thống nhất quốc gia”, tổ chức đối lập gồm các cựu nghị sĩ trong chính quyền dân sự Myanmar trước chính biến, ngày 29.5 ra thông báo đã ký một thỏa thuận với tổ chức chống chính phủ Mặt trận quốc gia Chin (CNF) nhằm “xóa bỏ” chính quyền quân sự và “thực hiện hệ thống dân chủ liên bang” ở nước này, theo AFP. Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng động thái mới chỉ mang tính biểu tượng vì CNF không có sức mạnh thật sự và “chính phủ thống nhất quốc gia” bị chính quyền quân sự Myanmar xem là tổ chức khủng bố.
|
Bình luận (0)