Nâng cấp hợp tác địa phương trong quan hệ Việt - Nhật

Chí Hiếu
Chí Hiếu
24/11/2021 06:24 GMT+7

Hôm qua 23.11, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Nhật Bản , Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tới thăm tỉnh Tochigi.

Thủ tướng đã có cuộc gặp với thống đốc tỉnh này và tham dự Hội nghị hợp tác địa phương Việt Nam - Nhật Bản do chính quyền tỉnh Tochigi, Bộ KH-ĐT và Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản phối hợp tổ chức.

Thủ tướng gặp Thống đốc tỉnh Tochigi Fukuda Tomikazu

Nhật Bắc

Điển hình của hợp tác địa phương

Tại cuộc gặp Thống đốc tỉnh Tochigi, Thủ tướng đã chứng kiến lễ trao biên bản hợp tác giữa tỉnh này với tỉnh Vĩnh Phúc cho giai đoạn tiếp theo, khi được coi là mô hình mẫu của thành công trong hợp tác cấp địa phương thời gian qua, với việc Vĩnh Phúc đang là “tổ lớn” của các nhà đầu tư Nhật Bản, trong đó nhiều lĩnh vực ở top đầu thế giới.

Hiện nay, quy mô kinh tế của Tochigi khoảng 100 tỉ USD, là một trong các địa phương có quy mô kinh tế lớn hàng đầu của Nhật Bản. Thu nhập bình quân đầu người của tỉnh đứng thứ 3 Nhật Bản. Địa phương này đang có 22 doanh nghiệp (DN) đã làm ăn lâu dài tại Việt Nam.

Thế mạnh của tỉnh này là có rất nhiều DN tư nhân đứng đầu thế giới trong những lĩnh vực đang là ưu tiên thu hút đầu tư của Việt Nam như nông nghiệp sạch, du lịch, công nghiệp chế biến chế tạo, thiết bị y tế… Đáng chú ý, hợp tác địa phương giữa Tochigi với TP.Đà Nẵng và tỉnh Vĩnh Phúc đang rất thành công và được coi là điển hình trong hợp tác địa phương, một trụ cột quan trọng trong quan hệ hai nước. Vì vậy, Thủ tướng cho hay chuyến đi Tochigi lần này ngoài rất nhiều bộ trưởng còn có tới 10 lãnh đạo địa phương - các tỉnh đang muốn có những hợp tác tương tự để nâng cấp mối quan hệ kinh tế, đầu tư giữa hai nước, như tỉnh Phú Yên, Thừa Thiên-Huế, Hưng Yên, Thanh Hóa…

“Tochigi là tỉnh giàu bản sắc dân tộc, có di sản văn hóa thế giới. Chúng tôi muốn thúc đẩy hợp tác du lịch với các trung tâm du lịch lớn của Việt Nam. Các bạn cũng là địa phương phát triển rất cân bằng giữa kinh tế và xã hội, giữa công nghiệp - nông nghiệp bền vững - văn hóa - khoa học công nghệ. Đó đều là những trọng tâm ưu tiên phát triển của Việt Nam”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Quan hệ Việt - Nhật đang ở thời kỳ tốt nhất

Người đứng đầu Chính phủ khẳng định dư địa hợp tác của tỉnh với các địa phương Việt Nam là rất lớn, tiềm năng rộng nên cần tiếp tục khai thác cơ hội này để cùng nhau phát triển, nhất là tận dụng cơ hội để khôi phục kinh tế sau đại dịch. Đặc biệt, dù cùng chung mục tiêu phát triển bền vững, nông nghiệp công nghệ cao… nhưng hai bên lại không xung đột mà bổ trợ cho nhau rất nhiều. “Ví dụ 3 đặc sản của tỉnh là thịt bò, lê, dâu tây hoàn toàn có thể được nhập vào Việt Nam sớm. Tỉnh có thể thông qua Vĩnh Phúc, là địa phương có mối quan hệ hợp tác chặt chẽ, để xâm nhập vùng sông Hồng với hàng chục triệu dân”, Thủ tướng minh họa.

Việt Nam là điểm đến cho những nhà đầu tư có chiến lược, muốn làm ăn ổn định lâu dài. Thành công thì hài hòa mà rủi ro thì cùng nhau chia sẻ và thành công, phát triển của các DN Nhật ở Việt Nam là minh chứng rõ nhất cho điều này

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính

Ngược lại, Thủ tướng cũng kêu gọi các DN của tỉnh Tochigi tiếp tục mở rộng đầu tư tại Việt Nam, bởi hơn ai hết, DN Nhật Bản có nhiều gắn bó, thấu hiểu, chia sẻ với thị trường và người dân Việt Nam. “Lợi thế của chúng tôi là ổn định chính trị, nền kinh tế đang hội nhập sâu rộng với 17 hiệp định thương mại tự do. Việt Nam đang cải cách mạnh mẽ thể chế, phát triển hạ tầng, cải cách hành chính. Dù còn có những phiền hà cần tiếp tục khắc phục, nhưng tổng thể lại, nếu so sánh thuận lợi, thời cơ với khó khăn thách thức thì thuận lợi vẫn là nổi trội”, Thủ tướng chia sẻ, đồng thời nhấn mạnh đầu tư vào Việt Nam trong bối cảnh hiện nay rất tốt bởi quan hệ Việt - Nhật chưa bao giờ tốt đến thế.

“Việt Nam là điểm đến cho những nhà đầu tư có chiến lược, muốn làm ăn ổn định lâu dài. Thành công thì hài hòa mà rủi ro thì cùng nhau chia sẻ và thành công, phát triển của các DN Nhật ở Việt Nam là minh chứng rõ nhất cho điều này”, Thủ tướng nói và đề nghị Thống đốc tỉnh Tochigi Fukuda Tomikazu cùng các nghị sĩ ủng hộ những chương trình sắp tới mà Chính phủ Nhật Bản trình ra để hợp tác, hỗ trợ Việt Nam.

Thống đốc Fukuda Tomikazu khẳng định một số lĩnh vực như chống biến đổi khí hậu, cơ sở hạ tầng, nâng cao năng lực y tế thì tỉnh có thể hợp tác ngay với các địa phương của Việt Nam. Còn những vấn đề ở cấp chính phủ thì sẽ đề xuất cơ chế điều phối lên chính quyền Nhật Bản, tất cả nhằm thúc đẩy, làm sâu rộng hơn mối quan hệ này.

Tối cùng ngày, Thủ tướng đã tiếp một số tập đoàn hàng đầu của Nhật Bản trong các lĩnh vực bán lẻ, thời trang đang đầu tư lớn tại Việt Nam như Aeon, Uniqlo và các doanh nghiệp công nghệ, năng lượng lớn của thế giới có nhiều dự án và hợp tác với DN Việt như Marubeni, Eneos…

Trước khi kết thúc ngày làm việc hôm qua, Thủ tướng đã tới thăm Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản, nói chuyện với kiều bào Việt Nam đang sinh sống tại đây; gặp gỡ các đại diện trí thức hàng đầu của Việt Nam tại Nhật. Thủ tướng khẳng định sau hơn 30 năm đổi mới, cơ đồ, vị thế đất nước chưa bao giờ được như hôm nay, sau khi “đi lên từ chân tường, đáy giếng”. Thủ tướng khẳng định Đảng, Nhà nước luôn coi kiều bào là một bộ phận quan trọng không thể tách rời, là một động lực phát triển của đất nước, điều này được thể hiện qua Nghị quyết số 36, Chỉ thị số 45 và gần đây là Kết luận số 12 của Bộ Chính trị về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài, được thể chế hóa bằng các quy định của pháp luật.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.