Năng suất doanh nghiệp tư nhân 'bét bảng'

Anh Vũ
Anh Vũ
15/08/2019 07:07 GMT+7

Đó là thông tin gây bất ngờ với nhiều người bởi khu vực kinh tế tư nhân vốn được đánh giá năng động và quan trọng hàng đầu trong nền kinh tế.

Tư nhân lép vế

Theo Bộ KH-ĐT, năng suất lao động của VN thời gian qua tiếp tục cải thiện theo hướng tăng đều, VN là quốc gia có tốc độ tăng cao trong khu vực ASEAN. Với mức tăng trưởng kinh tế năm 2018 đạt 7,08%, năng suất toàn nền kinh tế theo giá hiện hành năm 2018 ước tính đạt 102,2 triệu đồng/lao động, cao hơn nhiều mức 55,2 triệu đồng/lao động của năm 2011.
Khu vực DNNN vốn nhiều, ưu đãi lớn tạo ra ít việc làm thì đương nhiên năng suất cao. Trong khi tư nhân họ vốn ít lại giải quyết hàng triệu việc làm. Điều đó cho thấy một nghịch lý và việc hỗ trợ khu vực tư nhân của chúng ta chưa thực sự mang lại hiệu quả.

Ông Vũ Tiến Lộc

Tuy nhiên, năng suất lao động của VN hiện nay vẫn rất thấp so với các nước trong khu vực, đáng chú ý là chênh lệch tuyệt đối vẫn tiếp tục gia tăng. Tính theo PPP (sức mua tương đương) 2011, VN năm 2018 đạt 11.142 USD, chỉ bằng 7,3% mức năng suất của Singapore; 19% của Malaysia; 37% của Thái Lan; 44,8% của Indonesia và bằng 55,9% Philippines. Năng suất lao động của VN trong khu vực Đông Nam Á chỉ cao hơn của Campuchia (gấp 1,6 lần).
Năng suất lao động trong khu vực doanh nghiệp (giá hiện hành: triệu đồng/lao động)

Năng suất lao động trong khu vực doanh nghiệp (giá hiện hành: triệu đồng/lao động)

Năng suất lẹt đẹt xuất phát từ sự mất cân bằng, thiếu bình đẳng trong phân bổ nguồn lực, hỗ trợ chính sách đối với các khu vực kinh tế, đặc biệt giữa doanh nghiệp nhà nước (DNNN) và doanh nghiệp tư nhân (DNTN). Số liệu cho thấy, năng suất lao động chung của toàn bộ khu vực DN năm 2017 theo giá hiện hành đạt 298,7 triệu đồng/lao động, gấp 3,2 lần mức năng suất lao động chung cả nước. Trong đó, DNNN đạt 678,1 triệu đồng/lao động, gấp 7,3 lần; DNTN đạt 228,4 triệu đồng/lao động, gấp 2,5 lần và DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đạt 330,8 triệu đồng/lao động, gấp 3,5 lần. Điều đáng nói là khoảng cách chênh lệch năng suất giữa DNNN và DNTN. Năm 2011, mỗi lao động DNNN tạo ra năng suất gần 394 triệu đồng, con số này tăng lên 678,1 triệu đồng vào năm 2017. Trong khi đó, khu vực kinh tế tư nhân thấp hơn rất nhiều, chỉ 121,4 triệu đồng (bằng 30,85%) năm 2011 và 228,4 triệu đồng (bằng 33,6%) năm 2017.
Bộ KH-ĐT đánh giá, nguyên nhân chủ yếu là do trình độ lao động ở khu vực này còn thấp, môi trường kinh doanh và thể chế kinh tế thị trường còn có sự bất bình đẳng mà DNTN bị ảnh hưởng nhiều nhất. Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới (WB), rào cản lớn nhất đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của DNTN là khả năng tiếp cận tài chính (21,8% DN), trình độ yếu kém của lao động (10,7% DN)... Bên cạnh đó, các DNTN phần lớn có quy mô vừa và nhỏ, tiềm lực hạn hẹp, khả năng đầu tư hạn chế, kinh nghiệm quản lý sản xuất yếu và năng lực cạnh tranh thấp.
“DNTN vừa, nhỏ và siêu nhỏ chiếm khoảng 98% tổng số DN của cả nước, phần lớn chưa đạt được quy mô tối ưu (100 - 299 lao động) để có được mức năng suất cao nhất. Số lượng DN lớn còn ít (chỉ chiếm khoảng 2%), DN chưa xâm nhập được vào các thị trường, trung tâm công nghệ của thế giới, do đó chưa thực hiện được chức năng cầu nối về công nghệ tri thức của thế giới vào thị trường trong nước”, Bộ KH-ĐT nhận định.

DNNN năng suất cao, hiệu quả lẹt đẹt

Tuy nhiên, TS Kim Ngọc, Viện Hàn lâm khoa học và xã hội VN, cho rằng chính sách ưu ái lớn về nguồn tài nguyên, vốn... là nguyên nhân khiến khu vực tư nhân không thể cạnh tranh được với khu vực DNNN. Trong suốt nhiều năm qua, yếu thế hơn nhưng kinh tế tư nhân vẫn đóng góp tới 43% GDP, còn khu vực kinh tế nhà nước chưa đến 30% GDP (dù nắm giữ khối tài sản khổng lồ hàng triệu tỉ đồng và chiếm 40% tổng vốn đầu tư toàn xã hội).
Điều đó cho thấy cổ phần hóa hàng trăm DNNN hầu như không ảnh hưởng tới cơ cấu nguồn lực của các DN này. Tái cơ cấu nói chung, cổ phần hóa và thoái vốn DNNN nói riêng chưa làm thay đổi phân bổ nguồn lực của nền kinh tế. Việc DNNN nắm giữ nhiều nguồn lực ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh của DNTN trong nước, các DNTN vốn chịu sự bất bình đẳng so với DNNN không chỉ trong tiếp cận với các nguồn lực sản xuất mà còn cả trong tiếp cận với các cơ hội kinh doanh.
Dẫn những cảng hàng không, cảng biển, đường cao tốc do một số DNTN đầu tư trong thời gian vừa qua và so sánh với nhiều hạng mục, công trình do một số DNNN đầu tư nhưng thua lỗ như: Nhà máy đạm Ninh Bình, Nhà máy xơ sợi Đình Vũ, Gang thép Thái Nguyên..., TS Kim Ngọc cho rằng có thể khẳng định các DNTN sẽ thay thế được vai trò đầu tư, phát triển thay cho những DNNN. Vốn đầu tư công chỉ nên tập trung vào những dự án, công trình thiết yếu, trọng điểm mà tư nhân chưa có khả năng làm được.
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại - Công nghiệp VN (VCCI), thẳng thắn đánh giá, năng suất của khu vực tư nhân thấp là dễ hiểu. Bởi trong nhiều năm qua, các DN cạnh tranh chủ yếu dựa trên giá lao động rẻ và chi phí nguyên liệu thấp (yếu tố cơ bản) - là yếu tố dẫn dắt năng lực cạnh tranh ít quan trọng nhất. Trong khi đó Thái Lan và Malaysia tạo dựng lợi thế cạnh tranh bằng cách liên tục cải tiến sản phẩm, dịch vụ. Singapore thì từ lâu đã cạnh tranh thông qua các sản phẩm, dịch vụ đặc thù với trình độ kỹ thuật rất cao. Việc dựa dẫm vào lợi thế lao động giá rẻ và chi phí thấp trong một thời gian dài đã khiến các DN lơ là trong việc nâng cao khả năng hoạch định chiến lược, trình độ quản trị, đẩy mạnh áp dụng khoa học, công nghệ, cải thiện tay nghề lao động và tăng cường hiệu quả sử dụng vốn, dẫn đến kết cục là năng suất của lao động VN ngày càng thấp hơn so với các nước trong khu vực.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.