Ngày đầu xuân Nhân Dần, chúng tôi đã có duyên gặp vị võ sư chân truyền của môn phái Hổ quyền (Võ hổ) độc đáo tại ngôi làng Dương Nỗ yên bình bên dòng sông Phổ Lợi (xã Phú Dương, TP.Huế, Thừa Thiên – Huế).
Võ sư Đoàn Phú trình diễn một thế võ Hổ quyền |
Lê Hoài Nhân |
Kỳ duyên "Hổ về làng"
Làng Dương Nỗ nằm bên bờ sông Phổ Lợi, có chợ Nọ nổi tiếng "duyên nợ" với với dòng nhạc Bolero, mà có một thời khi nói đến dòng nhạc này người dân miền Trung vẫn quen gọi "Bolero chợ Nọ".
Vùng làng quê yên bình nên thơ này trong suốt chiều dài lịch sử còn có “kỳ duyên” khác trong dòng chảy văn hóa Việt từ Bắc vào Nam: sự xuất hiện của Hổ quyền, môn phái võ thuật sáng tạo độc đáo của người Việt, lấy tinh hoa của loài hổ làm triết lý tập luyện.
Khám phá môn võ Hổ quyền qua lời kể của võ sư 71 tuổi |
Hiện Tổ đường của môn phái Võ hổ (Bạch hổ sơn quân) nằm ở thôn Trung Đồng (xã Phú Thượng) và môn phái Hổ quyền ở làng Dương Nỗ (xã Phú Dương) do võ sư Đoàn Phú (71 tuổi) làm chưởng môn.
Võ sư Đoàn Phú đang dạy các thế võ hổ cho học trò |
Lê Hoài Nhân |
Võ sư Đoàn Phú là con trai của bà Nguyễn Hữu Thị Trúc, em gái của cố võ sư chưởng môn đời thứ 19 của môn phái Bạch Hổ sơn quân Nguyễn Hữu Cẩn.
Ông cho biết, môn phái Võ hổ ở cố đô Huế vốn là môn võ gia truyền của dòng họ Nguyễn Hữu, một nhánh hậu duệ của Võ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh (1650-1701), cũng là tổ sư sáng lập của môn phái Võ ta - Bạch Hổ.
Theo tư liệu lịch sử, Võ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh (sinh năm Canh Dần 1650 tại xã Chương Tín, H.Phong Lộc nay là xã Vạn Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình) xuất thân trong một gia đình võ tướng, am tường quốc sự, theo phò chúa Nguyễn.
Một học trò của võ sư Đoàn Phú trình diễn thế võ hổ |
Lê Hoài Nhân |
Nguyễn Hữu Cảnh là con trai thứ ba của ông Nguyễn Hữu Dật (tước Chiêu Vũ hầu) vốn xuất thân trong dòng dõi võ tướng. Lớn lên trong thời kỳ Trịnh - Nguyễn phân tranh, lại chuyên tâm luyện tập võ nghệ, ông đã lập được nhiều chiến công và đã được chúa Nguyễn Phúc Tần phong chức Cai cơ (một chức võ quan thuộc bậc cao) vào lúc tuổi độ hai mươi.
Vì sinh năm Dần lại có vóc dáng hùng dũng, có nước da ngăm đen, võ thuật cao thâm nên ông được người đương thời tôn xưng danh hiệu "Hắc hổ". Nguyễn Hữu Cảnh là một võ tướng có nhiều công lao trong việc dẹp loạn phản tặc, bình định phương Nam, mở mang bờ cõi, khai sinh vùng đất Sài Gòn - Gia Định, được phong tước Võ Thành hầu.
Trên hành trình mở cõi phương Nam, dòng họ võ tướng Nguyễn Hữu đã để lại một chi họ Nguyễn Hữu tại vùng đất Phú Vang, Thừa Thiên – Huế. Hiện nhà thờ phái Nguyễn Hữu nằm tại thôn Mai Xuân, làng Dương Nỗ, xã Phú Dương, huyện Phú Vang (nay thuộc TP.Huế, Thừa Thiên - Huế).
Trong nhà thờ hiện còn lưu giữ bảng khắc tên trích từ gia phả của phái Nguyễn Hữu của ngài Nguyễn Hữu Dật cùng 4 con trai là Nguyễn Hữu Hào (tước Hào Lương Hầu, tác giả truyện nôm Song Tinh Bất Dạ), Nguyễn Hữu Trung (tước Trung Thắng Hầu), Nguyễn Hữu Cảnh (tước Võ Thành hầu) và Nguyễn Hữu Tín (tước Tín Đức hầu).
Các học trò của võ sư Đoàn Phú đồng diễn võ thuật |
V.H |
Cơ duyên để môn Võ hổ của Võ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh đến và lưu truyền tại vùng quê Phú Thượng, Phú Dương là vào năm 1835, vua Minh Mạng ra chỉ dụ cho tỉnh Thừa Thiên đào sông Phổ Lợi để tạo tuyến đường thủy chiến lược nối với cửa biển Thuận An.
Việc đào sông Phổ Lợi đến năm 1836 hoàn thành, được xem là một thành tựu trị thủy nổi bật của triều Nguyễn, nên năm 1837 vua Minh Mạng đã ra lệnh cho khắc hình tượng sông Phổ Lợi vào trong Nhân đỉnh (1 trong 9 đỉnh của bộ Cửu đỉnh).
Đến năm 1839, khi sông Phổ Lợi bị bồi lấp, vua sai võ tướng Tạ Quang Cự, Đô thống Trung quân Đô phủ Chưởng phủ sự, phụ trách việc nạo vét sông Phổ Lợi kiêm coi trường đào tạo võ quan Anh Danh. Theo những người con cháu của dòng họ Nguyễn Hữu ở Phú Thượng, thời điểm đó, cụ tổ của nhánh họ Nguyễn Hữu là Nguyễn Hữu Hóa, hậu duệ của Nguyễn Hữu Cảnh, là một võ quan giữ chức Đội trưởng nội hầu thuộc Trung quân Đô phủ của triều Nguyễn.
Đô thống Tạ Quang Cự đã cử Đội trưởng nội hầu Nguyễn Hữu Hóa trông coi công việc nạo vét khơi thông dòng Phổ Lợi. Từ đây, ông Nguyễn Hữu Hóa đã định cư và truyền dạy môn phái Bạch Hổ sơn quân cho con cháu. Đến đời cụ Nguyễn Hữu Khánh (cháu nội ông Nguyễn Hữu Hóa, chưởng môn thứ 18), môn võ này mới bắt đầu truyền dạy ra bên ngoài. Đến đời của con cụ Nguyễn Hữu Khánh là võ sư Nguyễn Hữu Cẩn, chưởng môn đời thứ 19, môn võ này mới phát huy rộng rãi.
Võ hổ, sáng tạo độc đáo của người Việt
Cùng với anh trai của mình là cố võ sư Nguyễn Hữu Cẩn, người con gái của cụ Nguyễn Hữu Khánh - bà Nguyễn Hữu Thị Trúc - cũng được cha truyền dạy võ học.
Vốn thụ hưởng võ học chân truyền từ cha, bà Nguyễn Hữu Thị Trúc sau này đã truyền dạy võ học cho con trai là võ sư Đoàn Phú, hiện là chưởng môn của môn phái Võ Ta - Hổ quyền đạo, ở làng Dương Nỗ.
Là con trai của bà Nguyễn Hữu Thị Trúc, năm lên 6 tuổi, võ sư Đoàn Phú đã được mẹ truyền dạy võ thuật, đặc biệt là môn Hổ quyền.
"Bản thân tôi có "duyên nợ" với Hổ quyền, xuất phát từ một thầy giáo (võ sư Đoàn Phú, nguyên giảng viên môn Vật lý của trường ĐH KHoa học Huế và Đại học Y dược Huế - PV). Nhưng vì đam mê và muốn lưu giữ môn võ của dòng dõi, tôi luôn cố gắng lưu giữ và phát huy để giữ được những điều nguyên vẹn và đặc trưng của Võ hổ”, ông Phú nói.
Võ sư Đoàn Phú dù ngoài 70 tuổi, thân thể vẫn cường tráng, mạnh khỏe |
Lê Hoài Nhân |
Theo võ sư Đoàn Phú, trong quan niệm dân gian Á Đông, hổ được xem là chúa tể sơn lâm biểu trưng cho sức mạnh, uy nghi, được thần thánh hóa mang sứ mạng thiêng liêng trừ tà, yểm quỷ. Bởi vậy, mà trong đời sống tâm linh đã có hình hổ phù, hổ trấn được vẽ thành tranh và tạc thành tượng để thờ ở các đền, đình, miếu, điện…
“Võ hổ là một sáng tạo tuyệt vời của người Việt, lấy các động tác hình tượng của hổ trong chiến đấu sinh tồn mô phỏng, kết hợp với nguyên lý âm dương (cương - nhu), ngũ hành tương sinh tương khắc… để hình thành nên các đòn thế, quyền cước để tập luyện, xây dựng triết lý võ học mang bản sắc của môn phái. Võ Hổ bên ngoài (dương) luyện gân cốt, da thịt, cơ bắp làm đường nét quyền cước; bên trong (âm) luyện khí, nội lực, kình lực làm nền tảng của sức khỏe, võ công”, võ sư Đoàn Phú chia sẻ.
Theo võ sư Phú, để luyện tập Võ hổ đòi hỏi phải có sức khỏe, nhanh nhẹn và dẻo dai… Bởi đặc trưng của môn võ này là hổ trảo (dùng các ngón tay như móng vuốt của loài hổ). Ngày trước, võ hổ dùng trảo để đâm mắt, giật biều (bộ hạ)… khá nguy hiểm nhằm triệt hạ đối thủ.
Ngày nay, Hổ quyền đã được biến thức để phù hợp với cuộc sống và xã hội hiện đại.
“Yêu cầu của võ hổ ngày trước rất khắt khe, nhưng đến ngày nay khi xã hội hóa, Võ Ta - Hổ quyền đạo cũng được biến thức để phù hợp với từng lứa tuổi. Có võ thể dục cho thiếu niên, võ dưỡng sinh cho người lớn tuổi. Võ học cốt tủy là để dạy cho con người có sức khỏe, sống tự tin, không khiếp sợ trước gian tà, bạo ngược. Người có võ do đó làm gì, ở đâu cũng có được sự trầm tĩnh, tự tin trong cuộc sống”, võ sư Đoàn Phú nói thêm.
Võ sư Đoàn Phú chỉ dạy từng động tác võ hổ cho học trò |
Lê Hoài Nhân |
Dù đã bước qua tuổi 70, thế nhưng thân pháp đi đứng của võ sư Đoàn Phú vẫn nhẹ nhàng, linh hoạt. Khi ông luyện võ, cơ thể dẻo dai, uyển chuyển. Lúc dạy môn sinh, giọng nói ông âm vang, nội lực tràn trề theo từng đường quyền của học trò.
“Võ học cốt tủy là để dạy cho con người có sức khỏe, sống tự tin, không khiếp sợ trước gian tà, bạo ngược. Môn pháo Hổ quyền đạo lấy Nhân - Nghĩa - Lễ - Trí - Tín làm phương châm hành động. Người có võ do đó làm gì, ở đâu cũng có được sự trầm tĩnh, tự tin trong cuộc sống, lấy Trí - Dũng phò nguy, giúp đời, giúp người, bảo vệ lẽ phải, đóng góp, xây dựng và bảo vệ đất nước ”, võ sư Đoàn Phú chia sẻ.
Bình luận (0)