Nam kỳ ngao du: Ấn tượng Nguyễn An Ninh

27/08/2022 07:04 GMT+7

Thông qua Paul Monin, Léon Werth tới nhà Nguyễn An Ninh - chủ bút báo Chuông rè. Những quan sát tinh tế của nhà văn mang đến cho độc giả những thông tin thú vị về nhà cách mạng lừng lẫy một thời của Sài Gòn.

Sáng nay tôi mua một tờ Chuông rè trong cửa hàng người Malabar, đây là tuần báo do Nguyễn An Ninh phụ trách. Tôi đọc thấy những điển tích mà tôi không hiểu và sau đây là lời của Nguyễn An Ninh trích từ một cuộc hội thảo về “Lý tưởng của thanh niên An Nam”:

“Cái ta cần không phải là bắt chước hèn hạ, làm thế không thể giải phóng được mà chỉ cột chặt chúng ta với những kẻ chúng ta bắt chước thôi. Phải tự sáng tạo từ trong máu hoặc làm ra những tác phẩm từ sự thôi thúc bên trong ta. Người ta thường nói về vai trò giáo dục, văn minh của Pháp mà đại diện là giai cấp lãnh đạo đương thời. Chúng ta quỳ gối tôn vinh những kẻ “đem ánh sáng”, những kẻ “ban phép lạ cho Á châu” như thể bọn bỉ lậu được phái đến từ Bộ Thuộc địa chớ không phải từ nước Pháp trí thức, chỉ với một cục bột là có thể nhanh chóng nhào nặn linh hồn của một giống dân thành kiệt tác. Người ta nói đến kỳ công của Pháp ở Á châu, người ta viết hẳn một cuốn sách có tên: Kỳ công của Pháp ở Á châu. Kỳ công đó là gì? Đó chẳng qua là khả năng hạ thấp trình độ vốn đã vô cùng lẹt đẹt xuống tận đáy vô tri chỉ trong một thời gian ngắn ngủi. Là khả năng xua một đám quần chúng chuộng dân chủ vào vòng nô lệ chỉ trong một thời gian ngắn ngủi. Ai lại chẳng chấp nhận đó là một kỳ công, một kỳ công xã hội, khi mà bỗng chốc xuất hiện một hình thái vốn phải mất cả ngàn năm thai nghén? Bởi vì ngu dốt và thụ động đâu phải là điều kiện tiên quyết của hạnh phúc? Nói về vai trò giáo dục, vai trò khai sáng của chủ nhân xứ Đông Dương, thưa mấy ngài, chỉ làm cho người ta cười mà thôi. Những kẻ đang đại diện hợp pháp cho mẫu quốc ở Đông Dương chỉ có thể nói về các công trình tốn kém, đường sắt, những dự án khánh kiệt vì cáp ngầm, duy trì đội quân quan chức khổng lồ, các khoản vay quốc gia hằng năm, tóm lại là bào mòn Đông Dương, vắt kiệt Đông Dương. Vai trò của mẫu quốc trước hết là vai trò kinh tế, nghĩa là ăn tươi nuốt sống. Nhưng khi đụng đến những vấn đề tế nhị như giáo dục, đào tạo trí thức thì nước Pháp chần chừ, ngó lơ. Mẫu quốc chỉ có thể cho ta kế thừa tri thức, đặng bồi đắp cho các nhà nghiên cứu, các nhà sáng tạo của ta. Đồng hóa đòi hỏi tự do lựa chọn, một tự do tuyệt đối. Mọi cưỡng ép đều dẫn tới bí bách và bí bách thì gây chết chóc…”.

Chân dung Nguyễn An Ninh, in trong cuốn sách Ngồi tù Khám Lớn năm 1929

THƯ VIỆN QUỐC GIA PHÁP

Nguyễn An Ninh trong mắt văn nhân

Paul Monin dẫn tôi tới nhà Nguyễn An Ninh, tức ông Ninh. Tôi tự hỏi ông Ninh này là ai? Ổng có giống một lão quan không? Ổng có phải là một trong những người An Nam đã Pháp hóa, đội mũ cát thực dân, bận đồ Âu trắng đi giày bóng lộn và tóc húi gọn gàng chuẩn xác? Tôi không biết gì về ông Ninh này, ngoài mấy dòng ổng viết. Tôi không biết gì về ổng nhưng vẫn phân biệt được giữa văn minh cơ khí và khai hóa. Bọn thực dân thì tôi chưa biết nhiều lắm, chỉ biết rằng đa số đều có cái vẻ bí ẩn này. Nhưng ông Ninh chủ bút thuộc hạng gì?

Một căn nhà trong dãy nhà liền kề y hệt nhau, một chiếc hộp trong số những nhà hộp. Chúng tôi bước vào. Chúng tôi đi qua khuôn, máy dùng in Chuông rè. Chúng tôi vừa nép vào nhau vừa lách qua. Chúng tôi bỗng biến thành mỏng dính. Nơi này chỉ đủ chỗ cho một người An Nam. Không đủ rộng để chứa một gã Âu châu hộ pháp.

Ông Ninh xuất hiện và đưa chúng tôi vào căn phòng cuối nhà. Ông Ninh… Một nhân vật mặc áo dài trắng, một nhân vật có dáng vẻ thiên thần. Gương mặt ông thoạt nhìn hơi trẻ con, vì mũi nhỏ và gò má cao.

Căn phòng nhìn ra sân nhỏ, tôi thấy một thùng chứa đầy nước và một cái gáo dừa dùng tắm gội. Trong phòng có giường xếp, bàn nhỏ bề bộn giấy tờ, sách vở. Trên tường chỉ toàn là kệ chứa sách. Bên trên kệ sách có vài tấm hình Ấn Độ thường thấy trong chùa và hay được bán ở Colombo, một bức chân dung Tagore, một bức tranh Ý thế kỷ XIV.

Xin lỗi ông, ông Ninh ơi, tôi xin lỗi nhé, ông bạn, thứ cho cái sự kiểm kê này. Lối kiểm kê Âu châu này, lối kiểm kê sai trái này, coi vậy mà cần thiết. Tôi tiếp tục một cách thận trọng. Tôi đang kể với tất cả sự ngây thơ, từng bước một, làm sao mà tôi đã hiểu về Viễn Đông - ấy là nhờ công lớn của ông, ông ạ.

Tác phẩm Hai Bà Trưng được Nguyễn An Ninh viết nhằm cổ súy, kích thích lòng yêu nước của quần chúng

Chúng tôi bàn luận về tư tưởng. Ông nói với tôi: “Áp bức đến từ nước Pháp, nhưng tinh thần khai phóng cũng đến từ nước Pháp.”

Tôi đảo mắt nhìn quanh các kệ sách.

Tôi tình cờ thấy: Renan, Nietzsche, Faubert, Kant, Platon, Propos của Alain…

Ông lại nói: “Nếu thực dân đã không đem văn hóa Âu châu tới cho chúng tôi, thì cũng chẳng đáng than phiền. Bởi họ có biết gì đâu”.

Chúng tôi nói với nhau rất ít. Tôi chưa bao giờ cảm thấy văn hóa Âu châu là kho tàng, dân Âu châu cũng không nghĩ vậy và ngay khi văn hóa lan tràn thì nó chỉ còn là công cụ hữu hiệu để khuếch trương, để tuyên truyền. Ông biết nó còn rõ hơn tôi nữa. Tôi đã thấy sách ông đọc. Tôi hiếm khi tin vào sách vở. Trong phút giây chứng kiến những kệ đầy sách này tôi có một cảm xúc không ngờ được. Tôi bỗng nhận thấy phẩm hạnh của sách. Bằng số sách này, cũng như bằng hai chuyến đi qua Âu châu, ông đã hiểu Âu châu không hề giống với hình ảnh của nó ở thuộc địa. Là người Âu, tôi xin mạnh dạn làm quen với ông.

Chúng ta quyết định hẹn gặp lại nhau. Ngày hôm sau, vì thận trọng mà tôi không tới nhà ông. Nhưng đến tối, khi trở về khách sạn, tôi thấy trong phòng có ba quả mang mà ông đã đem tới, ba trái táo nhỏ trông như ngọc.

(còn tiếp).

(Nguyễn Quang Diệu lược trích từ tác phẩm Nam kỳ ngao du của nhà văn Léon Werth - Thư Nguyễn chuyển ngữ).

Nam kỳ ngao du

Sài Gòn, những hình ảnh đầu tiên

Cuộc sống thường nhật của người bản xứ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.