Nâng cao thu nhập cho người nông dân

Đình Sơn
Đình Sơn
18/11/2022 14:48 GMT+7

Đó là ý kiến của các chuyên gia, nhà quản lý tại hội thảo với chủ đề: Phát triển ĐBSCL giải pháp từ cây lúa, do Báo Thanh Niên phối hợp UBND tỉnh Đồng Tháp tổ chức ngày 18.11, có sự chủ trì của Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Quốc Phong; Nhà báo, Tổng biên tập Báo Thanh Niên Nguyễn Ngọc Toàn.

Liên kết chuỗi giá trị

Theo TS Trần Hữu Hiệp, chuyên gia kinh tế, Đại học FPT Cần Thơ, việc lựa chọn cây lúa cho sự phát triển ĐBSCL chính là cách tiếp cận đúng đắn. Dù thói quen tiêu dùng, sinh hoạt thay đổi nhưng ai cũng ăn cơm vì đó là tri thức, văn hoá, thói quen.

Tuy nhiên, việc phát triển cây lúa đang đứng trước nhiều thách thức mang tính toàn cầu và khu vực khi mà tài nguyên nước hiện nay đã khác trước. Biến đổi khí hậu khiến ĐBSCL bị tác động nặng nề. Trong khi “gu” tiêu dùng khác và xuất khẩu ở các nước cũng đã khác. Nếu trước chỉ là xuất khẩu thô thì nay các nơi nhập khẩu bắt truy xuất nguồn gốc, đòi hỏi chất lượng gạo cao hơn. Điều này một mình người nông dân không thể tự làm.

Ngoài ra, cây lúa không thể “đi” một mình mà cần kết hợp với các cây, con khác. Chẳng hạn mô hình lúa cá, lúa tôm. Hiện nay không có mô hình nào áp dụng được cho cả vùng mà cần áp dụng cho phù hợp ở từng khu vực, làm sao để tăng thu nhập cho nông dân, đặc biệt là người trồng lúa. Để tăng thu nhập cho người nông dân, theo TS Trần Hữu Hiệp cần có sự tương tác giữa người nông dân với doanh nghiệp, thậm chí với cả thương lái thu mua lúa. Các bên phải tương tác, gắn kết với nhau.

Phải dùng nhiều giải pháp để giúp người nông dân tăng thu nhập
Độc LẬP

“Lâu nay chúng ta chỉ quan tâm công đoạn sản xuất, nhưng hiện giờ cần quan tâm đến phân, thuốc. Nếu giá phân, thuốc quá cao thì người nông dân không thể có lời. Ngoài ra, sau khi ra hạt lúa, hạt gạo cần phải nghiên cứu để gia tăng giá trị sau sản xuất. Như con cá tra, người ta có nhiều sản phẩm giá trị gia tăng từ mỡ cá. Làm sao chuyển từ nông nghiệp là chủ yếu sang kinh tế nông nghiệp là chủ yếu”, TS Trần Hữu Hiệp phân tích và nói thêm rằng, ngay cả Nghị quyết 63 của Chính phủ về chiến lược an ninh lương thực quốc gia cũng đã thể hiện làm sao người nông dân phải có lợi nhuận 30% trở lên. Nhưng vì sao nông dân vẫn nghèo hay do chúng ta chưa tính đúng tính đủ như giá xăng.

Do vậy, để tăng thu nhập của người nông dân có 3 giải pháp… Đầu tiên là phát huy thế mạnh điều kiện tự nhiên, thời tiết, thủy văn của từng tiểu vùng cạnh tranh. Thứ hai là trình độ ứng dụng khoa học công nghệ với cách tiếp cận mới chuyển đổi số, kinh tế chia sẻ. Cuối cùng là giải quyết thị trường, cung cầu.

“Cần tiếp cận đa ngành, phối hợp giải quyết đa ngành với chuyển đổi tư duy sản xuất lúa sang ngành kinh tế lúa gạo, chuyển từ lượng sang chất, tích hợp đa giá trị từ hạt gạo. Dù nông dân đông đảo, nhưng họ là người yếu thế trong những chính sách. Nên tất cả phải nhìn ở góc độ tổng hợp, nếu quan sát ở nông dân thì chưa đủ mà phải gắn với chuỗi giá trị”, TS Trần Hữu Hiệp cho hay.

Lập trung tâm cơ khí

Ông Nguyễn Phước Thiên, Giám đốc Sở NN - PTNT Đồng Tháp, cũng cho rằng hiện nay hạ tầng hỗ trợ đất trồng lúa có nhiều bất cập khi thủy lợi phí chỉ dùng nạo vét, nhưng có năm không dùng đến phải nộp lại cho ngân sách Nhà nước, đến lúc cần lại không có. Do vậy, nên dựa trên diện tích đất trồng lúa ở mỗi địa phương, để khi giao “một cục tiền” về thì tỉnh uyển chuyển dùng chứ không quy định cứng về mục đích sử dụng. Điều này sẽ phù hợp để các tỉnh đầu tư hạ tầng phục vụ cho ngành nông nghiệp.

Để thu nhập người nông dân tăng lên, theo ông Nguyễn Phước Thiên cần tăng mô hình xen canh, thâm canh. Nhưng đây chỉ là mô hình, không thể thay thế trồng lúa. Nếu nhân rộng thì con cá, con tôm đầu ra sẽ như thế nào các địa phương phải tính giúp, sẽ hỗ trợ.

Nhà nước cần có các giải pháp giúp người nông dân cắt giảm chi phí để tăng lợi nhuận
Độc LẬP

“Nguyên liệu đầu vào tăng do biến đổi trên thị trường quốc tế. Do vậy, người nông dân bán lúa giá cao không có nghĩa lợi nhuận cao. Để giảm chi phí phải giảm phân, giảm thuốc. Phải ứng dụng công nghệ số để truy xuất nguồn gốc phục vụ cho xuất khẩu hoặc buôn bán trong nội địa. Làm như vậy có thể tăng áp lực người dân nhưng sẽ làm tăng chất lượng, giảm giá thành và có lợi lâu dài”, ông Nguyễn Phước Thiên phân tích và nói thêm cần phải cơ giới hóa toàn diện chứ hiện nay diện tích áp dụng cơ giới hóa tỷ lệ còn thấp. Bộ NN-PTNT cần lập trung tâm cơ khí hoặc mô hình kỹ thuật như ở Hàn Quốc được nhà nước lập ra với đầy đủ máy móc công cụ phục vụ nông nghiệp, người dân thuê phương tiện để làm thay vì mua riêng lẻ, mất đi nguồn lực và không được tập trung.

“Hiện nay đang tồn tại cái bẫy tín dụng khi mà người nông dân vay tiền ở các cửa hàng bán vật tư với lãi suất cao, không thoát ra được. Vì thế phải làm sao liên kết được chuỗi giá trị, trong đó có nguồn vốn hỗ trợ người nông dân”, ông Nguyễn Phước Thiên kiến nghị.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.