Cho rằng quân đội Nga tuy chịu nhiều tổn thất nhưng hoàn toàn chưa bị đánh bại trong cuộc chiến ở Ukraine, một sĩ quan quân sự hàng đầu NATO tiết lộ những thay đổi lớn nhất kể từ Chiến tranh Lạnh trong kế hoạch quân sự của liên minh trong trường hợp Moscow mở rộng xung đột.
"Họ có thể không cao tới 3-4 mét, nhưng chắc chắn không phải chỉ có 6 phân. Vì vậy, chúng ta đừng bao giờ đánh giá thấp người Nga và khả năng phục hồi của họ", AP dẫn lời đô đốc Rob Bauer, Chủ tịch Ủy ban Quân sự NATO, nói với các phóng viên hôm 3.7.
Mục tiêu 300.000 quân
Tổng thống Mỹ Joe Biden và những lãnh đạo các nước NATO khác dự kiến sẽ thông qua những điều chỉnh quan trọng đối với kế hoạch quân sự của liên minh tại một hội nghị thượng đỉnh ở thủ đô Vilnius của Lithuania vào tuần tới, theo AP.
NATO, với tư cách tập thể, không cung cấp vũ khí hay đạn dược cho Ukraine. Liên minh không muốn bị kéo vào một cuộc chiến có quy mô lớn hơn với cường quốc hạt nhân như Nga. Đồng thời, liên minh đang tăng cường củng cố an ninh cho các nước thành viên gần Nga, Ukraine và Belarus.
4.000 lính Đức có thể đồn trú lâu dài ở Lithuania để bảo vệ sườn đông NATO
Khoảng 40.000 quân đang túc trực từ Estonia ở phía bắc tới Romania bên bờ biển Đen. Khoảng 100 phi cơ bay trên bầu trời dải lãnh thổ đó mỗi ngày và tổng cộng 27 tàu chiến đang hoạt động ở biển Baltic và Địa Trung Hải. Những con số này trong tương lai sẽ còn tăng lên.
Theo kế hoạch mới của mình, NATO đặt mục tiêu huy động 300.000 quân sẵn sàng di chuyển đến sườn phía đông của liên minh trong vòng 30 ngày. Kế hoạch chia lãnh thổ của liên minh thành ba khu vực - khu vực vĩ độ cao phương bắc và Đại Tây Dương, khu vực phía bắc dãy núi Alps và khu vực phía nam châu Âu.
Đô đốc Bauer cho biết kế hoạch mới của NATO được xây dựng dựa trên sức mạnh của quân đội Nga trước khi Tổng thống Vladimir Putin phát động "chiến dịch quân sự đặc biệt" ở Ukraine hồi cuối tháng 2.2022. Ông nói cuộc chiến đã làm cạn kiệt nguồn lực của lục quân Nga nhưng không ảnh hưởng nghiêm trọng đến hải quân hay không quân của nước này.
Theo ông Bauer, trong số các lực lượng mặt đất của Nga, khoảng "94% hiện đang tham gia vào cuộc chiến ở Ukraine".
"Những gì chúng ta thấy nói chung là người Nga thận trọng với NATO. Họ không tìm kiếm xung đột với NATO. Tôi nghĩ đó là dấu hiệu cho thấy họ đang rất, rất bận rộn... Trên đất liền, tôi không nghĩ họ có nhiều lực lượng để làm bất cứ điều gì với bất kỳ ai khác", vị sĩ quan nói.
"Nhưng chúng tôi tin rằng phía Nga sẽ tái tổ chức. Chúng tôi sẽ tiếp tục coi họ là một mối đe dọa nghiêm trọng, đặc biệt là trên biển và trên không, và trong không gian, họ vẫn rất, rất có năng lực, tất nhiên là chưa nói đến vũ khí hạt nhân", ông Bauer cho biết.
Thụy Điển và Phần Lan sẽ mang lại gì cho liên minh NATO?
Lo ngại an ninh mới
Vụ nổi loạn của tổ chức lính đánh thuê Wagner ở Nga vào cuối tháng trước đã làm dấy lên những lo ngại sâu sắc về an ninh ở Estonia, Latvia, Lithuania và Ba Lan, khi một thỏa thuận cho phép lãnh đạo của nhóm này, Yevgeny Prigozhin, bắt đầu cuộc sống lưu vong tại Belarus.
Tổng thống Lithuania Gitanas Nauseda nói các nước láng giềng sẽ đối mặt với mối nguy hiểm lớn hơn nếu Wagner triển khai quân ngay bên kia biên giới của họ.
Vilnius nằm cách biên giới Lithuania - Belarus khoảng 35 km.
Lithuania muốn có sự hiện diện thường trực của NATO trên lãnh thổ của mình. Đức đã báo hiệu vào tuần trước rằng họ sẽ sẵn sàng bố trí binh lính ở đó nếu được yêu cầu. Tuy nhiên ở thời điểm hiện tại, NATO cho rằng không có mối đe dọa ngay trước mắt từ Belarus.
"Chúng tôi tự tin rằng chúng tôi biết điều gì đang xảy ra và hiện tại chúng tôi không thấy có thay đổi nào. Nhưng điều đó không làm chúng tôi rời mắt khỏi những việc chúng tôi cần làm hàng ngày. Nếu chúng tôi cần thay đổi thế trận, chúng tôi có thể làm điều đó một cách nhanh chóng", thiếu tướng Matthew Van Wagenen nói với các phóng viên.
31 quốc gia thành viên của NATO đã tham gia một "hội nghị thành lập lực lượng" vào tuần trước với nỗ lực tìm hiểu xem liên minh có thể có bao nhiêu quân và bao nhiêu thiết bị để đáp trả bất kỳ cuộc tấn công nào, cả trong ngắn hạn và dài hạn.
Cả hai sĩ quan nói trên đều lạc quan về kết quả, mặc dù họ từ chối cung cấp thông tin chi tiết vì lý do an ninh. Tuy nhiên, một số chuyên gia và nhà ngoại giao NATO đã bày tỏ nghi ngờ về việc các nước thành viên sẵn sàng đặt tổng cộng 300.000 quân vào tình trạng sẵn sàng.
"Tôi sẽ xem đó là chuyện rất có khả năng làm được. Tôi có thể đảm bảo với bạn hiện tại chúng tôi đang ở một vị trí mà chúng tôi biết những gì còn thiếu và chúng tôi cần phát triển điều này như thế nào trong tương lai", ông Van Wagenen nói.
Nghiên cứu tiết lộ mức độ viện trợ phương Tây dành cho Kyiv
Về khả năng của NATO trong việc thực hiện kế hoạch mới, nếu đó là điều cần thiết trong tương lai, ông Bauer hoan nghênh việc ông Biden và các lãnh đạo NATO dự kiến đưa ra cam kết tăng chi tiêu quốc phòng tại Vilnius tuần tới. Việc này sẽ giúp các chỉ huy có được trang thiết bị họ cần.
Năm 2014, NATO cam kết tiến tới mức chi 2% GDP cho ngân sách quân sự của mỗi nước vào năm 2024. Tại hội nghị thượng đỉnh ở Lithuania ngày 11-12.7, các nhà lãnh đạo sẽ đặt tỷ lệ 2% làm mức chi tiêu sàn, thay vì mức trần để hướng tới.
Bình luận (0)