Năm của những dự án lịch sử

Mai Hà
Mai Hà
01/01/2025 06:15 GMT+7

2025 là năm về đích quan trọng của kế hoạch 2021 - 2025 khi loạt đại dự án hạ tầng như 3.000 km cao tốc, sân bay Long Thành tăng tốc về đích.

Đây cũng là năm khởi động của những dự án được kỳ vọng sẽ đưa đất nước cất cánh vào kỷ nguyên mới như đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận…

Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã xác định đột phá về kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại là một nhiệm vụ trọng tâm nhằm phát triển kinh tế xã hội đất nước nhanh và bền vững. Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh để vươn tới mục tiêu thu nhập trung bình cao vào năm 20230 và thu nhập cao vào năm 2045, tốc độ tăng trưởng kinh tế của VN phải đạt 2 con số liên tục trong những năm tiếp theo.

Năm của những dự án lịch sử- Ảnh 1.

Nhà ga hành khách sân bay Long Thành đã hoàn thành 100% phần xây dựng

ẢNH: LÊ LÂM

Để hiện thực hóa mục tiêu này, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định phải tạo ra đột phá về hạ tầng với những công trình mang tính chiến lược, chuyển đổi trạng thái. Theo đó, năm 2025 phải ưu tiên cho tăng trưởng, phấn đấu tăng trưởng GDP đạt khoảng 8% để tạo đà, tạo lực, tạo khí thế thực hiện kế hoạch cả giai đoạn 2021 - 2030, hoàn thành ít nhất 3.000 km đường bộ cao tốc, cơ bản hoàn thành sân bay Long Thành.

Thông 3.000 km cao tốc từ Lạng Sơn đến mũi Cà Mau

Trong hơn 20 năm, cả nước mới chỉ có khoảng hơn 1.000 km đường bộ cao tốc (tính đến cuối 2021 mới 1.163 km cao tốc được khai thác). Tới đầu năm 2022, Chính phủ ban hành Nghị quyết 18 triển khai Nghị quyết 44/2022 của Quốc hội với quyết tâm nâng tổng số đường bộ cao tốc cả nước lên 3.000 km cao tốc vào năm 2025 và 5.000 km cao tốc vào năm 2030. Mục tiêu đặt ra phải hoàn thành thêm 2.000 km cao tốc trong hơn 3 năm.

Sau 3 năm, câu trả lời đã có khi mục tiêu tham vọng này sắp thành hiện thực nhờ quyết tâm chính trị cao độ, các cơ chế chính sách đặc thù và tinh thần quyết liệt từ Chính phủ đến các bộ ngành, địa phương và nhà thầu thi công "3 ca 4 kíp, vượt nắng thắng mưa"... Chính phủ cũng đã ban hành Kế hoạch triển khai đợt thi đua cao điểm "500 ngày đêm thi đua hoàn thành 3.000 km đường bộ cao tốc".

Ông Lê Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Quản lý đầu tư xây dựng (Bộ GTVT), cho biết theo kế hoạch dự kiến trong năm 2025 sẽ hoàn thành khoảng 1.188 km đường bộ cao tốc thuộc 28 dự án do Bộ GTVT và các địa phương làm chủ đầu tư. Dù vậy, tính đến cuối tháng 12.2024, nhiều dự án vẫn đang gặp khó về mặt bằng, nguồn vật liệu, cần sự vào cuộc quyết liệt tháo gỡ khó khăn của các cơ quan liên quan mới có thể về đích đúng tiến độ.

Năm của những dự án lịch sử- Ảnh 2.

Theo Bộ trưởng GTVT Trần Hồng Minh, "cả 3.000 km cao tốc từ Bắc đến Nam không thể để bị tắc ở một điểm". Ông yêu cầu tất cả các đơn vị tập trung vật liệu, thi công để hoàn thành đúng tiến độ, song cũng tránh tâm lý nóng vội, tiến độ phải đi đôi với chất lượng. Với 3.000 km cao tốc và hơn 1.000 km đường bộ ven biển nếu được hoàn thành trong năm 2025, mạng lưới đường bộ của VN sẽ cơ bản hoàn thiện, không còn các "vùng trắng", vùng trũng thiếu đường, thiếu cao tốc như trước đây, giảm thời gian đi lại giữa các địa phương chỉ còn một nửa, tăng tính kết nối, giúp khơi thông tiềm năng kinh tế, du lịch.

Sân bay Long Thành về đích sớm

Khởi động rất chậm so với tiến độ yêu cầu, dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1 (công suất 25 triệu khách/năm) tới nay đã có những bước tiến tích cực. Tính đến đầu tháng 12, nhà ga hành khách đã hoàn thành 100% phần xây dựng, đang thi công hoàn thiện phần mái khung chính và lắp đặt. Đường cất hạ cánh đã thi công đạt hơn 71%, vượt 3 tháng so với tiến độ trong hợp đồng; đường cất hạ cánh thứ 2 sẽ được khởi công vào tháng 1.2025... Để đẩy nhanh tiến độ, các nhà thầu, đơn vị tư vấn đã huy động hơn 6.000 kỹ sư, công nhân lao động với hơn 2.000 thiết bị trên công trường.

Dành quan tâm đặc biệt tới dự án, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã 5 lần trực tiếp kiểm tra, tháo gỡ khó khăn, đôn đốc tiến độ. Trong chỉ đạo mới nhất đầu tháng 12, Thủ tướng yêu cầu cơ bản hoàn thành dự án vào 31.12.2025 (sớm hơn so với kế hoạch trước đó là trong năm 2026) để chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc lần XIV. Người đứng đầu Chính phủ cũng yêu cầu tỉnh Đồng Nai sớm có phương án quy hoạch, xây dựng "đô thị sân bay" Long Thành, phát huy hệ sinh thái quanh sân bay đồng bộ. Bên cạnh đó, Bộ GTVT chủ trì phối hợp triển khai các dự án giao thông kết nối từ sân bay Long Thành đến Tân Sơn Nhất, TP.Biên Hòa bằng metro, đường sắt tốc độ cao. Chính phủ thống nhất chủ trương mở rộng cao tốc TP.HCM - Long Thành lên 10 làn xe, xây hầm vượt sông Đồng Nai qua phà Cát Lái... để tạo tính đồng bộ kết nối.

Sân bay Long Thành khi đi vào hoạt động không chỉ san sẻ cho Tân Sơn Nhất (TP.HCM), mà còn được kỳ vọng đưa VN thành hub trung chuyển hàng không khu vực và quốc tế trong tương lai.

Bên cạnh đó, 2 sân bay lớn nhất cả nước hiện nay là Tân Sơn Nhất (TP.HCM) và Nội Bài (Hà Nội) cũng đang được thúc đẩy mở rộng. Tháng 4.2025, dự kiến nhà ga hành khách T3 Tân Sơn Nhất (quy mô 1 tầng hầm và 4 tầng nổi, tổng diện tích sàn xây dựng là 112.500 m2) sẽ hoàn thành về đích vận hành đúng dịp lễ 30.4 - "giải cứu" cho Tân Sơn Nhất thoát khỏi tình trạng ùn tắc hiện nay. Trong khi đó, dự án mở rộng nhà ga hành khách T2 Nội Bài cũng đang được đẩy nhanh tiến độ để hoàn thành chậm nhất cuối tháng 12.2025, nâng công suất khai thác từ 10 triệu hành khách lên 15 triệu hành khách/năm.

Năm của những dự án lịch sử- Ảnh 3.

Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam dự kiến di chuyển từ Hà Nội - TP.HCM chỉ mất 5 tiếng 30 phút

ẢNH: PHÁT TIẾN DÙNG AI

Tại các địa phương, dự án BOT sân bay Phan Thiết (Bình Thuận) dự kiến khởi công năm 2025, hoàn thành năm 2026. Dự án BOT sân bay Quảng Trị đã khởi công đầu năm 2024 cũng được kỳ vọng sẽ khai thác vận hành vào năm 2026. Theo quy hoạch đến năm 2030 cả nước sẽ có 28 sân bay, cơ bản hoàn chỉnh mạng lưới sân bay cả nước, tạo động lực lớn cho giao thương và du lịch.

Công trình thế kỷ: đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam

Ngày 30.11.2024, Quốc hội bấm nút thông qua chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, quyết định lịch sử biến giấc mơ 17 năm thành hiện thực. Là một trong những dự án có số phận trắc trở nhất, đường sắt cao tốc được Bộ GTVT, ngành đường sắt ấp ủ từ những năm 2000. Năm 2007, Chính phủ phê duyệt danh mục đầu tư một số dự án kết cấu hạ tầng giao thông thiết yếu, trong đó có đường sắt cao tốc Bắc - Nam. Song tới năm 2010, dù hoàn tất các kịch bản về tốc độ 350 km/giờ, phân đoạn và vốn, dự án đã vấp phải những phản đối quyết liệt và không được trình ra Quốc hội.

Sau 17 năm, quy mô GDP đất nước đã tăng từ 147,2 tỉ USD (năm 2010) lên gần 450 tỉ USD (năm 2024), đây là thời điểm chín muồi để khởi động dự án vốn đầu tư lớn nhất lịch sử (1,7 triệu tỉ đồng, tương ứng 67,3 tỉ USD). Với mục tiêu hoàn thành vào năm 2035, dự án dài 1.541 km từ ga Ngọc Hồi (Hà Nội) tới ga Thủ Thiêm (TP.HCM) sẽ không chỉ thay đổi cơ bản phương thức di chuyển, hiện đại hóa ngành đường sắt mà còn tạo nguồn lực lớn kích thích kinh tế các địa phương dọc tuyến, tạo nền công nghiệp đường sắt với cơ hội rộng mở cho các doanh nghiệp nội địa. Hiện Bộ GTVT đã xây dựng kế hoạch tổng thể triển khai dự án, gồm lựa chọn tư vấn; lập, thẩm định, phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi; đấu thầu các gói thầu thi công xây dựng… để tới tháng 12.2027 khởi công dự án.

Có thể nói nếu giai đoạn 2025 trở về trước là thời của đường bộ và cao tốc thì từ 2025 về sau là giai đoạn vàng của đường sắt với nguồn lực đầu tư rất lớn. Những ngày cuối tháng 12 khi khảo sát dự án đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng kết nối với Trung Quốc, Thủ tướng đã yêu cầu trong tháng 1.2025 phải trình Chính phủ để tháng 2 trình Quốc hội chủ trương đầu tư và các cơ chế, chính sách đặc thù. Chậm nhất trong tháng 12.2025 phải khởi công tuyến đường sắt dài 417 km kết nối cảng biển quốc tế Hải Phòng liên vận quốc tế với Trung Quốc.

Các dự án đường sắt đô thị (metro) của Hà Nội và TP.HCM cũng đang được tăng tốc với việc tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên đi vào hoạt động cuối tháng 12.2024. Trong đó, Hà Nội đặt mục tiêu hoàn thành 598,5 km đường sắt đô thị và TP.HCM là gần 513 km.

Khởi động lại Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận

Đầu tháng 12, Tổng Bí thư Tô Lâm khi khảo sát địa điểm Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 đã yêu cầu chuẩn bị tốt các điều kiện để tái khởi động dự án. Theo ông, điện hạt nhân là nguồn điện nền, xanh và bền vững. Điện hạt nhân ngày càng được nhiều quốc gia quan tâm lựa chọn và tiếp tục phát triển. Trước đó, chiều 30.11, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết kỳ họp thứ 8 khóa XV với nội dung quan trọng đồng ý tiếp tục chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.

Dự án từng được Quốc hội phê duyệt lần đầu năm 2009 với tổng công suất 4.000 MW, chia thành 2 nhà máy; song đến năm 2016, Quốc hội đã ra nghị quyết tạm dừng dự án vì nhiều yếu tố khách quan. Góp ý cho dự án khi thảo luận tổ Quốc hội cuối tháng 10.2024, Tổng Bí thư cũng nhấn mạnh phải làm rất nhanh, không thể chờ mấy năm định hướng, mấy năm khảo sát, mấy năm mặt bằng, tìm công nghệ.

Theo Quy hoạch điện VIII, đến năm 2030, VN cần 150.000 MW công suất nguồn điện và tăng lên khoảng 490.000 - 573.000 MW vào năm 2050. Với tốc độ tăng trưởng điện năng khoảng 10%/năm đòi hỏi VN phải tìm kiếm nguồn năng lượng ổn định, đáng tin cậy. Theo Bộ Công thương, tái khởi động lại dự án quan trọng này sẽ giải được bài toán năng lượng cho nhu cầu phát triển của đất nước trong bối cảnh thủy điện và điện than đã tới hạn.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.