Năm mới, ai ai cũng gửi ước mong đầu năm. Trong cảm xúc dạt dào ấy, tôi nghĩ về giáo dục trong năm hổ này.
Hy vọng giáo dục sẽ tạo được sức bật như hổ trong năm hổ |
n.t |
Có lúc thăng, lúc trầm nhưng giáo dục vẫn kết nên truyền thống cao đẹp, nguồn lực vô giá cho sự phát triển của cá nhân, gia đình, cộng đồng, cho công cuộc dựng xây nước nhà. Kết hợp giữa truyền thống và hiện đại trong đổi mới giáo dục vừa là mục tiêu vừa là động lực; đòi hỏi sự kiên trì, cố gắng không ngừng nghỉ của nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục.
Giải pháp nào ưu tiên? Đột phá ở bậc học nào? Chuyển đổi số làm sao? Giáo dục 4.0 và vị thế nhà giáo tương tác sao đây để thầy ra thầy, trò ra trò? Là quốc sách hàng đầu, giáo dục được ưu tiên nội dung gì, lộ trình thực hiện ra sao? Nhà giáo đủ sống bằng lương khi nào là hiện thực? …
Năm 2022, ngành giáo dục xác định 11 nhóm nhiệm vụ trọng tâm, có thể tóm tắt như sau: Ứng phó dịch Covid-19 và mở cửa trường học (1); Thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước về giáo dục (2); Triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018 (3); Tổ chức thi tốt nghiệp THPT, tuyển sinh đại học (4); Ban hành và triển khai chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045 (5); Tiếp tục triển khai tự chủ đại học (6); Chuyển đổi số, cải cách hành chính (7); Kỷ niệm 40 năm ngày Nhà giáo Việt Nam (8); Đảm bảo công bằng trong tiếp cận giáo dục (9); Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra (10); Đẩy mạnh công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống, kỹ năng sống (11).
Có lẽ 5 năm đến 10 năm nữa, 11 nhóm nhiệm vụ ấy vẫn còn tiếp tục được thực hiện.
Đầu năm Nhâm Dần, có nhiều mong ước đến với ngành giáo dục.
Học sinh TP.HCM tham gia hoạt động ngoại khóa |
a.n |
Thấu hiểu hơn
Khi điều này trở thành nét văn hóa trong các cơ sở giáo dục, thấm đậm trong mỗi hoạt động của thầy và trò thì kết đoàn, dân chủ, sáng tạo sẽ tác động sâu sắc đến dạy học, giáo dục. Đổi mới giáo dục mới rộng đường đến đích.
Minh bạch hơn
Tuyển dụng, quy hoạch, bổ nhiệm, thi đua, tài chính nếu thực hiện công khai, minh bạch sẽ giải tỏa hoài nghi, triệt tiêu tham nhũng, tạo dựng niềm tin trong đội ngũ nhà giáo nói riêng và xã hội nói chung. Đây là giải pháp căn cơ nhằm củng cố vị thế nhà giáo, là cơ sở quan trọng thực hiện xã hội hóa giáo dục, là kim chỉ nam cho hành trình “học thật, thi thật, nhân tài thật”, là nền tảng của “tiên học lễ, hậu học văn”.
Trải nghiệm hơn
Trải nghiệm để phát triển phẩm chất và năng lực, để đột phá, để sáng tạo; trải nghiệm để thầy ngay ngắn, trò tử tế, cán bộ quản lý giáo dục trong sáng. Trải nghiệm tốt giúp đánh giá đúng và trúng, tiến đến đổi mới kiểm tra, đánh giá, xóa bỏ bệnh thành tích, tệ giả dối trong giáo dục.
Trách nhiệm hơn
Sống trách nhiệm là để tập trung xây dựng ý thức và hành động bảo vệ môi trường, thói quen tốt trong tham gia giao thông, gắn bó với gia đình, thân thiện với mọi người, chuẩn mực khi tham gia mạng xã hội, tránh xa các tệ nạn.
Nên mạnh dạn tăng lương cho nhà giáo, nhân viên và cán bộ quản lý giáo dục |
đ.n.t |
Tăng lương cho nhà giáo
Đầu tư này suy cho cùng là đầu tư cho phát triển. Chúng ta đã, đang và sẽ tập trung mọi nguồn lực nhằm phục hồi kinh tế thời bình thường mới. Những con đường cao tốc hàng chục nghìn tỉ đồng kết nối mọi miền đất nước mạnh mẽ cất cánh. Cũng như thế nên mạnh dạn tăng lương cho nhà giáo, nhân viên và cán bộ quản lý giáo dục. Đây như một “cao tốc tri thức” để dựng xây đất nước hùng cường.
Làm được những điều này, hy vọng giáo dục sẽ tạo được sức bật như hổ.
Bình luận (0)