Năm học mới và trăn trở ‘bao giờ lương giáo viên tăng’

04/09/2022 18:47 GMT+7

Câu chuyện lương giáo viên thấp năm nào cũng nói, nhưng mong mỏi được tăng lương luôn là ước mong của không chỉ riêng thầy cô giáo nào, ở bất cứ đâu, đặc biệt trong năm học mới.

Cô giáo và các bé mầm non trong một chương trình ngày tết
thúy hằng

Ai trong ngành thì mới thấu hiểu nỗi lòng của người làm giáo viên. Thầy cô giáo ở mọi cấp học đều khó khăn như nhau, đầu tiên đó là lương thấp nhưng trách nhiệm cao, khi đào tạo con người đầy đủ tài - đức cho đất nước. Trách nhiệm này không hề nhỏ.

Tôi là một giáo viên THPT, hiểu hết những nỗi vất vả của các đồng nghiệp mình. Nhưng hơn hết, tôi thấy thương vô cùng những cô giáo mầm non đang vất vả hơn thế nữa với những học trò của mình. Ai trong chúng ta cũng biết, các em đang ở độ tuổi ban sơ làm người.

Chúng ta, những người cha người mẹ mỗi ngày đưa đón con đến trường mầm non vài phút. Còn các cô giáo ở đó với trẻ gần 12 tiếng đồng hồ mỗi ngày. Chúng ta chăm con mình nếu chúng cáu gắt, khóc lóc, không chịu ăn thì cũng có lúc cáu giận mà phải hét lên. Nhưng các cô giáo không thể.

Nếu có thể, bạn chỉ cần nhìn vào trong lớp học vài giây phút ngắn ngủi, bạn cũng có thể cảm nhận được phần nào những nỗi vất vả, sự chịu đựng, nhẫn nại của các cô khi một lúc chăm mười mấy cháu nhỏ, bé mới chập chững biết đi, bé đi vệ sinh tại chỗ, bé khóc cả ngày đòi ba mẹ hay nôn ói thức ăn vào người cô, người bạn.

Mới đây tôi vô tình được vào một lớp mầm non. Trong thời gian ngắn ngủi, nhìn cách các cô chăm trẻ, tôi cảm nhận được sự yêu nghề, vất vả khó khăn vô cùng của các cô và cứ thế nỗi xúc động cứ dâng lên.

Lương cô giáo mầm non ba cọc ba đồng, vài triệu đồng mỗi tháng, các cô phải tới trường lúc sáng sớm tinh mơ và trở về khi tối muộn, một ngày gần 12 giờ làm việc trên trường và về nhà lại quần quật công việc của gia đình, con cái. Các cô phải chịu nhiều áp lực trước xã hội, trước kinh tế gia đình, chưa kể công việc vất vả nhưng tuổi hưu kéo dài.

Giờ nghỉ trưa của giáo viên, một cô giáo vẫn vừa phải ôm trẻ vừa cho trẻ uống sữa

nguyễn loan

Tôi luôn nhớ câu nói “Đừng hỏi Tổ quốc đã làm gì cho ta mà phải hỏi ta đã làm gì cho Tổ quốc hôm nay” và hiểu rằng ai cũng cần cống hiến cho đất nước. Rất nhiều đồng nghiệp của tôi dù lương thấp, nhưng hàng ngày hàng giờ vẫn trách nhiệm với nghề, vẫn bám trụ với nghề, đứng trên bục giảng cống hiến hết sức mình cho thể hệ trẻ, đào tạo ra nguồn nhân lực đủ tài, đủ đức. Nhưng cũng có nhiều người, dù làm việc rất lâu năm đã phải xin nghỉ.

Chúng ta cần nhìn nhận công bằng rằng thầy cô giáo có thể làm tốt nhất công việc của mình hay không khi đồng lương không đủ sống, họ buộc phải làm nghề tay trái. Có thực mới vực được đạo, nhưng với đồng lương thấp các thầy cô sống bằng gì, cho con cái đi học như thế nào, chăm lo cho cha mẹ ra sao… để yên tâm giảng dạy, đóng góp cho sự nghiệp giáo dục của nước nhà?

Mỗi thầy cô giáo ít nhiều đều ôm những trăn trở khi học sinh trong lớp có bạn chưa ngoan, có bạn gặp hoàn cảnh đặc biệt khó khăn nhưng chính giáo viên cũng đang gặp khó khăn trong cuộc sống vì lương thấp mà không biết tỏ cùng ai. Họ cứ lặng lẽ với đời, với những khó khăn.

Xuân hạ thu đông trôi đi, mỗi chúng tôi lại miệt mài bên trang giáo án, một chuyến đò đang đợi người chèo lái qua sông, một năm học mới lại sắp sửa bắt đầu.

Trước năm học mới, chúng tôi chỉ có một ước mong rằng có được chút không khí mới cho ngành giáo dục. Câu chuyện lương giáo viên thấp năm nào cũng nói, nhưng mong mỏi được tăng lương luôn là ước mong của không chỉ riêng thầy cô giáo nào, ở bất cứ đâu.

Chúng tôi mong ước những “chiến sĩ trên mặt trận giáo dục” được cải thiện cuộc sống từ nguồn lương ngân sách nhà nước, để không còn ai phải day dứt cho việc phải làm thêm bằng nghề tay trái, để mỗi thầy cô giáo mãi mãi được xứng danh là những kỹ sư tâm hồn, để vị trí người làm thầy đúng tầm với câu “Lương sư hưng quốc” của văn hóa dân tộc Việt Nam vốn rất coi trọng vai trò của ngành giáo dục.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.