Thiên nhiên ở đây hoang dã và mặc sức sinh sôi. Thậm chí không có chút riêng tư dè dặt nào...
Bấy giờ là mùa khô. Cây cối không sum suê mơn mởn. Song cũng không thể nói rằng không um tùm. Chúng tạo thành một bộ xương sinh trưởng phi thường.
Bên trái, bên phải, rừng cây tiếp nối nhau hàng trăm cây số. Bất tận. Rừng không màng lề lối trật tự như thánh đường. Một thánh đường thì quá nhỏ bé. Sao không là một cái nhà?
Vùng phụ cận Biên Hòa - trên đường cái quan giữa Sài Gòn và Phan Thiết, thập niên 1920 |
Lúc này đây rừng đang cháy. Có hề chi! Nó sẽ tái sinh. Rừng cháy lớn tới nỗi một cái cây ngã xuống chắn ngang lộ và xe không thể qua. Chúng tôi mang cành cây ra giữa đường, chất đống lên cái cây và châm một mồi lửa. Khi cái cây cháy hết hoặc nếu có thể dịch chuyển một phần thân cây thì chúng tôi sẽ qua. May thay cái cây mãi mới bắt lửa. Xe hơi làm tôi có cảm giác như một chuyến đi trong phim ảnh. Chúng tôi đã ở giữa rừng gần một giờ đồng hồ, giữa mọi tiếng ồn của rừng sâu gần một giờ rồi. Và đêm sắp buông xuống.
Đó là rừng kè. Tôi không viết từ này để làm kinh ngạc những người Âu chưa từng đặt chân đến Viễn Đông. Tôi biết những tên cây còn lạ hơn nữa: dầu [nguyên văn: giau], sao và phi lao. Nếu như thêm chữ bồi [boy] và con gái [congai] vào chữ giau, sao và phi lao đó, ta sẽ có đủ mọi thành tố để tạo nên một cuốn tiểu thuyết tường thuật pha tâm lý hay ho về chủ đề Viễn Đông.
Thế nhưng tôi không làm được, vì tôi thực sự muốn gọi cây kè là cây cọ mà thôi.
Xa xa, những cây cọ chở che cho những cuộc dan díu của Paul và Virginie [nguyên văn: Paul et Virginie, tiểu thuyết của Jacques Bernardin Henri de Saint-Pierre]. Xa xa, những cây dừa đu đưa tàu lá trên Túp lều của bác Tom [nguyên văn: La Case de l'oncle Tom, tiểu thuyết của Harriet Beecher Stowe]. Còn cây kè, sắc nhọn như xương sống cá, vẫn mạnh mẽ bật lên hình dáng già cỗi mập mạp và vươn tít tắp những họa tiết cứng nhắc, những cành lá sum suê gấp khúc của nó.
Lửa cháy chậm và không lan rộng. Rừng không cháy quá xa. Có vẻ như người ta đốt đuốc ở đây đó và chúng tôi ngửi thấy mùi nhựa thông.
Tôi thơ thẩn ra khỏi lộ, về phía rừng kè.
- Đừng đi xa quá!...
Đừng đi xa quá ư?... Vì hổ, báo chăng? Tôi không phải không tin. Tôi đã sống vài ngày với những người bạn săn hổ và báo không khác gì săn một con gà gô và họ không kể những cuộc đi săn theo kiểu thợ săn. Nhưng đối với tôi, nhà của hổ là cái chuồng. Và xứ sở thực sự của nó là nơi tôi không thuộc về. Vì vậy, đi xa hơn một chút trong rừng rậm có nên chăng?...
- Trời ạ, có khi nó băng qua lộ nữa đấy. Người An Nam nói hổ còn mò tới tận nhà…
Di Linh - trên đường cái quan giữa Sài Gòn và Phan Thiết, thập niên 1920 |
MANHHAIFLICKR |
Rừng và đêm tối buông xuống... Tôi muốn thấy một con hổ. Tôi sẽ không giết nó. Trước hết tôi không biết ngắm bắn, và sau nữa tôi không có súng và cũng bởi vì tôi cảm thấy một niềm hạnh phúc ghê gớm khi ở trong rừng và tôi muốn chia sẻ với ông Cọp niềm hạnh phúc đó.
Chúng tôi lại lên đường, để lại đống lửa sau lưng. Chúng tôi trông thấy những người Mọi đầu tiên và những ngôi nhà sàn của họ. Họ đứng thành hàng dọc bên đường. Người Mọi... Những người này thực sự không phải là man di mọi rợ. Họ làm việc trong rừng. Họ hầu hết là người làm công. Họ quấn một chiếc khố và cuộn tròn ở phía sau.
Chúng tôi xuống xe. Họ nhìn chúng tôi một cách thản nhiên. Tôi thậm chí không chắc rằng họ đang nhìn chúng tôi. Phụ nữ thì ăn mặc không khác đám khách nữ quen thuộc ở các nhà hàng là mấy. Nhưng họ nghĩa khí hơn, họ để ngực trần hoàn toàn. Y phục của họ bắt đầu từ phần hông. Họ đeo dây chuyền mỹ nghệ, vòng tay và vòng chân bằng đồng rất dài, quấn quanh mắt cá hoặc cẳng chân, như một bình rượu không đáy. Một vài cô còn đeo nhẫn bằng kim loại trắng ở mỗi ngón tay và che khuất hoàn toàn đốt đầu tiên.
Một người trong đám phụ nữ Mọi ngồi xuống, dang hai tay đón lấy đứa bé chập chững bước đi về phía cô bằng một cử chỉ quá đỗi dịu dàng và từ ái, trong bóng tối của rừng sâu. Tôi vừa mới chứng kiến một khí vị vừa hoa mĩ vừa đầy tình mẫu tử ở những con người nguyên thủy. (còn tiếp)
(Nguyễn Quang Diệu lược trích từ tác phẩm Nam kỳ ngao du của nhà văn Léon Werth - Thư Nguyễn chuyển ngữ)
Nam kỳ ngao du
Bình luận (0)