Nam kỳ ngao du: Người Âu châu tại thuộc địa Sài Gòn

29/08/2022 06:42 GMT+7

Tôi nhớ Âu châu khi tôi gặp người Âu. Người An Nam và người Hoa vẫn xa lạ với tôi. Người Âu ở đây không bí ẩn, họ dễ đọc vị. Họ chẳng còn chút gì là Âu châu.

(...) Thực dân chỉ là một bức biếm họa người Âu. Những kẻ tinh tế nhất trong đám thực dân khả dĩ nắm được từng chặng đổi thay này. Người ta thường đổ vấy cho khí hậu, mặt trời, cô lập, gián, rượu, thuốc phiện. Mà đúng ra không có nguyên nhân nào ngoài lề thói. Lề thói thuộc địa là cả một truyền thống. Nó mạnh hơn cả sự phản kháng của lý lẽ và trái tim. R. từng nói với tôi rất dài về cái sự ghê tởm của anh ta đối với cái tàn bạo và thô lậu mà thực dân dành cho người An Nam. Chúng tôi ngồi vào bàn. Một thằng bồi mới, lõm bõm tiếng Pháp, mang cho anh ta món cừu thay vì rau trộn như yêu cầu. R. hét lên khi nó đang nghiêng người đưa đồ ăn: “Mày ngu quá lợn”. Nhân vật R. đã chứng thực cho giai thoại này. Anh ta là một người có giáo dục và tôi tin là bản chất anh hào hiệp. Nhưng anh ta đã chịu một sự lây nhiễm. Lời nói thì không có gì. Nhưng ngữ điệu thì phô ra hết. R. đã hét lên như một gã điên.

Toàn quyền Long tiếp Thống chế Joffre tại Sài Gòn năm 1921 qua ống kính Ludovic Crespin

THƯ VIỆN QUỐC GIA PHÁP

Từ Thống đốc [Nam kỳ] cho tới hiến binh, bất kể là ai, nếu đã từng biết những ràng buộc xã hội hay kỷ luật ở Âu châu thì đều trở thành ông giời con ở Á châu. Thiếu ràng buộc với bên ngoài, con người không còn biết gì khác. Họ cũng là nạn nhân của một sự chênh lệch xã hội ghê gớm. Họ chịu đựng cơn say của kẻ trọc phú đến độ không thể tưởng tượng nổi nếu là ở Âu châu. Bởi vì không phải chỉ có tiền mới mua được quyền. Họ có quyền. Màu da của họ, dáng mũi của họ lập tức cho họ vẻ vương giả. Tôi từng nghe vợ một viên chức nhỏ có bốn thằng bồi phục vụ, bà nguyền rủa thuộc địa trong cơn tức tối và rít lên: “A, nước Pháp muôn năm cái quần què”.

Người Âu ở đây cũng giống như rượu vang mà anh ta uống, có nhãn có tên nhưng không có vị gì. Nhưng một ngày nọ tôi đến thăm một phụ nữ tầm năm mươi tuổi, bà theo chồng tới thuộc địa được ba mươi năm rồi. Bà đã vượt đại dương, trảng bụi, bà đã sống trong những biệt thự thực dân có hàng cột mỹ miều. Bà từng được bồi đen và bồi vàng phục vụ. Bà biết những tay thực dân mõm chó. Nhưng bà chưa từng mất đi một chút gì bản chất Âu châu. Ở đây, cái từ Âu châu là quá rộng. Bà này vẫn còn địa phương tính. Nói cho đúng thì phải là tư sản tỉnh lẻ quãng năm 1895. Bà đã sống mà không thu được gì và cũng chẳng mất gì. Bà như một đóa hoa khô kẹp giữa hai trang sách. Và giữa một nhóm người không phải Âu chẳng phải Á, tôi đã bị cái hình ảnh Âu châu này hớp hồn trong vài phút, dù nó không phấn khích cũng không toàn mỹ nhưng ít nhiều, nó thật.

Sự thô lỗ của họ không thể tha thứ được. Tôi thường muốn nói: “Chém giết đi… can đảm chém giết đi. Hãy giết người An Nam. Chỉ bằng cách đó mới thấy mạng người An Nam chẳng bằng mạng chó. Rồi người ta sẽ hiểu cho ông bà. Nhưng nết thô lậu của ông bà tôi chịu không nổi. Nó làm tôi hổ thẹn. Người Âu khi nói với chó cũng cưng như nói với người. Tôi chỉ xin ông bà hãy đối xử với người An Nam bằng ngang con chó”.

[...] Tôi không nói rằng một người Âu thường có ý tưởng rõ ràng về khai hóa tinh thần. Nhưng người Âu ở đây đã mất hết khái niệm đó. Khi nghe nói về người An Nam, hắn sẽ trả lời: “Hệ thống giao thông đường bộ và đường thủy… Sự phát triển của đất nước…”. Và những kẻ xấu xa trong đám thực dân còn chua thêm: “Đào kinh rạch, mở đường sắt và đường lộ lúc nào cũng kéo theo bê bối tài chính”. Một luật sư già từng thán phục chỉ cho tôi chiếc xe buýt Sài Gòn - Chợ Lớn do một người Ấn Độ cầm lái. Ông ta nói, tay chỉ vào động cơ xe: “Ông xem… Sau năm mươi năm chinh phục… Người Âu đã lẫn lộn động cơ với máy đĩa”.

Đường Catinat năm 1921 qua ống kính Ludovic Crespin, bây giờ là đường Đồng Khởi

THƯ VIỆN QUỐC GIA PHÁP

Họ sống trong một xứ sở mà nền văn minh có lẽ là tù đọng, thối rữa đã thấm vào đám đông Âu châu. Giữa nền văn minh mà họ không biết đến này và tinh thần Âu châu mà họ đã từ bỏ, họ sống cơ cực như bọn người man dã. Có lờ mờ cảm thấy điều đó. Một tay kỹ sư, sau ba mươi năm sống ở thuộc địa, nói với tôi:

- Cứ về Âu châu là tôi đau khổ. Tôi chịu không nổi cảnh nhàn rỗi của kỳ nghỉ. Và trên hết tôi bị dân mẫu quốc khinh miệt... Họ hỏi tôi những câu như: “Ông có dùng bánh mì không?... Ông có giường ngủ không?”.

Một gã bỉ lậu ngắt lời anh ta và nói thật ngây ngô:

- Họ tưởng chúng mình là mọi rợ đấy...

Họ phẫn nộ vì ở Âu châu người ta hình dung thật phi lý về đời sống vật chất của họ. Họ có tủ ướp lạnh và đầu máy. Nhưng họ không thấy sự ngu ngốc của Âu châu đã gán nỗi cơ cực, nỗi cơ cực mà họ không biết đến bằng những hình cảnh và biểu tượng. Chỉ kiều dân bị An Nam hóa mới mất đi Âu châu. Nhưng hắn cũng phải được một cái gì. Còn tên thực dân mất đi Âu châu là mất trắng. (còn tiếp)

(Nguyễn Quang Diệu lược trích từ tác phẩm Nam kỳ ngao du của nhà văn Léon Werth - Thư Nguyễn chuyển ngữ)

Nam kỳ ngao du

Sài Gòn, những hình ảnh đầu tiên

Cuộc sống thường nhật của người bản xứ

Ấn tượng Nguyễn An Ninh

Kiều dân và người bản xứ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.