Nam bộ và Tây nguyên khô hạn nặng
Đến thời điểm hiện tại, Nam bộ đã trải qua hơn 3 tháng mùa khô. Đặc biệt từ tháng 2 đến nay, tình trạng nắng nóng bao trùm trên diện rộng, nhiều nơi nắng nóng gay gắt trên 37 độ C suốt nhiều ngày liền. Nắng nóng kéo dài khiến tình trạng khô hạn mỗi ngày một thêm trầm trọng.
Từ vùng tâm điểm hạn mặn, ông Dương Phát Trung, ở xã Đồng Sơn (Gò Công Tây, Tiền Giang), cho biết mấy tháng nay bà con ở đây phải vật lộn dưới nắng nóng và hạn mặn rất khổ sở. Nước từ nhà máy cung cấp lúc có lúc không do nhu cầu cao và nguồn hạn chế.
"Tôi phải thức canh đến 11 giờ đêm mới lấy được ít nước trữ trong 2 cái lu để dành hôm sau sử dụng, nếu không sẽ không có nước dùng. Cũng may mắn là có nhà hảo tâm ở Cần Thơ, TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai… thuê xe bồn, sà lan chở nước sạch về cung cấp cho bà con ở đây. Chúng tôi thật sự rất biết ơn những tấm chân tình đó.
Bà con ở đây ai cũng có ý thức sử dụng nước tiết kiệm, tình hình nước sinh hoạt cơ bản là tạm ổn. Tuy nhiên, đến thời điểm này thì nhiều diện tích cây trồng đang bị "khát nước" dữ dội, đặc biệt là cây thanh long. Hiện nay giá thanh long cao gấp đôi so với trước tết. Giá thanh long loại 3 cũng đã 30.000 đồng/kg, các loại khác lên đến 40.000 - 50.000 đồng/kg. Giá tăng cao nhưng nông dân không có hàng để bán do năng suất giảm mạnh vì nắng nóng và hạn mặn", ông Trung nói.
Trong khi đó, ông Phan Hoàng Tân, chủ một nhà vườn trồng sầu riêng ở Châu Thành (Bến Tre), rầu rĩ vì nước sông nhiễm mặn, nắng nóng kéo dài khiến nguồn nước dự trữ trong các mương vườn dần cạn kiệt. Năm nay nắng nóng sớm và gay gắt hơn mọi năm nên sản lượng sầu riêng giảm khoảng 20 - 30% so với năm ngoái. Tuy nhiên, đáng lo hơn là cây sầu riêng rất nhạy cảm với các điều kiện tự nhiên, có khả năng sức khỏe của cây bị ảnh hưởng kéo dài đến 1 - 2 năm sau. Để cứu vườn cây ăn trái, nhiều nhà vườn đã buộc phải sử dụng nguồn nước giếng khoan.
Ở tỉnh ven biển Sóc Trăng, theo Sở NN-PTNT tỉnh, tính đến thời điểm này hạn mặn gây thiệt hại hoàn toàn hơn 40 ha lúa, bên cạnh đó có khoảng 1.400 ha khác cũng đang bị ảnh hưởng. Thống kê của Cục Thủy lợi cho thấy toàn vùng ĐBSCL có đến 20.510 ha lúa bị hạn mặn đe dọa, hơn 43.300 ha cây ăn trái đang thiếu nước tưới và có khả năng bị thiệt hại.
Tây nguyên cũng đang đối mặt với tình trạng nắng nóng và khô hạn không kém, diện tích bị ảnh hưởng từ 15.000 - 26.000 ha. Đây là xứ sở của nhiều loại cây trồng có giá trị kinh tế cao như sầu riêng, cà phê, hồ tiêu, ca cao, bơ… nên khô hạn gây thiệt hại càng lớn.
Ông Lê Đức Huy, Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV XNK 2/9 Đắk Lắk (Simexco) - doanh nghiệp kinh doanh, xuất khẩu cà phê lớn nhất địa phương, cho biết: Năm nay mùa nắng đến sớm, hiện tại nhiệt độ phổ biến đã 35 - 37 độ C. Bên cạnh đó là gió mạnh khiến nhiều diện tích thiếu nước tưới, một số nơi đã xuất hiện tình trạng cây chết khô. Thời tiết bất lợi cũng làm phát sinh dịch bệnh ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng trong vụ thu hoạch sắp tới.
Theo Sở NN-PTNT tỉnh Đắk Lắk, hiện một số sông, suối nhỏ bắt đầu khô kiệt. Dự báo đến cuối vụ toàn tỉnh sẽ có khoảng 8.000 ha cây trồng các loại thiếu nước tưới, trong đó có 6.000 ha cây ngắn ngày và 2.000 ha cây dài ngày. Cục Thủy lợi xác nhận ở Tây nguyên, dung tích các hồ chứa thủy lợi hiện ở mức thấp nhất các khu vực, chỉ đạt 43% dung tích thiết kế; thấp hơn đến 7% so với dung tích trung bình nhiều năm và đang tiếp tục giảm thêm 3% trong tuần tới. Bên cạnh đó, đã có tổng cộng 80 hồ chứa nhỏ cạn nước.
Vẫn còn cách mùa mưa khoảng 1 tháng
Trong bối cảnh nắng nóng gay gắt kéo dài ở nhiều nơi, trong tuần qua xuất hiện một thông tin tích cực từ Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA) là El Nino gần như đã kết thúc. Từ tháng 4 - 6 là giai đoạn trung tính và từ tháng 6 - 8 sẽ chuyển sang pha lạnh La Nina gây mưa nhiều.
Tuy nhiên, tại VN, đối với Nam bộ vẫn đang là mùa nắng nóng, còn các tỉnh Tây nguyên, miền Trung và Bắc đang bước vào mùa hè. Vì thế, nắng nóng chưa thể giảm ngay được. Bên cạnh đó, khí hậu ở VN sẽ còn bị ảnh hưởng bởi áp thấp nóng Ấn - Miến ở phía tây tác động. Sắp tới, áp thấp nóng này sẽ di chuyển sang phía đông và ảnh hưởng nhiều đến VN khiến cường độ nắng nóng gia tăng.
Th.S Lê Thị Xuân Lan, chuyên gia khí tượng thủy văn, cho biết: Khoảng từ ngày 21 - 24.4, áp thấp nóng nói trên sẽ ảnh hưởng mạnh đến VN và các tỉnh phía nam của Trung Quốc. Đối với Nam bộ, do nắng nóng kéo dài nhiều tháng nay nên bất cứ một sự tăng nhiệt nào cũng khiến cho cái nắng càng thêm gay gắt. Tuy nhiên hiện nay đã là giữa tháng 4, giai đoạn nắng nóng đỉnh điểm sắp kết thúc.
Cùng với hiện tượng El Nino - Dao động phương Nam (ENSO) trở về trạng thái trung tính nên chúng ta có thể hy vọng mùa mưa ở Nam bộ năm nay không đến muộn. Trong nửa cuối tháng 4, do độ ẩm không khí tăng dần nên sẽ xuất hiện một vài cơn mưa trái mùa do mây giông nhiệt gây nên.
Sau đó đến đầu tháng 5, gió mùa tây nam bắt đầu phát triển mạnh dần lên và những cơn mưa chuyển mùa bắt đầu xuất hiện đầu tiên ở các địa phương khu vực bán đảo Cà Mau như Cà Mau, Kiên Giang và Bạc Liêu, sau đó mở rộng dần ra các tỉnh Nam bộ. Mùa mưa sẽ xuất hiện vào giữa tháng 5 ở các tỉnh này và sau đó mở rộng ra khắp Nam bộ. Muộn lắm thì mùa mưa sẽ đến vào thời điểm cuối tháng 5.
"Chúng ta đang chuẩn bị bước vào giai đoạn chuyển mùa nên thường xuất hiện các hiện tượng thời tiết cực đoan như giông, lốc xoáy, sét, mưa đá… vào buổi chiều tối. Người dân cần đặc biệt lưu ý phòng tránh thiệt hại. Bên cạnh đó, độ ẩm trong không khí tăng cũng khiến cho nắng nóng oi bức rất khó chịu, những đối tượng nhạy cảm như người già và trẻ em rất dễ mắc bệnh nên cần được chăm sóc sức khỏe tốt hơn", bà Lan lưu ý.
Với các tỉnh miền Trung và miền Bắc, El Nino kết thúc và trung tính, thậm chí là bước vào giai đoạn đầu của La Nina nên mùa nắng nóng năm nay sẽ ít gay gắt hơn so với những năm cực đoan. Tuy nhiên, trong giai đoạn đầu từ nay đến tháng 6 có thể một số nơi sẽ xuất hiện tình trạng nắng nóng gay gắt với nhiệt độ cao vượt mức lịch sử.
Theo Cục Thủy lợi, Bắc Trung bộ có từ 1.000 - 1.500 ha lúa thiếu nước tưới vì khô hạn. Dung tích các hồ thủy lợi đạt 62%, tăng 1% so với trung bình nhiều năm. Dự báo sẽ giảm 2% vào tuần tới. Hiện có 48 hồ chứa nước nhỏ đã cạn nước.
Nam Trung bộ có 2.640 - 2.840 ha lúa thiếu nước tưới. Dung tích các hồ thủy lợi đạt 67%, tương đương với trung bình nhiều năm. Dự báo sẽ giảm 3% vào tuần tới. Hiện có 20 hồ chứa nước nhỏ đã cạn nước.
Đông Nam bộ có 8.000 - 11.000 ha lúa thiếu nước tưới. Dung tích các hồ thủy lợi đạt 56%, thấp hơn 1% so với trung bình nhiều năm. Dự báo sẽ giảm 2,8% vào tuần tới. Hiện có một hồ chứa nước nhỏ đã cạn nước.
Bình luận (0)