Nao nao khặp Thái

15/01/2023 10:30 GMT+7

Ánh tà dương dần khuất sau những rặng núi xanh thẫm nơi thượng nguồn sông Mã. Vẳng trong thung xa tiếng mõ trâu lách cách đi về.

Người thiếu nữ Thái ngừng tay dệt cửi. Chiều buông trong màn sương thẫm đục. Đâu đó vang lên lời khặp thiết tha… Đêm xuống.

Những bài khặp được các thiếu nữ Thái cất lên bất cứ nơi đâu, kể cả những khi đang thêu thùa, dệt cửi

Trong căn nhà sàn khang trang, ấm cúng, cô gái Thái có cái tên dịu dàng, bình lặng - Hà Yên vít chiếc cần rượu cho tôi. Rồi cô múc một sừng trâu đầy nước suối, làm “trám” mời tôi “uống thăm”. Đặng đừng sao được. Tôi cứ uống và ché rượu thì chẳng hề vơi cạn. Cái thứ nước được chắt lọc từ gạo, sắn, men lá rừng và nước suối ấy đằm và ngọt như tình cảm thuần khiết, mặn nồng và hiếu khách của các cô gái Thái nơi thượng nguồn sông Mã, làm tôi chếnh choáng say.

Sau khi mời tôi uống hết sừng rượu thứ hai, em khe khẽ cất lên lời khặp bằng tiếng Thái. Tôi chỉ cảm được giai điệu thôi, mà cũng đã thấy xao lòng. Rồi em dịch cho tôi hiểu với ánh mắt long lanh đẹp lạ. Rằng: Anh ơi/Anh vượt qua bao đèo núi, thác ghềnh/Bước chân anh như con nai trên núi/Anh đến thăm mẹ, thăm em/Nhà có ché rượu cần tự tay em ủ lá/Anh uống đi dù rượu em có nhạt/Nhưng ché rượu thì chẳng hề vơi cạn/Như tình em không biết đổi thay... Đêm dần khuya, Hà Yên lại say sưa khặp cho tôi nghe những bài khặp cổ của người Thái với cảm xúc thiết tha mà mê đắm, nôn nao…

Chợt nhớ cách đây độ mươi năm trước, trong một lần ngược miền Tây Thanh Hóa, tôi đã may mắn được nghe những lời khặp cổ từ một bà mế ở một bản làng người Thái ở phía tây nam tỉnh Thanh, đó là mế Lang Thị Peng ở bản Yên Mỹ, xã Luận Kê, huyện Thường Xuân (Thanh Hóa). Giờ mế Peng đã thành người thiên cổ, nhưng những làn điệu khặp mà tôi nghe năm ấy lại được ngân lên qua giọng khặp trong veo mà ẩn chứa nhiều tâm sự của Hà Yên. Dù không được truyền dạy bài bản, nhưng qua những dịp hội làng, hội bản, mừng nhà mới, hoặc khi đi rừng hái rau, kiếm củi, chăn trâu..., những điệu khặp cứ từng chút từng chút dần thấm vào tâm hồn của người Thái từ thơ bé.

Cứ theo lời mế Peng, khặp có nhiều làn điệu, loại hình, như khặp xư, khặp mo, khặp chương, khặp ôi, khặp báo… Khặp chính là lời ca được bắt nguồn từ cuộc sống, từ quá trình chinh phục thiên nhiên của đồng bào người Thái với nhiều cung bậc cảm xúc sâu lắng và thiết tha, nhưng lại giản dị, gần gũi với các sinh hoạt thường ngày. Người Thái có thể khặp ở bất cứ nơi nào, từ trong nhà đến nương rẫy, khặp cả lúc buồn lẫn lúc vui. Khặp được các thầy mo thể hiện trong lễ cúng ma, tiễn người chết về với tổ tiên, được những người già dùng để kể về những tích truyện, sử thi của người Thái, được các chàng trai, cô gái cất lên khi đi làm nương, kéo gỗ, cũng như đối đáp, giao duyên. Khặp cũng có thể được kết hợp với khua luống, đánh chiêng, thổi khèn… tạo nên những âm sắc độc đáo của người Thái. Điệu khặp mà Hà Yên khặp bên ché rượu đêm nay là khặp báo, thể hiện tình cảm chân thành, tin tưởng của người con gái Thái trước vị khách phương xa.

Những bản làng người Thái ở miền Tây Thanh Hóa

Trong số các làn điệu khặp Thái thì khặp báo thường được các chàng trai, cô gái ngân lên trong mùa lễ hội, hoặc sau mỗi ngày lao động trên nương rẫy, như là một cách giao duyên trai gái. Hãy tưởng tượng, vào một buổi chiều tà khi ngang qua một bản làng người Thái nào đó, nếu may mắn, ta sẽ được lắng nghe tiếng khặp sâu lắng thiết tha của chàng trai tỏ tình cùng cô gái sau buổi làm nương. Lời khặp mộc mạc, chân thành cứ như một thứ men say níu chân người lữ khách. Khặp rằng: “Noọng ơi/Nhìn lên rừng, thấy rừng lắm củi/Ước cùng em hái củi về nhà/Nhìn lên rừng, thấy rừng lắm gỗ/Ước đóng cửi cho em se tơ/Anh muốn đón em, để nên chồng vợ…”.

Ngoài xòe Thái đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, người Thái còn có hình thức sinh hoạt văn hóa đặc sắc chính là khặp. Theo các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, khặp thực chất là hát, hay trình diễn thơ ca. Lời khặp theo lối thơ tự do nên không bó buộc luật bằng trắc, mà chỉ chú trọng các thanh trầm bổng cân đối nhịp nhàng, lời ngắn gọn, dễ nhớ, bởi ngôn ngữ khặp dựa trên câu chào, câu dặn thường dùng hằng ngày trong cộng đồng làng bản mà từ đó sắp xếp lại thành thơ. Người khặp có thể khặp một bài, một truyện có sẵn, hoặc có thể tự ứng tác ngay khi khặp.

Và rồi từ dưới khe suối, cô gái Thái khe khẽ đáp lời với tâm trạng phập phồng thích thú, nhưng cũng đầy trắc ẩn, bởi biết đâu chàng trai đang tỏ tình kia đã là người có vợ. Vậy nên, cô gái khe khẽ khặp đáp lại rằng: “Anh ơi/Em sợ cành khô trên đầu/Sợ vợ anh cưỡi cổ, đè vai/Sợ vợ anh ngự ngai vàng quở trách/Em chỉ sợ lấy em về tranh tình chồng vợ/Sợ lấy em về chia gối, chia chăn”. Để xua tan những hồ nghi của người thiếu nữ, chàng trai liền cất lời khặp thiết tha nhưng gấp gáp hơn đáp lại: “Noọng à/Anh không nói đùa đâu/Bố mẹ anh ngóng trông chờ đợi/Về với anh thổi cơm chung nồi/Về cùng anh ngủ chung gian/Về cùng anh cho gối sánh đôi/Cho duyên nàng duyên anh quấn quýt…”. Cứ thế, chàng trai và cô gái đối đáp bày tỏ tình cảm với nhau một cách hết sức thiết tha, mộc mạc mà vô cùng tinh tế.

Trong kho tàng truyện cổ của người Thái thì truyện thơ Xống chụ xon xao (Tiễn dặn người yêu) là một câu chuyện tình cảm động, đắm say. Câu chuyện kể về sự trắc trở trong tình yêu và hôn nhân của đôi bạn tình người Thái. Hai người làm bạn với nhau từ thuở bé rồi yêu nhau khi trưởng thành, nhưng họ không lấy được nhau vì gia cảnh của chàng trai quá đỗi nghèo hèn. Người thiếu nữ bị mẹ cha gả bán cho một nhà giàu có, rồi nàng lại bị nhà chồng bán vào cửa quan lang. Trong đêm trước khi người yêu đi lấy chồng, chàng trai đã cất lên lời khặp đầy thương yêu mà đau đớn: “Noọng à/Ta thân nhau từ thuở còn thơ ấu/Ta yêu nhau từ ngày răng chưa nhuộm/Luôn sống bên nhau tưởng chẳng lìa xa/Giờ đã sắp xa nhau, em đi lấy chồng phương khác/Đôi uyên ương sẽ không còn trông thấy mặt nhau…”.

Khặp là một hình thức văn hóa độc đáo của người Thái

ÁI CHÂU

Cuối cùng sau nhiều năm hầu hạ quan lang đến tàn tạ, nàng bị nhà quan đem ra chợ bán. Và trong cái phiên chợ ấy, chàng trai năm xưa đã mua lại nàng với giá chỉ bằng một cuộn lá rong. Họ đã nhận ra nhau rồi về sống với nhau đến cuối đời như lời nguyện ước năm nào: “Noọng à/Ta không lấy được nhau vào mùa hạ/Thì sẽ lấy nhau khi mùa đông/Ta không lấy được nhau thời trẻ/Thì sẽ lấy nhau khi góa bụa về già…”. Lời khặp tạm ngưng, mắt Hà Yên ngấn lệ. Tôi biết em đang rất xúc động. Em thương và cảm phục mối tình thủy chung của người con trai bản Thái. Chàng trai đã giữ trọn lời nguyền khi tiễn dặn người yêu đi lấy chồng và cuối cùng họ cũng có được hạnh phúc trọn vẹn, dẫu có muộn màng và quá nhiều cay đắng...

Đêm nay, bên tôi là cô sơn nữ xinh đẹp, dịu dàng như người thiếu nữ Thái trong câu chuyện cổ. Bên em, ché rượu cần vẫn sóng sánh thứ nước ngọt lịm, cay nồng như men tình của người miền thượng tự nghìn xưa. Ánh lửa dần tàn, ngoài trời hơi sương bốc lên lành lạnh cho tôi cái dư vị ngọt ngào của đêm thượng nguồn sông Mã...

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.