Nam bộ mưa lớn từ sáng sớm

Chí Nhân
Chí Nhân
28/10/2024 06:18 GMT+7

Trong ngày 27.10, khi bão Trà Mi đổ bộ miền Trung, tại TP.HCM và các tỉnh thành Nam bộ cũng xuất hiện mưa to từ sáng sớm. Đến chiều tối, trời vẫn rầm rì, mưa không ngớt dù bão đã suy yếu.

TP.HCM mưa lớn kéo dài cả ngày

Từ sáng sớm qua, bầu trời TP.HCM mây đen dày đặc; mưa giông bắt đầu xuất hiện ở khu vực TP.Thủ Đức, H.Hóc Môn, Củ Chi, sau đó mở rộng ra các khu vực lân cận. Tại các quận trung tâm thành phố bắt đầu xuất hiện mưa to từ khoảng 7 giờ và kéo dài đến hơn 10 giờ, kèm theo sấm sét liên tục. Cơn mưa trắng trời khiến nhiều khu vực ở Q.Tân Phú, H.Bình Chánh bị ngập lênh láng. Còn tại P.Tân Thới Nhất (Q.12) mưa giông khiến một cây phượng bật gốc, ngã đè chiếc ô tô đậu gần đó. Đến gần 11 giờ, mưa giảm dần và trời hửng nắng nhưng đến đầu giờ chiều, mây giông lại tiếp tục xuất hiện gây mưa cục bộ nhiều nơi.

Nam bộ mưa lớn từ sáng sớm- Ảnh 1.

TP.HCM mưa to từ sáng sớm trong ngày bão số 6 đổ bộ vào miền Trung

ẢNH: CHÍ NHÂN

Không chỉ TP.HCM mà Đồng Nai, Bình Dương, Tây Ninh, Long An, Tiền Giang cũng ghi nhận xảy ra mưa to đến rất to. Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ cho biết: Do dải hội tụ nhiệt đới có trục qua khu vực Trung Trung bộ nối với bão Trà Mi (bão số 6) khiến mây giông phát triển mạnh gây mưa trên diện rộng ở Nam bộ. Đối với TP.HCM trong 10 ngày tới tiếp tục có mưa vừa đến mưa to nhiều nơi. Trong mưa giông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh. Tổng lượng mưa trong 10 ngày tới dự báo phổ biến từ 80 - 130 mm. Các quận khu vực trung tâm như: Q.1, 3, 4, 10 và Phú Nhuận ghi nhận lượng mưa khá thấp chỉ khoảng 80 mm; ngược lại Q.12, Gò Vấp, Bình Tân, H.Hóc Môn, Củ Chi dự báo tổng lượng mưa từ 120 - 130 mm.

Bão số 6 chưa tan, Biển Đông nguy cơ đón thêm bão Kongrey

Theo các chuyên gia khí tượng, dù bão đã đi qua nhưng hoàn lưu bão vẫn còn và không khí lạnh ở phía bắc tăng cường xuống phía nam đẩy dải hội tụ nhiệt đới di chuyển từ khu vực Trung Trung bộ xuống Nam Trung bộ và Nam bộ. Do vậy, trong những ngày tới với sự tăng cường của không khí lạnh khiến thời tiết khu vực Nam Trung bộ, Tây nguyên và Nam bộ tiếp tục có mưa giông diện rộng. Các tỉnh miền Trung và Tây nguyên cần đề phòng lũ quét, sạt lở đất do mưa to kéo dài.

Th.S Lê Thị Xuân Lan, chuyên gia dự báo khí tượng thủy văn, cho biết thêm: Trong những ngày đầu tháng 11, trên dải hội tụ nhiệt đới có thể hình thành một áp thấp ven biển khu vực miền Trung. Tuy nhiên, cùng thời điểm này ở phía bắc có đợt không khí lạnh cường độ khá mạnh tràn về, nhiệt độ thấp nhất ở Hà Nội từ 19 - 20 độ C. Tại các tỉnh miền núi phía bắc như Lạng Sơn và Cao Bằng, nhiệt độ thấp nhất xuống chỉ còn 14 - 15 độ C. Đợt không khí lạnh với cường độ khá mạnh này khiến áp thấp khó có thể mạnh lên nhưng do hoạt động gần bờ nên cũng sẽ gây mưa vừa đến mưa to cho các tỉnh miền Trung và Nam bộ. "Hiện nay Trung và Nam bộ vẫn đang trong mùa mưa bão. Từ nay đến cuối tháng 11 có khả năng còn 1 - 2 cơn bão xuất hiện trên Biển Đông. Đến cuối tháng 11 và đầu tháng 12 mùa mưa bão mới dần kết thúc. Do đó, tình hình mưa bão ở Trung và Nam bộ vẫn còn diễn biến rất phức tạp, người dân đặc biệt là những phương tiện tàu thuyền hoạt động trên biển cần tiếp tục theo dõi các diễn biến thời tiết tiếp theo", bà Lan khuyến cáo.

Nhiều tỉnh miền Tây tiếp tục ngập vì bão và triều cường

Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam (SIWRP) cho biết: Mực nước trên dòng chính sông Mê Kông tại trạm Kratie (Campuchia) đang có xu thế giảm mạnh. Đến ngày 22.10, mực nước đạt 14,11 m; thấp hơn trung bình nhiều năm là 0,5 m và thấp hơn năm 2023 là 1,44 m.

Tương tự, mực nước lũ miền Tây ở khu vực đầu nguồn sông Cửu Long đang ở mức thấp và có xu thế giảm. Đến ngày 23.10, mực nước lớn nhất ngày tại Tân Châu đạt 2,75 m; thấp hơn 0,61 m so với trung bình nhiều năm và thấp hơn năm 2023 là 0,08 m.

Mưa do ảnh hưởng của cơn bão Trà Mi khiến khu vực trung và hạ Lào có mưa lớn trong các ngày 26 và 27.10, các khu vực còn lại mưa ít. Vì vậy, nhận định nguồn nước trong 1 - 2 tuần tới trên các trạm dòng chính sông Mê Kông tiếp tục có xu thế giảm và lũ đầu nguồn sông Cửu Long cũng giảm theo. Tuy nhiên, hiện tại mực nước ở vùng đầu nguồn sông Cửu Long vẫn còn ở mức cao.

Mặt khác tác động của bão có thể làm mực nước khu vực ven Biển Đông dâng cao hơn bình thường và trùng với kỳ triều cường cao nên nguy cơ cao sẽ gây ra ngập/úng trên các khu vực trũng thấp thuộc vùng Bán đảo Cà Mau và các tỉnh ven biển ĐBSCL vào các ngày cuối tháng 10 và đầu tháng 11. Đỉnh của đợt triều cường tiếp theo sẽ xuất hiện từ ngày 2 - 4.11 sắp tới, mực nước trạm Tân Châu nhận định ở mức 2,7 - 2,8 m dưới báo động 1 khoảng 0,7 m, trạm Châu Đốc nhận định ở mức 2,6 - 2,7 m, thấp hơn báo động 1 khoảng 0,3 m.

Trong khi đó, mực nước ở các tỉnh thành vùng giữa ĐBSCL như Cần Thơ, Vĩnh Long, Hậu Giang ở mức báo động 2 - 3; nhiều nơi có khả năng tiếp tục ngập sâu do triều cường kết hợp mưa lớn.

SIWRP cũng cảnh báo: Từ nay đến cuối năm, bão và áp thấp nhiệt đới vẫn còn xuất hiện trên Biển Đông có khả năng gây mưa lớn trên hạ lưu sông Mê Kông, ảnh hưởng đến diễn biến mực nước lũ giai đoạn cuối mùa nên các địa phương cần tiếp tục theo dõi để có biện pháp ứng phó phù hợp.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.