Nắng nóng gay gắt, người bệnh cao huyết áp, tiểu đường cần lưu ý gì?

Lê Cầm
Lê Cầm
12/04/2024 16:10 GMT+7

Thời tiết nắng nóng khiến cơ thể thoát nhiều mồ hôi, mất cân bằng điện giải, ảnh hưởng đến hoạt động của hệ tim mạch, dễ dẫn đến nguy cơ nhồi máu cơ tim, trụy tim hoặc đột quỵ.

Tăng nguy cơ tai biến mạch máu não ở người huyết áp cao

Bác sĩ chuyên khoa 2 Huỳnh Tấn Vũ, Đơn vị Điều trị Ban ngày, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM cơ sở 3, cho biết nhiệt độ nóng bức dễ làm nhịp tim tăng nhanh kéo theo huyết áp tăng. Điều này còn nguy hiểm hơn với người có sẵn bệnh tăng huyết áp. Những bệnh nhân này nên được điều trị bằng thuốc đầy đủ, không nên ngừng thuốc đột ngột sẽ dễ làm phát sinh cơn tăng huyết áp gây tai biến nghiêm trọng.

"Nếu người bệnh có những dấu hiệu nhức đầu, chóng mặt phải nhanh chóng được đưa đến khám tại các cơ sở y tế, đề phòng những cơn tăng huyết áp kịch phát không phát hiện kịp thời sẽ nguy hiểm đến tính mạng như tai biến mạch máu não", bác sĩ Vũ khuyến cáo.

Những bệnh nhân đang được điều trị thuốc hạ huyết áp bằng các thuốc lợi tiểu cũng lưu ý nguy cơ giảm thể tích tuần hoàn dẫn đến rối loạn nước và điện giải.

Nhiệt độ nóng bức dễ làm nhịp tim tăng nhanh kéo theo huyết áp tăng

Nhiệt độ nóng bức dễ làm nhịp tim tăng nhanh kéo theo huyết áp tăng

Minh họa: Pexels

Rối loạn nước và điện giải ở người bệnh suy tim

Bác sĩ Vũ cho biết, trong khi thời tiết nóng nực làm cho tình trạng cơ thể mất nước nhiều hơn, do nước thoát ra qua tuyến mồ hôi và đi tiểu tăng lên so với mùa lạnh.

"Do người bệnh suy tim vẫn phải dùng thuốc lợi tiểu thường xuyên nên họ dễ bị mất muối, mất nước nhiều hơn dẫn đến rối loạn nước và điện giải. Thể tích tuần hoàn của cơ thể giảm, các chất điện giải như natri, canxi, kali… đều giảm làm cho bệnh nhân có thể xuất hiện những biến chứng như rối loạn nhịp tim, suy thận...", bác sĩ Vũ phân tích.

Do vậy trong mùa hè, bệnh nhân suy tim đang dùng các thuốc trợ tim, lợi tiểu và các thuốc ức chế men chuyển nên uống nước nhiều hơn, nhiều lần trong ngày không nên để cơ thể rơi vào tình trạng khát nước, tránh đi lại ngoài đường trong trời nắng to.

Người dân mặc đồ kín ra đường trong thời tiết nắng nóng

Người dân mặc đồ kín ra đường trong thời tiết nắng nóng

LÊ CẦM

Người bệnh tiểu đường chú ý lượng đường huyết 

Trong những ngày nắng nóng cần chú ý chế độ dinh dưỡng cho người bệnh tiểu đường. Tránh hiện tượng hạ đường huyết do ăn uống không đầy đủ trong khi vẫn dùng các thuốc điều trị bệnh. Hạ đường huyết là một trong những yếu tố thuận lợi dẫn đến nhồi máu cơ tim ở bệnh nhân tiểu đường có suy mạch vành.

Những bệnh nhân tiểu đường có biến chứng thận mà chế độ dinh dưỡng không đầy đủ, uống ít nước sẽ làm cho tình trạng suy thận gia tăng hoặc tình trạng suy thận nặng hơn khi đang dùng kèm theo thuốc lợi tiểu và ức chế men chuyển. Đồng thời, người bệnh tiểu đường có cơ địa dễ bị biến chứng huyết khối, tắc mạch nhiều hơn nếu cơ thể không được cung cấp đủ nước trong mùa nắng nóng.

"Người mắc các bệnh mạn tính như tim mạch, tiểu đường trong mùa nóng nên tránh hoạt động nhiều dưới trời nắng, nên uống đủ nước, ăn nhiều trái cây tươi như cam, quýt, chuối, nho... để cung cấp đầy đủ các chất điện giải cho cơ thể. Các biểu hiện bất thường của bệnh nếu xuất hiện phải được đi khám tại các chuyên khoa kịp thời, tránh để những hậu quả xấu xảy ra", bác sĩ Vũ khuyến cáo.

Công nhân làm đường dưới nắng nóng kỷ lục: ‘Làm 30 phút là đứng thở’

Cách phòng tránh các bệnh thường gặp vào mùa nóng

Bác sĩ Vũ chia sẻ một số lưu ý giúp phòng tránh bệnh mùa nóng:

  • Hạn chế đi ra ngoài đường, ngoài trời nóng khi không thật cần thiết. Nếu bắt buộc phải đi ra đường, ngoài trời nóng thì phải đội mũ, mặc quần áo, đeo kính, khẩu trang… chống nóng.
  • Uống nhiều nước, đặc biệt là những người lao động ngoài trời, mất nước nhiều nên uống bổ sung nước chanh hoặc nước pha muối loãng, nước pha oresol…, không nên uống nhiều nước đá hoặc nước quá lạnh dễ gây viêm họng.
  • Không để nhiệt độ điều hòa trong phòng quá thấp; không để gió quạt thổi trực tiếp gần vào người.
  • Thực hiện ăn chín, uống chín; đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; tăng cường dinh dưỡng, ăn thêm củ quả để đảm bảo đủ vitamin, tăng cường sức đề kháng của cơ thể.
  • Tăng cường vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay với xà phòng, đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh; vệ sinh mũi, họng hằng ngày bằng nước muối.
  • Thường xuyên lau sạch các bề mặt, vật dụng tiếp xúc hằng ngày, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn, ghế, sàn nhà, đồ chơi trẻ em, dụng cụ học tập… bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.