Nắng nóng chết người thiêu đốt nhiều nước

21/06/2024 06:16 GMT+7

Mùa hè oi bức với nhiệt độ ở mức cao đã khiến nhiều người thiệt mạng và gây ra những vụ cháy rừng ở nhiều nước trên khắp các châu lục.

Hơn 1.000 người hành hương tử vong

Tính đến hôm qua, hơn 1.000 người đã tử vong do gặp vấn đề sức khỏe trong quá trình hành hương đến thánh địa Hồi giáo Mecca ở Ả Rập Xê Út, theo AFP.

Nắng nóng chết người thiêu đốt nhiều nước- Ảnh 1.

Người hành hương mệt mỏi vì nắng nóng tại Mina gần thánh địa Mecca ngày 16.6

Ảnh: AFP

Hằng năm, hàng triệu người trên khắp thế giới tham gia cuộc hành hương về Mecca, một trong 5 nghĩa vụ quan trọng mà người theo đạo Hồi phải thực hiện ít nhất một lần trong đời. Năm nay, mùa hành hương rơi vào tháng 6, một trong những tháng nóng nhất tại Ả Rập Xê Út với mức nhiệt được ghi nhận tại thánh địa lên đến 51,8 độ C. Nhiều nước đã xác nhận có công dân thiệt mạng, trong đó nhiều nhất là Ai Cập với 658 trường hợp và 165 người Indonesia. Bên cạnh đó, còn hàng trăm trường hợp khác được thông báo mất tích và người thân phải tìm kiếm khắp các bệnh viện địa phương trong ngày 19.6, theo AFP. Nhà chức trách Ả Rập Xê Út không công bố thông tin về các trường hợp tử vong dù thông báo hơn 2.700 vụ bị kiệt sức vì nóng chỉ riêng trong ngày 16.6.

Nóng hơn 50 độ C ở thánh địa Mecca, hàng trăm người hành hương tử vong

Tại Ấn Độ, nhà chức trách đã ghi nhận hơn 40.000 trường hợp nghi bị say nắng trong mùa hè năm nay giữa lúc đợt nắng nóng kéo dài làm ít nhất 110 người tử vong trên cả nước tính từ ngày 1.3 - 18.6 vừa qua. Reuters đưa tin chim rơi xuống từ trên trời do nắng nóng trong khi nhiều bệnh nhân nhập viện vì bị sốc nhiệt khi nhiệt độ cả ban ngày lẫn ban đêm đều đạt mức đỉnh điểm trong những tuần gần đây. Tại miền bắc nước này, nhiệt độ tăng cao lên gần 50 độ C trong khi vùng Delhi có mức nhiệt thấp nhất vào ban đêm là 35,2 độ C, có nơi là 37 độ C, mức kỷ lục trong hơn nửa thế kỷ.

Hàng tỉ người châu Á đang phải chịu đựng mùa hè nóng cực độ trong năm nay. Theo các nhà khoa học, nguyên nhân từ sự biến đổi khí hậu. Tại Trung Quốc, nắng nóng thiêu đốt đang ảnh hưởng khu vực miền bắc và miền trung với mức nhiệt cao nhất hằng ngày dao động từ 37 - 39 độ C, theo Tân Hoa xã.

Sóng nhiệt càn quét nước Mỹ

Tại Mỹ, sóng nhiệt tăng cường đã ảnh hưởng khu vực rộng lớn từ vùng Trung Tây đến vùng Đông Bắc trong tuần này, nhiều khu vực ghi nhận mức nhiệt cao kỷ lục từ 37,7 - 40,5 độ C.

Theo trang Axios, các quan chức tại nhiều tiểu bang đã kích hoạt biện pháp khẩn cấp và mở cửa các trung tâm tránh nóng trong bối cảnh gần 94 triệu người sống trong vùng có cảnh báo nhiệt độ cao. Một số cảnh báo lần đầu được ban bố tại những bang như New Hampshire và Maine. Dự báo, hiện tượng vòm nhiệt sẽ giữ nhiệt độ ở mức cao hơn so với bình thường tại nhiều vùng trên khắp nước Mỹ cho đến cuối tuần này.

Khách du lịch đổ xô đến Thung lũng Chết giữa đợt nắng nóng

Trong khi đó, cháy rừng đang lan rộng tại khu vực miền Tây nước này nhờ sự tiếp sức của thời tiết khô nóng. Tại bang New Mexico, hai đám cháy lớn đã buộc hơn 7.000 người sơ tán và ít nhất 1 người tử vong. Bang California cũng đang chứng kiến đám cháy lớn nhất từ đầu năm và được cho là dấu hiệu của một mùa cháy rừng dữ dội. Tại Mexico, ít nhất 125 người tử vong vì sốc nhiệt tính từ tháng 3.

Tương tự, nhiệt độ cao và gió mạnh đang thúc đẩy các đám cháy rừng tại Hy Lạp trở nên dữ dội hơn. Theo Đài PBS, đợt nắng nóng ngột ngạt đã khiến nhiều du khách tại Hy Lạp tử vong. Mặc dù thường xuyên xảy ra cháy rừng vào mùa hè mọi năm, các nhà khí tượng học cho biết làn sóng nhiệt vào tuần trước là đợt nắng nóng sớm nhất trong lịch sử tại quốc gia Địa Trung Hải. 

Lượng khí thải trong năm 2023 cao kỷ lục

Theo báo cáo Đánh giá thống kê về năng lượng thế giới do Viện Năng lượng (Anh) công bố ngày 20.6, việc tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch toàn cầu và lượng khí thải đã đạt mức cao kỷ lục trong năm 2023. Cụ thể, việc tiêu thụ năng lượng hóa thạch tăng 1,5% so với năm 2022 trong khi lượng phát thải tăng 2,1%. Năng lượng hóa thạch chiếm 14,6% trong tổng mức năng lượng được tiêu thụ trong năm ngoái, tăng 0,4% so với năm 2022, theo Đài Al-Jazeera.

Báo cáo cũng ghi nhận xu hướng dịch chuyển của việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch tại 5 khu vực trên thế giới, trong đó, tỷ lệ sử dụng năng lượng hóa thạch tại châu Âu giảm xuống dưới 70% lần đầu tiên từ thời cách mạng công nghiệp trong khi việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch của Trung Quốc tăng 6% lên mức cao mới. Trung Quốc cũng là nước tiêu thụ than đá nhiều nhất thế giới, chiếm 56% tổng mức tiêu thụ toàn cầu, trong khi mức tiêu thụ của Ấn Độ lần đầu tiên vượt mức của châu Âu và Bắc Mỹ cộng lại.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.