Năm 2023, thị trường ngân hàng Việt Nam đối mặt với những rủi ro, thách thức nào?

Lê Quân
Lê Quân
17/12/2022 18:34 GMT+7

Theo chuyên gia của Hội đồng tư vấn Chính sách tài chính - Tiền tệ quốc gia, thị trường ngân hàng Việt Nam năm 2023 sẽ đối mặt với 8 rủi ro, thách thức từ môi trường quốc tế cũng như nội tại nền kinh tế Việt Nam .

Áp lực tăng lãi suất, tỷ giá còn khá lớn

Ngày 17.12, Ban Kinh tế T.Ư phối hợp với Chính phủ tổ chức Diễn đàn kinh tế Việt Nam lần thứ 5 với chủ đề Kinh tế Việt Nam 2023: Ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn, vững vàng vượt qua thách thức.

Phát biểu tại Hội thảo chuyên đề: Lành mạnh hoá thị trường tài chínhthị trường bất động sản để phát triển kinh tế nhanh và bền vững, TS Cấn Văn Lực Thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách tài chính - Tiền tệ quốc gia, cho rằng thị trường ngân hàng sẽ đối mặt với 8 rủi ro, thách thức nổi bật.

TS Cấn Văn Lực chia sẻ về những rủi ro, thách thức mà thị trường ngân hàng trong nước phải đối mặt trong năm 2023

đậu tiến đạt

Thứ nhất, một số văn bản pháp lý về chuyển đổi số chậm ban hành hoặc gặp nhiều khó khăn khi triển khai như gói hỗ trợ lãi suất 2% thuộc Chương trình phục hồi. Cụ thể, dự thảo Nghị định của Chính phủ về Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính trong lĩnh vực ngân hàng đã gửi xin ý kiến lần 2 vào năm 2022 (lần 1 vào năm 2020) nhưng vẫn chưa được ban hành. Ngoài ra, dự thảo sửa đổi Thông tư 39/2016 của Ngân hàng Nhà nước cho phép các tổ chức tín dụng cho vay qua phương thức điện tử cũng chưa được ban hành, hạn chế khả năng phê duyệt tín dụng online,…

Thứ 2, dư địa chính sách tiền tệ đã bị thu hẹp. Đến hết tháng 11, Ngân hàng Nhà nước đã phải tăng lãi suất 2 đợt (1%/đợt) để ổn định tỷ giá, trong khi các công cụ khác gần như đã sử dụng hết dư địa. Dự trữ ngoại hối hiện nay vừa mức khuyến nghị của IMF (3 tháng nhập khẩu). Cùng với đó, việc điều chỉnh tỷ lệ dự trữ bắt buộc tăng/giảm sẽ không đạt hiệu quả như kỳ vọng vì các ngân hàng thương mại còn phải tuân thủ các tỷ lệ đảm bảo an toàn hoạt động theo Thông tư 22/2019 của Ngân hàng Nhà nước và biện pháp này thường áp dụng khi nền kinh tế gặp các cú sốc lớn. Biên độ giao dịch tỷ giá trung tâm cũng đã nới lên mức 5%... Do vậy, với khả năng FED tiếp tục tăng lãi suất 50 điểm % trong tháng 12 và quý 1/2023, áp lực lãi suất và tỷ giá tăng còn khá lớn.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục duy trì công cụ hạn mức tín dụng trong năm 2022 - 2023 để kiểm soát lạm phát mục tiêu và thanh khoản hệ thống ngân hàng, trong bối cảnh thị trường trái phiếu doanh nghiệp ảm đạm, giải ngân đầu tư công còn chậm, khiến việc tiếp cận vốn của doanh nghiệp còn khó khăn.

Thứ 3, hệ số an toàn vốn (CAR) của các ngân hàng thương mại cải thiện chậm và ở mức thấp so với khu vực. Tính đến tháng 6, xét các ngân hàng áp dụng Thông tư 41/2016, hệ số an toàn vốn của các ngân hàng thương mại nhà nước giảm nhẹ so với cuối năm 2021 từ mức 9% xuống 8,9%. Ngược lại, các ngân hàng thương mại cổ phần tăng từ 11,9% lên 12%, và mức an toàn vốn này tương đối thấp khi so sánh với các nước trong khu vực… Mức đệm vốn của các tổ chức tín dụng ở mức thấp làm hệ thống ngân hàng dễ bị tác động tiêu cực từ các cú sốc bất lợi ở môi trường kinh doanh. Nguyên nhân chủ yếu đến từ việc tăng vốn của các ngân hàng thương mại (đặc biệt là các ngân hàng thương mại nhà nước) còn gặp nhiều khó khăn (do thị trường vốn suy giảm, việc tìm kiếm nhà đầu tư ngoại khó hơn trong bối cảnh kinh tế thế giới suy thoái nhẹ…).

Dự báo nợ xấu tăng

Thứ 4, dự báo nợ xấu của nền kinh tế năm 2023 sẽ gia tăng cùng với chính sách thắt chặt tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước. Triển vọng năm 2023, lãi suất tăng sẽ làm tăng nghĩa vụ trả nợ của bên vay (cá nhân và doanh nghiệp), trong khi kinh tế phục hồi chậm lại, tăng trưởng thấp hơn dẫn đến nợ xấu tiềm ẩn gia tăng.

TS Cấn Văn Lực dự báo nợ xấu năm 2023 sẽ tăng

lê quân

Thứ 5, khi sở hữu chéo của hệ thống ngân hàng đã cơ bản được loại bỏ nhưng vẫn chưa hết hiện tượng cổ đông, nhóm cổ đông lớn có tác động nhất định đến hoạt động đầu tư hoặc tín dụng. Mặc dù khó có thể đưa ra bằng chứng xác thực về hành vi này nhưng những vụ việc vi phạm của một số tập đoàn bất động sản vừa qua đã bộc lộ tính chất liên quan này.

Thứ 6, thanh khoản của hệ thống ngân hàng không còn dồi dào như 2 năm qua. Cụ thể, sau giai đoạn giảm liên tiếp từ mức 34,5% năm 2016 xuống 24% năm 2021, tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn của hệ thống tăng dần lên mức 25,2% vào tháng 6 vừa qua; đồng thời, tỷ lệ dư nợ cho vay/huy động vốn tăng từ 72,1% năm 2021 lên 74,1%. Bên cạnh đó, tài sản mang tính thanh khoản cao như tiền gửi của tổ chức tín dụng tại Ngân hàng Nhà nước giảm. Trong 9 tháng đầu năm nay, các ngân hàng thương mại rút mạnh tiền gửi tại Ngân hàng Nhà nước.

Thứ 7, tỷ trọng thu dịch vụ ròng/tổng thu nhập ròng chưa có dấu hiệu cải thiện trong năm 2022 và ở mức thấp so với các nước trên thế giới. Tỷ trọng thu dịch vụ ròng/tổng thu nhập ròng tăng dần trong giai đoạn 2019 - 2021, song lại sụt giảm trong 9 tháng năm 2022. Nguyên nhân chính là do nhiều tổ chức tín dụng đã tiếp tục miễn, giảm phí dịch vụ ngân hàng số nhằm tiếp tục hỗ trợ người dân, doanh nghiệp và cũng là để thu hút khách hàng và tăng huy động vốn không kỳ hạn. Điều này làm tỷ trọng thu từ hoạt động dịch vụ tại các ngân hàng thương mại Việt Nam giảm nhẹ (khoảng 10,5%), thấp hơn nhiều so với các nước khác như Mỹ (33 - 37%), Nhật (33 - 39%), EU (33 - 35%), Thái Lan (27 - 29%), Trung Quốc (16 - 22%).

Thứ 8, tỷ trọng tiền gửi không kỳ hạn là nguồn vốn chi phí thấp đang có xu hướng giảm trong năm 2022. Nguyên nhân là do lãi suất tiết kiệm có kỳ hạn tăng nhanh và trở nên hấp dẫn hơn, chênh lệch giữa không kỳ hạn, kỳ hạn ngắn và kỳ hạn dài mở rộng, dòng tiền nhàn rỗi đã chuyển dịch từ gửi không kỳ hạn sang gửi tiết kiệm có kỳ hạn để hưởng lãi suất cao hơn. Đồng thời, huy động vốn khó khăn vì người dân chuyển sang tiêu dùng và doanh nghiệp chuyển vào sản xuất - kinh doanh, trang trải chi phí.

Kiến nghị nhiều giải pháp

TS Lực đã kiến nghị nhiều chính sách. Trong đó, tiếp tục kiên định ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế. Các cơ quan quản lý nhà nước cần tiếp tục bám sát tình hình kinh tế, tài chính quốc tế; chủ động phân tích, dự báo diễn biến thị trường quốc tế để có kịch bản chủ động ứng phó phù hợp; nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô; phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát, cân bằng giữa kiểm soát và thúc đẩy tăng trưởng, giữa lãi suất và tỷ giá...

Tiếp tục đẩy nhanh các cấu phần trong Chương trình phục kinh tế - xã hội 2022 - 2023, các chương trình mục tiêu quốc gia và giải ngân đầu tư công. Triển khai kịp thời hiệu quả gói hỗ trợ lãi suất 2% quy mô 40.000 tỉ đồng nhằm hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp, tăng tính lan tỏa, giảm áp lực vốn tín dụng, giảm nợ đọng; phấn đấu hết năm, đạt khoảng 85 - 90% kế hoạch giải ngân đầu tư công.

Chính phủ có đề án, kế hoạch cụ thể về giải quyết bài toán vốn cho doanh nghiệp, hộ gia đình vừa đảm bảo phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, vừa đảm bảo an ninh, an toàn hệ thống tài chính, bất động sản. Trong đó, cần sớm giải quyết rủi ro trái phiếu doanh nghiệp, nhất là nhóm doanh nghiệp bất động sản.

Hoàn thiện thể chế, tăng cường kiểm tra, giám sát, nâng cao tính minh bạch, chuyên nghiệp và hiệu quả cho thị trường tài chính, quan tâm kiểm soát rủi ro hệ thống tài chính.

Tăng cường củng cố niềm tin của nhà đầu tư, tăng cường giáo dục tài chính theo hướng nhanh chóng giải quyết, xử lý nghiêm các vụ việc vi phạm quy định trên thị trường chứng khoán và thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

Đẩy nhanh quá trình sửa đổi các luật liên quan đến lĩnh vực bất động sản như luật Đất đai, luật Nhà ở, luật kinh doanh bất động sản, lĩnh vực tài chính như luật Chứng khoán, luật Các tổ chức tín dụng, luật Doanh nghiệp và đấu giá, đấu thầu. Đồng thời, đẩy nhanh nghiên cứu và ban hành khung pháp lý cho các mô hình kinh doanh mới như Fintech, gọi vốn cộng đồng, mua chung bất động sản, quỹ tín thác đầu tư bất động sản… giúp đa dạng hóa kênh huy động vốn cho các doanh nghiệp cũng như hạn chế rủi ro cho nhà đầu tư…

Giám sát và chỉ đạo thực hiện các nhóm giải pháp đồng bộ để phát triển lành mạnh thị trường bảo hiểm Việt Nam đã được đề ra trong Chiến lược phát triển thị trường bảo hiểm đến năm 2030, tập trung các nhiệm vụ chính về hoàn thiện hệ thống pháp luật Kinh doanh bảo hiểm...

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.