Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) đang chế tạo và thử nghiệm một loại kính hiển vi hiện đại dùng để truy tìm sự sống ngoài hành tinh. Điểm đến của thiết bị này sẽ là mặt trăng Europa của sao Mộc.
Các nhà khoa học thử nghiệm kính hiển vi tạo ảnh 3 chiều ở Greenland - Ảnh chụp màn hình Space.com |
NASA đang thử nghiệm thiết bị mới ở hòn đảo băng giá Greenland thuộc Bắc Cực. Kính hiển vi kỹ thuật số sử dụng công nghệ tạo ảnh 3 chiều, sẽ được dùng trong nhiệm vụ thám hiểm Europa vào những năm 2020, theo Daily Mail.
Thiết bị có thể tự động lấy nét và ghi lại những hình ảnh 3D rất rõ. Kính hiển vi lớn bằng một chiếc va li, được chế tạo để chụp được những vi khuẩn có kích thước 1 micromet, tương đương 1/1.000.000 mét.
Nhóm nghiên cứu đã thử nghiệm loại kính hiển vi mới suốt 3 tháng ở Greenland. Thiết bị được chứng minh có khả năng phát hiện được vi khuẩn trong băng.
Europa là mặt trăng của sao Mộc. Các nhà khoa học so sánh nó như một quả cầu băng khổng lồ. Toàn bộ bề mặt nơi này được bao phủ bằng lớp băng dày từ 20 đến 30 km.
Các chuyên gia tin rằng dưới lắp băng đó tồn tại một đại dương ngầm. Đại dương nhiều nước đến mức sâu khoảng 100 km.
Nếu sự sống thực sự tồn tại trên Europa thì những hình ảnh đầu tiên con người nhìn thấy về sinh vật ngoài hành tinh sẽ là ảnh 3 chiều, theo NASA. Sau khi chụp, các bức ảnh sẽ được tải vào một máy tính và gửi về Trái đất.
Bình luận (0)