Trái tim yêu thương!

Nếu như dải đất hình chữ S là một cơ thể người thì Hà Nội là trái tim của cơ thể đó. Hà Nội là trung tâm, là ân nghĩa, yêu thương.

Tiệm cắt tóc không lời

Tôi may mắn làm việc tại một dự án có sứ mệnh hỗ trợ việc làm cho các đối tượng yếu thế trong xã hội. Ban đầu, việc tìm kiếm các đối tượng để hỗ trợ là một công việc khó khăn, tôi thường tìm đến các vùng sâu, nhưng người yếu thế tại đó rất khó có được một công việc ổn định.
Công việc tưởng chừng như bế tắc thì tôi được một người bạn dẫn đi cắt tóc tại “tiệm tóc không lời” số 55 ngõ Văn Chương, Hà Nội. Ở đó thợ cắt tóc đều câm điếc, họ chỉ giao tiếp với nhau bằng ký hiệu. Tôi nhận ra rằng, ở ngay giữa thủ đô phồn hoa còn rất nhiều cảnh đời éo le, khổ cực, đa phần họ đến từ các vùng quê nghèo, đến đây để mưu sinh cho dù chẳng có một ai thân thích.
Người nhiều thì gần chục năm, người ít đôi ba tháng, quen nhau một lần rồi ân nghĩa cả đời. Tiệm tóc dạy nghề miễn phí mà chẳng quảng cáo, chẳng ai tài trợ, họ đều là người cùng cảnh ngộ giúp nhau hòa nhập.
Thoạt đầu, tôi nghĩ rằng, ở nơi đất chật người đông thế này, mọi thứ đắt đỏ sao lại có chuyện miễn phí toàn bộ cho học viên học việc, ăn ở. Hỏi ra mới rõ, chủ tiệm tóc - anh Nguyễn Thái Thành cũng là một người câm điếc bẩm sinh. Anh Thành làm việc này chỉ vì chữ tình để xóa đi mọi khoảng cách giữa người khuyết tật với người bình thường. Hà Nội thật ấm những ngày đông giá khi có thêm những học viên mới tìm đến tiệm tóc không lời.

Mái ấm nối mái ấm

Qua anh Thành, tôi mới kết nối thêm được một số nơi tương tự. Đó là mái nhà ấm áp của thầy Trần Duyên Hải, số 28/24, P.Văn Chương, Q.Đống Đa. Là một người gốc Hà Nội, nếu như thầy Hải tập trung vào kinh doanh hoặc cho thuê nhà trọ thì sẽ rất khá giả. Tuy vậy, thầy vẫn rất “giàu” khi cưu mang hàng trăm hoàn cảnh khó khăn trong hơn 10 năm nay. Trẻ mồ côi, trẻ khuyết tật, phụ nữ đổ vỡ gia đình, người vô gia cư đều tìm đến thầy như sợi dây kết nối tình yêu thương.
Tôi đến thăm trung tâm của thầy vào một ngày giữa thu, không khí lao động miệt mài của các em nhỏ, nụ cười trên môi như xóa tan hết mọi khiếm khuyết trên cơ thể, nỗi ưu phiền về thân phận. Có em nói rằng, xuống Hà Nội nghĩ sẽ vất vả, lắm xô bồ lại chẳng quen ai, gặp được thầy Hải coi như cuộc đời được tái sinh.

Những bạn trẻ khiếm thính bán hàng lưu niệm trên hè phố Hà Nội

Ảnh Lưu Quang Phổ

Hay như trung tâm của cô gái xương thủy tinh Thương Thương mà chúng tôi gặp tại phố Lương Định Của. Với nhiều người khuyết tật, việc tự lo cho bản thân đã khó nói gì đến việc dạy nghề cho người khác và kinh doanh. Vậy mà cô gái “dài” chưa đầy 1 m, chỉ có 2 ngón tay là cử động linh hoạt lại có thể làm ra các sản phẩm giấy cuốn độc đáo, đồng thời dạy nghề cho hàng chục bạn khuyết tật trên cả nước và trực tiếp kinh doanh sản phẩm trên mạng.
Chị Thương bảo với tôi rằng, trung tâm toàn các bạn khuyết tật ngoại tỉnh, trước khi xuống Hà Nội, các bạn rất lo. Có bạn người nhà khuyên, dân Hà Nội họ kiêu và điêu lắm, lấy đâu ra dạy nghề, ăn ở miễn phí. Thà rằng ở quê một tháng tiêu mấy trăm nghìn tiền trợ cấp vẫn sống tốt, xô bồ làm gì. Nhưng cái họ muốn là sự hòa nhập, vì thế mà đã có hàng chục lượt học viên đến với chị Thương rồi nên duyên vợ chồng, lập nghiệp tại thủ đô, trở thành công dân thủ đô.

Những người bao đồng

Người cùng cảnh ngộ thương nhau thì rõ rồi, còn người bình thường, gia cảnh nghèo khó mà được cả vợ lẫn chồng thì khá hiếm. Từ dự án, tôi lại biết thêm vợ chồng anh Ngàn chị Hằng ở thôn Đại Áng, xã Vĩnh Quỳnh, H.Thanh Trì. Hai vợ chồng anh bần nông từ nhỏ, nghèo nhất thôn mà lại đi làm việc “bao đồng” nhận người khuyết tật, vô gia cư về cưu mang, dạy nghề may vá.
Mang tiếng “giám đốc doanh nghiệp” mà chiếc áo anh Ngàn mặc cũng ngót chục năm, bạc phếch màu, mái nhà trần chỗ róc chỗ rách, chiếc xe thì “kêu to” nhất làng. Cũng giống anh Thành, thầy Hải, chị Thương, anh Ngàn giàu lòng nhân ái của một con người Hà Nội, chẳng màng giàu sang vật chất mà luôn đem hết sức mình giúp đỡ, yêu thương dân tứ xứ lưu lạc nơi phố thị mà chẳng vách nhà tựa lưng.
Hà Nội không nhiều thùng quyên góp hay bữa ăn miễn phí như nhiều nơi, tuy vậy, ẩn khuất trong nhiều ngõ ngách là nơi tề tựu của không ít hoàn cảnh khó khăn mà đứng đầu là một trái tim nhân hậu, ấm nóng. Ở đó chẳng có ai lạ, chỉ có người thân, nếu cuộc đời thứ nhất đã đóng lại thì sẽ mở ra cuộc đời thứ hai.
Hà Nội - nơi trái tim của cả nước, nơi ngàn năm văn hiến, cổ kính sẽ mãi là thủ đô yêu dấu, tự hào!
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.