Nam sinh bị kỷ luật vì xúc phạm nhóm nhạc BTS: Cần 'khen công khai, chê kín đáo'

Bích Thanh
Bích Thanh
07/11/2019 21:42 GMT+7

Học sinh chưa ngoan đương nhiên cần có hình thức xử phạt nhưng phải đặt mục tiêu giáo dục và nhân văn lên hàng đầu là ý kiến của những người đang làm trong ngành giáo dục.

Phải đặt mục tiêu giáo dục lên trên hết

Ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du (quận 10, TP.HCM) nói hình thức xử phạt học trò phải đặt mục tiêu giáo dục lên trên hết, thấu tình đạt lý và lưu ý đến yếu tố tâm lý lứa tuổi. Tức là xử phạt để các em biết sai, có ý thức sửa chữa và có cơ hội để sửa.

Đồng thời, vị hiệu trưởng này nói thêm, muốn xử phạt học sinh thì chính nhà trường cũng cần nhìn lại mình, xem đã làm hết cách, đã giáo dục học sinh những vấn đề đó chưa?. Khi đã phạt thì nên quan tâm nguyên tắc “khen công khai, chê kín đáo”  để tránh làm học sinh bị tổn thương. Dù phạt học sinh này để răn học sinh kia nhưng không nhất thiết phạt ai thì phải làm cho nhiều người biết, mà chỉ cần cho các học sinh khác biết là hành vi đó thì sẽ bị phạt tương ứng. Việc xử phạt cũng nên kết hợp với gia đình tìm hiểu rõ nguyên căn của việc phạm lỗi nhằm đưa ra hình thức hợp tình hợp lý.

Tìm hiểu xem vì sao học sinh lại có hành động như thế

Giáo viên L.H.M, dạy ngữ văn tại Trường THPT Bùi Thị Xuân (quận 1, TP.HCM) nói rằng, học trò lứa tuổi THCS và THPT với những phát triển về tâm lý đang muốn thể hiện mình là người lớn với cái tôi cực kỳ "to" thì việc xử lý kỷ luật phải cẩn trọng, cân nhắc nhiều yếu tố.

Theo giáo viên M., đầu tiên là đặt mình ở vị trí các em để ra quyết định và cách xử lý sao cho các em không bị tâm lý mặc cảm, cả thế giới chống lại mình, xấu hổ với mọi người xung quanh...

Vì vậy, phải nghe câu chuyện của học sinh phạm lỗi, tìm hiểu vì sao em lại có hành động như thế, nói chuyện và phân tích để chính em thấy được mình đã chưa đúng như thế nào? Yêu cầu em thử đề xuất giải pháp... Từ đó, học trò thấy việc làm không đúng, nếu theo hình thức kỷ luật của trường thì sẽ như thế này, nhưng nay thấy em có thành tâm sửa lỗi nên sẽ tạo điều kiện cho em với hình thức kỷ luật là...

Không phải là đưa ra để bêu riếu

Còn giáo viên Huỳnh Lê Ý Nhi, giáo viên Trường THCS Đồng Khởi (quận Tân Phú, TP.HCM), cũng nói hình thức kỷ luật đưa ra phải dựa trên nguyên tắc là góp phần giúp các em nhận thấy lỗi sai của mình. Nhà trường và ba mẹ cùng với em sửa đổi chứ không phải là đưa ra để bêu riếu, để mọi người cùng trông vào mà bàn tán. Các em nếu thấy phục thì sẽ nghe, ngược lại, không phục sẽ cảm thấy ức chế dễ đưa đến phản kháng và khi ấy hậu quả sẽ khó lường hơn

Đối tượng giáo dục là con người, cảm xúc rất quan trọng, tâm lý thì thay đổi liên tục. Vì vậy nếu không nhẫn nại, không có lòng trắc ẩn cùng các em thì hình thức xử phạt đưa ra chắc chắn sẽ chủ quan, dễ dẫn đến tác dụng ngược.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.