Nắng xuân bình yên nơi bến đỗ cuối cùng của những người sắp đi hết đời mình

Phan Diệp
Phan Diệp
11/02/2024 12:29 GMT+7

"Nơi này bình yên quá, lòng tôi cũng yên rồi", ông G.T (49 tuổi) nói về suy nghĩ của mình trong năm mới. Người đàn ông đang tá túc ở mái ấm Mai Hoà - bến đỗ cuối cùng của bệnh nhân HIV/AIDS không nơi nương tựa…

"Nơi bình yên nhất đời"

Cách trung tâm TP.HCM gần 50 km, mái ấm Mai Hoà nằm trên đường Đỗ Đăng Tuyển (H.Củ Chi). Dưới nắng xuân, giàn bông giấy trước cổng và hai bên lối đi nở rực rỡ. Những gian nhà màu hồng của mái ấm vừa sơn xong vẫn thơm mùi mới. Nơi sinh sống của những bệnh nhân HIV/AIDS thật bình yên…

Giờ cơm trưa, các em nhỏ tự tay bưng phần cơm của mình ngồi vào bàn. Người lớn cũng chậm rãi xúc từng muỗng thức ăn trong khay. Và, có người phụ nữ trẻ tuổi nằm trong phòng cách ly, thở máy. Không biết chị có cảm nhận được tết đã về hay không?

"15 người lớn mắc HIV ở đây hầu hết đã đến giai đoạn cuối, không nơi nương tựa. 30 em nhỏ thì khỏe hơn, do được uống thuốc từ sớm và đều đặn. Có đứa đã vào cao đẳng, đại học, rời mái ấm lên trung tâm thành phố sống. Mai Hoà là ngôi nhà chung của mọi người", người đại diện mái ấm cho biết.

Nắng xuân bình yên nơi bến đỗ cuối cùng của những người sắp đi hết đời mình- Ảnh 1.

Mái ấm Mai Hoà dưới nắng xuân năm nay.

Phan Diệp

Mái ấm Mai Hoà được thành lập từ năm 2001 bởi các nữ tu Dòng Nữ Tử Bác Ái Vinh Sơn, nhận nuôi những bệnh nhân HIV/AIDS không nơi nương tựa. Một thời gian sau, có cặp vợ chồng ở đây qua đời để lại 2 con nhiễm bệnh, mái ấm chính thức nhận thêm các em nhỏ từ đó.

45 bệnh nhân ở đây nhận được sự chăm sóc của 7 sơ. Các sơ mỗi người được học một chuyên ngành khác nhau như dược sĩ, điều dưỡng, tâm lý học, xã hội học, đầu bếp… Ngoài ra, sơ còn hướng dẫn bệnh nhân khoẻ mạnh trở thành "cánh tay phải" của mình, chăm sóc cho người nặng hơn.

Giữa khu vườn trưa, tiếng chim hót, tiếng lá cây xì xào. Chạm tuổi 49, ông G.T cho biết mái ấm Mai Hoà là nơi cho ông nhiều sự bình an nhất. Lăn lộn với đời, gặp gỡ nhiều người nhưng ông G.T đặc biệt dành sự cảm phục lớn nhất đến các sơ ở Mai Hoà. "Các sơ trực tiếp lo ăn uống, chăm sóc, ai bệnh nặng thì thăm khám, túc trực bên cạnh. Tôi thấy cảm động lắm", ông G.T nói.

Dù chưa phải là người con của Chúa, nhưng thấy mọi người trong phòng đọc kinh hằng đêm, chủ nhật đi lễ, ông G.T cũng làm theo.

"Tôi cứ nghĩ mình chỉ bị cảm, mỗi ngày uống thuốc đều đều vậy thôi", ông lạc quan và mỉm cười khi được sơ khen nước da mấy hôm nay đã tốt hơn.

Nắng xuân bình yên nơi bến đỗ cuối cùng của những người sắp đi hết đời mình- Ảnh 2.

Khu vườn mái ấm rộng và rợp bóng cây. Thấp thoáng đằng xa có nơi ở của bệnh nhân nữ, nơi đặt tro cốt của người đã khuất.

Phan Diệp

Nắng xuân bình yên nơi bến đỗ cuối cùng của những người sắp đi hết đời mình- Ảnh 3.

Góc tết ở mái ấm Mai Hoà, các sơ và bệnh nhân tranh thủ làm trong hơn 1 tuần.

Phan Diệp

Nắng xuân bình yên nơi bến đỗ cuối cùng của những người sắp đi hết đời mình- Ảnh 4.

Bệnh nhân khoẻ mạnh tự rửa chén sau khi ăn xong.

Phan Diệp

Ông G.T là người Việt gốc Hoa. Biết mình nhiễm HIV tròn 1 năm trước nhưng ông mới đến mái ấm ở hẳn chừng 3 tháng. Ai cũng gọi ông G.T là hoạ sĩ. Thời trẻ, ông từng tốt nghiệp ĐH Mỹ Thuật, có kinh nghiệm 7 năm làm thông dịch viên tiếng Trung. Nhưng cuối cùng, ông chọn làm tự do với nghề vẽ tranh tường.

Cú sốc nhiễm căn bệnh thế kỷ khiến ông suy sụp. Từ một người khỏe mạnh, phong độ, ông G.T cho biết mình già thêm cả chục tuổi, chỉ sau vài tháng hay tin.

Bố mẹ mất sớm, không vợ con, ông tìm đến mái ấm Mai Hoà, xem đây bến đỗ cuối cùng của đời mình. Biết ông có tài, các sơ khuyên ông nên vẽ tranh, chép thơ tặng mọi người cho khuây khoả. Vậy là những lúc khoẻ, ông tìm vui bằng giấy, cọ.

Tết mong bình an, được về thăm lại con phố xưa

Hiếm khi thấy ông G.T cười, kể cả khi ông trải lòng: "Những ngày này, tôi hướng về người mẹ đã mất của mình nhiều lắm". Vì thế, ông chép nhiều bài thơ về mẹ lên những tấm vải sơ cho. Vừa là để tự sự, rồi ai thích ông tặng làm quà.

Ông cũng vẽ nhiều bức tranh nhỏ, đóng khung trang trọng. Những bức vẽ với hầu hết là cảnh xuân, cùng 2 chữ "Bình An".

"Đây là điều tôi chúc cho tất cả mọi người và cũng cho chính tôi", người đàn ông nói.

Nắng xuân bình yên nơi bến đỗ cuối cùng của những người sắp đi hết đời mình- Ảnh 5.

Một tác phẩm của ông G.T.

Phan Diệp

Nắng xuân bình yên nơi bến đỗ cuối cùng của những người sắp đi hết đời mình- Ảnh 6.

Mùa xuân cũng đến với những bệnh nhân HIV/AIDS.

Phan Diệp

Nắng xuân bình yên nơi bến đỗ cuối cùng của những người sắp đi hết đời mình- Ảnh 7.

Bàn tiếp khách của các sơ.

Phan Diệp

Ông G.T cho biết tết này sẽ về Q.8 thăm một người quen của ba mình - người ngày xưa đã từng giúp đỡ ông trong lúc khó khăn. Q.8 cũng là nơi ông lớn lên và gắn bó cho đến ngày 26.10.2023 – ngày chiếc taxi đỗ xịch trước cổng mái ấm.

Cũng giống ông G.T, ông N.N (63 tuổi) cho biết tết nay lại "về thăm con phố ngày xưa và đi dạo ngắm phố phường". Gần chục năm ở mái ấm, ông N.N đã được các sơ hướng dẫn để trở thành người chăm sóc những bệnh nhân nặng. Ông N.N không tiết lộ "con phố ngày xưa" mà ông khao khát về thăm mỗi năm một lần ở đâu. Chỉ biết nơi đó, vẫn còn vài người họ hàng, sẵn sàng đón ông ở lại đôi ba ngày tết.

Mái ấm còn có một người đàn ông đặc biệt. Các sơ gọi ông là "tổng quản" vì ông biết làm nhiều thứ. Từ sơn nhà, cắt cỏ và cả sửa xe cho mấy cháu nhỏ. Nhắc tới biệt danh này, ông T cười, để lộ hàm răng sún.

Vì là tổng quản, nên ông T được các sơ bố trí cho ở riêng trong phòng nhỏ, cạnh cổng chính của mái ấm. Ở đây có giường cao, bộ bàn ghế gỗ, nhiều đồ nghề và cả cây đàn ghi-ta để tự đệm hát những lúc buồn.

Nắng xuân bình yên nơi bến đỗ cuối cùng của những người sắp đi hết đời mình- Ảnh 8.

Phòng bảo vệ của ông T. Sau cửa sổ, người đàn ông đang ngồi xem một chương trình truyền hình sau giờ cơm trưa.

Phan Diệp

Mái ấm Mai Hoà được sơn màu hồng, theo truyền thống hơn 20 năm nay. Màu sơn này ngày xưa những cháu nhỏ đầu tiên sống ở đây chọn. Mấy tháng trước tết, sợ ông T làm không xuể, sơ ngỏ ý thuê người sơn tường nhưng ông T muốn tự mình làm.

"Phải mất cỡ 3 tháng tôi mới làm xong hết. Tôi không nhà, nên tôi xem Mai Hoà là nhà của mình. Cũng lâu rồi, kể từ ngày tôi đến đây gần chục năm trước", người đàn ông 50 tuổi phân trần.

Tết ở Mai Hoà cũng có những cây mai vừa nở. Vài chậu vạn thọ đặt hai bên lối đi và những chiếc lồng đèn đỏ treo lủng lẳng. Các sơ muốn trang trí tết, "để mọi người nhớ tết".

Dưới một mái nhà, ai cũng kể về nhau như những người bạn, người anh em thân thiết. Mỗi người đến mái ấm đều có chuyện đời riêng, thậm chí những bí mật. Để rồi ngày tết, ai cũng muốn về thăm lại người thân và con phố ngày xưa của mình nếu còn có thể.

Chuyện từ những chiếc thuyền hoa miền Tây chở hạnh phúc tết: Nỗi lo tạm gác lại...

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.