Thúng xôi ngày thơ bé
Hầu như đứa trẻ nào ở Hà Nội cũng nghe qua món xôi xéo. Vậy còn người lớn? Không, họ chẳng cần nghe, vì quá bận rộn rồi.
Họ bận đủ để phi xe máy hờ hững, đỗ cái xịch trước mấy thúng xôi. Trong đầu họ nằm lòng tên các loại xôi từ thuở bé thơ. Xôi xéo vàng óng màu nghệ và chút phẩm gọi là. Xôi lạc trăng trắng hồng hồng, xôi đỗ đen, xôi ngô, xôi gấc. Xôi Phú Thượng chính hiệu thì không dùng phẩm, chỉ dùng nghệ thôi, các chị bán xôi đem cả danh dự mấy chục năm làm nghề để thề thốt điều đó.
Mà cũng chẳng cần biết các chị bán thật hay bán dối. Chỉ năm nghìn một gói, thật hay không thì cũng no bụng cái đã. Xôi Phú Thượng len lỏi khắp vỉa hè, ngõ ngách. Năm nghìn một gói đủ cả hành đỗ mỡ. Có một số chị đúng dân Phú Thượng, số còn lại cũng học được nghề ra bán. Độ ngon dù khác nhau, mà ai cũng nghĩ na ná như nhau, ai cũng chỉ muốn ấm bụng rồi lao vào vòng xoáy cuộc đời.
Đây là thế kỷ 21 rồi đấy. Có người nói xôi xéo là món quà của ký ức, là nắng sớm đầu ngày. Dân lao động chẳng nghĩ thế. Đơn giản là no. No là sướng, là hạnh phúc. No chỉ cần đến năm nghìn. Hồi trước, bùng binh gần chợ Bưởi chưa giải tỏa, đó là thiên đường của cửu vạn và xôi xéo. Ngay gần hồ Tây, mấy chị bán xôi Phú Thượng bám vào đó mà vui sống. Dọc đường Bưởi, tỏa sang Lạc Long Quân, cửu vạn kiếm ăn, ngày chỉ dám ăn hai bữa.
Gói xôi xéo to bự chảng, đầy phè đỗ xanh và hành phi. Chỉ mấy cháu học sinh mới dám ăn bảy nghìn thì có được nhúm ruốc tin hin. Ruốc dai dai, mằn mặn. Có ông bán nước gần đó phớ lớ: ruốc làm từ sắn dây đấy, vài nghìn còn đòi ruốc xịn sao? Kệ thôi, sống khuất mắt mà ăn.
|
Chỉ có chị bán xôi là một hai chối đây đẩy. Ông biết gì mà nói, thịt gà công nghiệp rất rẻ, nếu mua được ở gốc hoặc tự nuôi thì làm ruốc vẫn lãi. Vâng, biết thế, ông bán nước cười trừ rồi luôn tay rót rót, bưng bưng.
Trà đá lấy dân qua đường hai nghìn một cốc, dân cửu vạn ông chỉ lấy một, thỉnh thoảng lại miễn phí. “Bọn nó làm quái có tiền. Cho nó uống lần sau có khi nó mua cả bao thuốc”, ông nói. Cũng chỉ là cái cớ để thương nhau giữa cuộc sống ám khói xe, bụi đường.
Nghề gia truyền, khách lâu năm
Xôi xéo năm nghìn mà vẫn dẻo thơm. Nghề bà cố, rồi bà nội truyền lại. Lại học mót hàng xóm thêm mấy mánh mung là đủ ra vỉa hè ngồi bán. Tôi cũng ăn xôi Phú Thượng của vài chục chị rồi, ai cũng khoe là học được từ chính gốc. Cũng có niềm tự hào để tiếp tục ngồi bên thúng xôi nóng sực hè cũng như đông. Chả thế mà các chị còn dám chắc là xôi chị nấu ngon hơn cả trong nhà hàng sang trọng.
Hỏi chị sao dám phán như thế, chị ráo hoảnh, cái nhà hàng gần chỗ chị toàn lấy xôi của bà hàng xóm, bà đấy nấu xôi xéo không dẻo, không ngon, đã thế lại còn dính nát. Xôi chuẩn thì phải không nát, không nhão khi nóng, để nguội không bị cứng. Bí quyết gia truyền, chẳng dễ truyền cho ai, vậy mà hàng thúng xôi mươi bước là thấy trên khắp phố phường Hà Nội, ai cũng tự hào xôi ngon nhất. Thôi thì cứ ăn ngon là nó ngon thôi.
Chẳng có thứ quà sáng nào vừa rẻ vừa ngon như thế. Chê tầm thường thì xin mời đi ăn phở, ăn bánh mì “dân tổ” hai lăm ngàn một chiếc. Mùa đông, vẫn năm ngàn một gói xôi xéo. Lại còn có thủ thuật rất hay. Bình thường bốc 10 đỗ, 10 hành phi thì lấy 9, còn lại một phần thì nhon nhón bỏ thêm vào, nói là cho thêm đấy. Chủ khách đều vui.
Dân công nhân, khuân vác, cũng chỉ cần niềm vui cỏn con vậy mà sống. Sáng nào cũng làm bạn với mùi hăng hăng nhè nhẹ và giòn rụm của hành phi, mùi gây gây sừng sực của mỡ gà, rồi bùi bùi mằn mặn của đỗ xanh vừa gạt ra khỏi viên to đùng. Lao vào đường phố, thấy ai đi qua ới lên vài câu. Không được, tiu hiu sà vào vệ đường, xem có anh nào thuốc lào thì hút ké.
|
Bình luận (0)