Nhớ lại ngày ấy, khi còn là một cô thiếu nữ xinh đẹp. Bà Hoa rời Vũng Tàu lên thành phố, với mong muốn thoát khỏi cái nghèo cái khổ.
Và cũng chính nơi đất khách quê người này, bà đã gặp được một nửa của đời mình. Mấy ai ngờ được, cô thiếu nữ Lý Lê Hoa xinh đẹp lại phải lòng chàng trai bị liệt cả 2 chân, ngày ngày vẫn đều đặn ngồi xe lăn bán vé số dạo.
Chuyện tình xúc động của ông Quan bà Hoa - Thực hiện: Lê Nam
Ông Quan là con trai thứ 9 trong gia đình có 11 anh chị em. Sau trận sốt cao năm 10 tuổi, đôi chân ông teo nhỏ, rồi dần liệt đi. Thấy hoàn cảnh gia đình khó khăn, cũng không muốn ba mẹ phải khổ vì mình. Ông nghỉ học đi bán vé số kiếm sống.
Những tưởng, cuộc đời ông chỉ là những mảng buồn nối tiếp nhau. Nhưng không, cái ý nghĩ “muốn được sống thật sự chứ không phải chỉ tồn tại trên đời một cách vô nghĩa” đã giúp ông trở thành người chiến thắng trong cuộc đấu tranh với số phận.
Hai con người với hai mảnh đời, họ đã gặp nhau trong một xóm trọ nhỏ tại quận Tân Phú. Cảm thương trước người đàn ông chịu thương chịu khó. Mỗi ngày, bà Hoa đều mua giúp ông 1 tờ vé số, như là món nhỏ mà những người tha hương có thể dành tặng nhau.
'Nếu được cưới lại một lần nữa, anh vẫn sẽ cưới em', thông điệp chính đã khiến cho 60 cặp đôi cùng đám cưới tối 20.10 nghẹn ngào.
Rồi ngày càng nhiều hơn những lần họ cùng ngồi tâm sự, kể cho nhau nghe về cuộc đời, về những ước mơ đang ấp ủ. Thời gian cứ thế trôi qua, chẳng biết tự khi nào một thứ tình cảm không tên cứ nhen nhóm, lớn dần lên. Chỉ là chẳng ai trong hai người dám ngỏ lời trước.
Ông Quan trong bộ vest chú rể đang rất mong chờ giây phút nhìn thấy vợ mình lần đầu mặc áo cô dâu
Vui lắm, thức sáng đêm không có ngủ được. Không bao giờ nghĩ là mình có được 1 đám cưới đâu, huống gì bây giờ còn được mặc áo quần đẹp, được có nhẫn rồi mời nhiều người dự đám cưới nữa. Chưa bao giờ tôi hối hận vì đã yêu một người khuyết tật.
Bà Lý Lệ Hoa
Cũng như nhiều người khuyết tật khác, ông Quan đã nhiều lần không dám đối diện, không dám ngỏ lời với người mình yêu.
“Đâu ai muốn gắn bó cuộc đời với một người khuyết tật. Lúc đó tôi thương bả lắm, nhưng tôi không dám nói. Tại sợ, nếu bị từ chối thì mình buồn, mà đồng ý thì tôi lại thấy thiệt thòi cho người ta. Buồn lắm chứ, nhưng cái số mình nó vậy rồi”, ông Quan nhớ lại ngày trước.
Tình yêu của người khuyết tật, ngoài những mặc cảm của bản thân còn phải chịu nhiều rào cản khác đến từ những định kiến khắc nghiệt.
Bà Hoa kể: “Thương nhau, cả 2 đều biết rõ tình cảm của mình. Nhưng không dám nói. Tôi cũng giận nhiều vì ổng cứ tự ti, sợ không cho tôi được hạnh phúc như người ta. Lúc đó tôi chỉ biết làm theo cảm xúc, vậy là tôi tỏ tình trước luôn”.
Thế nhưng, khi đã vượt qua được bản thân và ánh mắt người đời, họ lại vấp phải rào cản gia đình. Vừa nhìn thấy đôi chân bị liệt của ông Quan, mẹ bà Hoa đã khóc nấc: “Lấy ai không lấy lại đi lấy thằng què. Rồi sau này đau ốm bệnh tật, ai chăm sóc cho con đây”.
Hết lần này đến lần khác, gia đình bà cấm đoán, dùng lời lẽ nặng nề để ông Quan phải chia tay bà.
Gần 40 năm chung sống, có với nhau được 5 người con. Để rồi ngày hôm nay, họ vẫn nắm chặt tay nhau để chờ đợi một đám cưới như trước đây đã từng mơ ước.
Bất chấp sự phản đối của gia đình, bỏ mặc những định kiến của xã hội. Trái tim bà Hoa như thôi thúc: “Chỉ biết thương nhau, mọi người có nói gì thì mình cũng chỉ làm theo trái tim mình thôi. Nếu như không đến được với nhau, thì chẳng thể đến được với ai khác nữa”.
Hai vợ chồng đang vừa vui mừng vừa xúc động khi kể lại những ngày đầu yêu nhau
Ngày về nhà chồng, chỉ có mâm cơm gia đình, coi như tiệc cưới. Thương con trai, con dâu không có được một đám cưới đàng hoàng. Cả gia đình mười mấy người nhìn họ đầy xót xa. “Bà ấy vì yêu tôi mà dám vượt qua vòng lễ giáo, với tôi đó không chỉ là chữ tình mà còn là chữ nghĩa”, ông Quan tâm sự.
Đối mặt với bao nhiêu khó khăn, thử thách… Hai vợ chồng làm bất cứ công việc gì người ta thuê. Có bao nhiêu tiền cũng đều dành dụm để sinh con, rồi lo cho con cái ăn học. Gánh nặng mưu sinh là vậy, nhưng chưa một lần ông bà đánh mất những cảm xúc dành cho nhau, đôi tay hai người vẫn nắm chặt chẳng muốn rời.
Nhiều người nói rằng “vốn dĩ họ sinh ra là để dành cho nhau”. Nhưng tôi không nghĩ vậy, họ đã dám đấu tranh vì tình yêu của chính mình. Và tình yêu đó xứng đáng nhận được những điều tốt đẹp nhất.
Một tình yêu trọn vẹn và hạnh phúc, vốn chỉ cần được ở bên người mình thương đến tận giây phút cuối cùng là đủ.
Sau 30 năm chung sống, vào ngày 20.10 vừa qua, vợ chồng ông bà đã có một đám cưới đúng nghĩa. Khi được là 1 trong 60 cặp đôi khuyết tật của đám cưới tập thể, tại trung tâm hội nghị tiệc cưới Him Lam Palace (quận Gò Vấp, TP.HCM).
Bà Hoa xúc động: “Vui lắm, thức sáng đêm không có ngủ được. Không bao giờ nghĩ là mình có được 1 đám cưới đâu, huống gì bây giờ còn được mặc áo quần đẹp, được có nhẫn rồi mời nhiều người dự đám cưới nữa. Chưa bao giờ tôi hối hận vì đã yêu một người khuyết tật”.
Có ai đó đã nói, tình yêu dành cho tất cả mọi người. Bởi một khi đã yêu, người ta sẽ không phân biệt tuổi tác, không so đo cao thấp, sang hèn... Sự đồng cảm chính là thứ ngôn ngữ của trái tim những người đang yêu.
Trong 1 chốc thoáng qua, tôi chợt thấy họ như trẻ lại cái tuổi đôi mươi. Khi ánh mắt cô dâu tràn ngập hạnh phúc, khi khóe môi chú rể nở nụ cười đầy mãn nguyện… Tôi hiểu rằng, một tình yêu trọn vẹn và hạnh phúc, vốn chỉ cần được ở bên người mình thương đến tận giây phút cuối cùng là đủ.
Bình luận (0)