Đó là khẳng định từ bà Trần Thị Hòa, Phó cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) khi chia sẻ tại hội thảo: Phát triển ĐBSCL - giải pháp từ cây lúa" do Báo Thanh Niên phối hợp UBND tỉnh Đồng Tháp diễn ra sáng nay 18.11, do Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Quốc Phong và Nhà báo, Tổng biên tập Báo Thanh Niên Nguyễn Ngọc Toàn chủ trì.
Bà Trần Thị Hòa, Phó cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NNN-PTNT) chia sẻ về Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao tại hội thảo |
Độc Lập |
Xuất khẩu gạo vào Mỹ, EU tăng mạnh
Điểm lại lịch sử ngành lúa gạo, bà Trần Thị Hòa cho rằng, nếu năm 1989 Việt Nam lần đầu tiên xuất khẩu gạo, chất dứt thời kỳ thiếu gạo và chuyển sang xuất khẩu nhưng hơn 30 năm sau (1989 - 2021), hạt gạo Việt Nam đã có mặt ở hơn 172 nước và vùng lãnh thổ. Việt Nam đã trở thành 1/3 quốc gia xuất khẩu gạo lớn trên thế giới. Sản lượng tăng từ 1,4 triệu tấn năm 1989 lên 6,24 triệu tấn năm 2021. Giá trị tăng từ 321,8 triệu USD năm 1989 lên 3,28 tỉ USD năm 2021.
Bà Hòa cũng thông tin, 10 tháng đầu năm nay, xuất khẩu gạo của Việt Nam ước đạt 6 triệu tấn, đạt khoảng 93 - 96% kế hoạch xuất khẩu đề ra. Dự báo xuất khẩu gạo Việt Nam năm nay có thể vượt kế hoạch 6,3 - 6,5 triệu tấn, cao hơn 100.000 - 200.000 tấn so với năm 2021.
Rất nhiều ý kiến tâm huyết, ý tưởng phát triển ngành hàng lúa gạo ở ĐBSCL được chia sẻ tại hội thảo |
Đôc Lập |
Đặc biệt, xuất khẩu gạo đang có sự chuyển dịch từ phân khúc thấp sang gạo chất lượng cao. Khi thống kê trong 8 tháng đầu năm nay, xuất khẩu gạo sang các thị trường khó tính ghi nhận mức tăng trưởng mạnh như Mỹ 8 tăng 84,8%; thị trường EU tăng 82,2%.
Theo đó, bà Trần Thị Hòa khẳng định, sự phát triển mạnh mẽ của ngành hàng lúa gạo không chỉ đảm bảo vững chắc an ninh lương thực, xóa đói giảm nghèo, ổn định kinh tế xã hội đưa lúa gạo trở thành một nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam mà còn góp phần phát triển hợp tác quốc tế, khẳng định vị thế chính trị của Việt Nam trên thế giới.
1 triệu ha lúa chất lượng cao giúp nông dân tăng thu nhập
Đại diện lãnh đạo Cục Trồng trọt cũng cho rằng, sản xuất lúa gạo đang đứng trước nhiều cơ hội như nhu cầu nhập khẩu gạo thế giới vẫn còn tiếp tục tăng lên trong những năm tới. Ngành lúa gạo có cơ hội rất lớn để mở rộng thị trường xuất khẩu khi Việt Nam tham gia nhiều hiệp định thương mại mới như TPP, liên minh thuế quan…
Nhưng theo bà Hòa, cũng phải thẳng thắn nhìn nhận, sản xuất lúa gạo ĐBSCL vẫn còn nhiều tồn tại và hạn chế như chất lượng, hiệu quả, giá trị gia tăng và tính cạnh tranh thấp; thu nhập của nông dân sản xuất lúa thấp và không tương xứng so với thu nhập của tác nhân trong kinh doanh, xuất khẩu gạo. Sản xuất lúa thiếu tính bền vững, tác động tiêu cực đến môi trường.
Bà Trần Thị Hòa cho rằng, ĐBSCL có nhiều lợi thế cạnh tranh trong sản xuất nông nghiệp và ngành lúa gạo sẽ vẫn giữ vị trí quan trọng trong ngành trồng trọt của Việt Nam. Nhưng ngành lúa gạo cần được thay đổi để từ vai trò là một ngành sản xuất vì mục tiêu an ninh lương thực là chủ yếu trở thành một ngành kinh tế năng động và hiệu quả, đem lại lợi ích cho người sản xuất và người tiêu dùng trong nước và có tính cạnh tranh cao trong xuất khẩu.
Bà Hòa cũng chia sẻ, từ Nghị quyết số 78/NQ-CP ngày 18.6.2022 của Chính phủ ban hành chương trình hành độn của chính phủ thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 2.4.2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Bộ NN-PTNT đã giao Cục Trồng trọt xây dựng: Đề án sản xuất bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao vùng ĐBSCL nhằm nâng cao giá trị, thu nhập của người dân, bảo đảm an ninh lương thực và phục vụ chế biến, xuất khẩu.
Đề án tập trung vào 2 nội dung chính gồm đánh giá hiện trạng sản xuất lúa vùng Đồng bằng sông Cửu Long với vai trò, kết quả sản xuất, chế biến và tiêu thụ lúa gạo của vùng. Đánh giá kết quả và hiệu quả chuyển đổi các mô hình sản xuất trên đất trồng lúa vùng theo vùng sinh thái nguồn nước; hiệu quả kinh tế chuỗi giá trị ngành hàng lúa gạo vùng (sản xuất - thu mua - chế biến, bảo quản -tiêu thụ).
Hội thảo có sự tham gia của nhiều chuyên gia kinh tế trong ngành hàng lúa gạo |
Độc LẬp |
Đề án đặt mục tiêu xây dựng vùng chuyên canh sản xuất bền vững 1 triệu ha lúa chất lượng cao vùng ĐBSCL; đánh giá tiềm năng, lợi thế và xác định địa bàn bố trí vùng chuyên canh sản xuất lúa chất lượng cao; xây dựng phương án sản xuất, chế biến, tiêu thụ và giải pháp phát triển bền vững vùng chuyên canh sản xuất lúa chất lượng cao.
“Đề án đặt mục tiêu nâng cao hiệu quả sản xuất và kinh doanh lúa gạo, đảm bảo lợi ích bình đẳng và tương xứng cho các tác nhân tham gia ngành lúa gạo; bảo đảm an ninh lương thực và gạo chất lượng cao phục vụ tiêu dùng trong nước. Xuất khẩu gạo có tính cạnh tranh trên thị trường thế giới và có giá trị gia tăng cao; đảm bảo phát triển bền vững đối với môi trường, bảo vệ tài nguyên, thích ứng với biến đổi khí hậu”, bà Hòa thông tin.
Bình luận (0)