Ta có thể kể ra: Thành phố đi đầu trong việc chăm lo cho nhân dân ăn liên hoan mừng lễ; đi đầu thực hiện việc buộc cán bộ, công chức hữu quan phải đến nhà xin lỗi nhân dân khi làm chậm trễ hồ sơ, giấy tờ của nhân dân so với ngày hẹn trả lại hồ sơ, giấy tờ.
Mới đây, ngành giáo dục Đà Nẵng đã cho phép học sinh nghỉ đủ 3 tháng hè, đến đầu tháng 9.2016 mới nhập trường lại để vào năm học mới. Hơn 40 năm qua, học sinh cả nước chỉ được nghỉ hè trên một tháng, gần 2 tháng hè còn lại phải vào trường học thêm, ôn tập hoặc thao diễn nghi thức đón chào năm học mới. Hành động của ngành giáo dục Đà Nẵng là can đảm đi đầu, phá vỡ một “công thức” bất thành văn của ngành giáo dục khiến cho không địa phương nào dám làm khác. “Công thức” ấy là không cho phép học sinh nghỉ hè đủ 3 tháng vì sợ học sinh… quên kiến thức đã học. Việc trả lại cho học sinh 3 tháng nghỉ hè trọn vẹn là việc làm rất tiên tiến, rất sư phạm, cần phải được biểu dương.
tin liên quan
Học sinh Đà Nẵng chính thức được nghỉ hè 3 thángTừ đề xuất của ngành GD-ĐT Đà Nẵng, UBND TP.Đà Nẵng đã ban hành quyết định cho học sinh nghỉ trọn 3 tháng hè.
Tâm lý học xác định rằng ký ức (memory, mémoire) của con người là một hoạt động ghi nhớ những gì đã học, đã trải nghiệm có tính bền bỉ cao. Ký ức nằm trong miền ý thức, khu vực mà cá nhân có thể kiểm soát được, tái tạo được. Tâm lý học cũng xác định rằng ký ức luôn luôn có giới hạn, nghĩa là nó chỉ chứa và lưu giữ được những gì đáng để cá nhân ghi nhớ. Ký ức không phải là một cái túi không đáy để có thể nhồi nhét tất cả mọi thứ ở trên đời. Việc ghi nhận những gì cần ghi nhận của ký ức có tính lựa chọn cao, những gì không cần nhớ người ta vứt ra khỏi miền ký ức ngay. Việc thụ nạp quá nhiều những kiến thức khiến ký ức mệt mỏi, dễ diễn ra tình trạng hỗn loạn ký ức - nghĩa là phản tác dụng về mặt ghi nhớ đối với cá nhân.
Ký ức phải được nghỉ ngơi, được thư giãn - nghĩa là bớt hoạt động thu thập thêm cái mới vào thì nó mới có thì giờ sắp xếp và lau rửa những điều đã được ghi nhớ. Một đứa bé đã phải học tập ròng rã 9 tháng, ghi nhớ được nhiều kiến thức mới của nhiều bộ môn khác nhau thì nhất thiết phải cho nó một thời gian nghỉ ngơi, thư giãn để ký ức của nó tự động sắp xếp và lau rửa những điều đã học được. Vấn đề cần thiết ở đây là “tiêu hóa” những kiến thức đó để biến chúng thành “vốn liếng” riêng cho sự trưởng thành đời sống tinh thần và trí tuệ của mình.
tin liên quan
Vừa nghỉ hè đã lo tựu trường: Dạy thêm học thêm cần độc lập với nhà trườngCó nhiều ý kiến trái chiều về việc cấm dạy thêm học thêm nhưng nhiều người thừa nhận yêu cầu không dạy thêm với mục đích vụ lợi cho nhà trường, giáo viên là đúng và nên thực hiện.
Vì vậy, việc nhiều nhà trường không cho trẻ em nghỉ hè đủ 3 tháng, buộc trẻ em phải học sớm, học thêm được coi là hành động phản giáo dục. Chỉ cần so sánh đơn giản là đã thấy chuyện bất thường, không giống ai rồi: trong khi học sinh của bất cứ quốc gia nào cũng được nghỉ 3 tháng hằng năm (nghỉ hè, nghỉ đông) thì những em bé VN chỉ được nghỉ một tháng hay một tháng rưỡi. Vì vậy, việc ngành giáo dục thành phố Đà Nẵng quyết định cho học sinh được nghỉ đủ 3 tháng hè rất được phụ huynh và các nhà giáo dục đồng tình, nhất trí.
Một vấn đề khác là ta hiểu thế nào về chữ “học”? Rất nhiều người nặng tính giáo điều, cứ muốn hiểu rằng học là phải vào trường, phải ngồi lại trong lớp ôn kiến thức cũ và học thêm kiến thức mới; phải tập làm theo những nghi thức thao diễn như “kịch bản” để chuẩn bị cho năm học mới. Khi hoa phượng đang nở đỏ thắm ngoài sân, khi tiếng ve gọi râm ran trong ngàn lá mà đứa bé lại không được thụ hưởng những ngày nghỉ ngơi giữa thiên nhiên thoáng đãng như đáng ra nó phải được hưởng thì liệu có công bằng chăng? Tuổi của trẻ em - những em từ tròn 16 tuổi trở xuống, là tuổi học mà chơi, trong cái chơi có lồng cái học vào. Khi không cho trẻ em nghỉ hè đủ 3 tháng là người ta đã tước đoạt quyền được chơi, hay đúng ra - quyền vừa chơi vừa học của trẻ.
tin liên quan
Trả lại 3 tháng hè cho học sinh!Việc Sở GD-ĐT TP.Đà Nẵng đề xuất cho học sinh nghỉ hè trọn vẹn 3 tháng đang khiến nhiều phụ huynh quan tâm và học sinh thì khấp khởi vui mừng.
Trở lại với Đà Nẵng, chúng ta xem ngành giáo dục ở đây chỉ đạo thực hiện quyền vừa học vừa chơi của trẻ em như thế nào. Trước hết, trẻ em ở đây được nghỉ hè đúng 3 tháng. Cùng thời gian đó, toàn bộ các trường học phải mở cửa để lấy mặt bằng sân trường làm nơi cho trẻ em vào vui chơi, hoạt động. Phụ huynh cùng vào trường với con để xem và hướng dẫn con mình vui chơi với những trò quen thuộc: đá bóng, đánh banh, đá cầu, nhảy dây, chạy nhảy, đánh cờ vua, đánh cờ tướng, rượt bắt, đọc sách, ca hát, vẽ tranh… Trẻ con được tự do vui chơi tùy sở thích thì tâm trạng rất thư giãn, chúng không nghĩ mình đang phải học tiết thể dục, mỹ thuật hay âm nhạc gì cả. Chính tâm trạng thoải mái đó giúp trẻ con vui chơi, vận động nhiệt tình và học được những điều bổ ích. Rõ ràng đó là những hoạt động chơi mà học.
Ở một xã trung bình như xã Hòa Tiến (huyện Hòa Vang, ngoại thành Đà Nẵng), các nhà trường tổ chức những hồ bơi di động, dạy trẻ tập bơi. Đó là những cái bể nước lớn làm bằng nhựa, sức chứa khoảng trên 40 m3, được bơm đầy nước sạch vào. Trẻ con vào đó vừa tắm, vừa tập bơi dưới sự hướng dẫn của các thầy hay chuyên viên dạy bơi lặn và sự chứng kiến của cha mẹ. Việc làm này hết sức thiết thực, nhằm giúp cho trẻ tự tin, tự cứu lấy mình khi lỡ gặp điều bất trắc trên sông nước. Hồ bơi di động là một hoạt động giáo dục thể chất hết sức mới mẻ. Đáng lẽ Bộ Giáo dục - Đào tạo phải là nơi đầu tiên nghĩ ra mô hình này, đưa vào giáo trình dạy môn thể dục trong chính khóa đối với toàn bộ học sinh cấp tiểu học và trung học cơ sở. Dạy thể dục theo cái kiểu dang chân, vươn tay mãi khiến mục thể dục đầu giờ cứ như múa mà không ra múa. Đâu có thứ thể dục gì mà… dịu dàng vậy?
tin liên quan
Ngành giáo dục đã làm cho học sinh mất vuiCó một vấn đề lâu nay em cảm thấy khó hiểu về ngày khai giảng. Đó là học sinh phải đi học trước cả tháng trời, thầy cô bạn bè đều chơi thân với nhau hết rồi, vì vậy ngày khai giảng chỉ có tính hình thức thôi.
Nếu ta hiểu hằng năm có hàng ngàn đứa bé bị tai nạn, trong đó nhiều nhất là tai nạn về nước thì chuyện học bơi của trẻ phải được đặt lên hàng đầu trong việc giáo dục thể chất. Ta không thể nhân danh cái nghèo, cái khó khăn vì thiếu kinh phí không xây được hồ bơi mà không dạy cho trẻ con học bơi lội. Việc nghĩ ra hồ bơi di động phải nói là một sáng tạo của ngành giáo dục Đà Nẵng và huyện Hòa Vang. Nó chẳng tốn bao nhiêu tiền, mà có tốn kém chút đỉnh thì huy động phụ huynh đóng góp. Một trăm phần trăm phụ huynh đều muốn con em mình biết bơi và vui vẻ đóng góp cho con em có phương tiện học bơi.
Việc thành phố Đà Nẵng cho trẻ nghỉ 3 tháng hè, mở cửa trường để trẻ vừa học vừa chơi là một chủ trương rất nhân văn, rất sư phạm và rất mới mẻ. Cả nước có thể thực hành chương trình này để nhà giáo và cán bộ, nhân viên cũng có thêm thời gian được nghỉ ngơi, nhà trường bớt được công việc. Tất nhiên, một số hoạt động khác như chấm thi, coi thi, tổ chức phòng thi, tổ chức ngày khai giảng… thì các nhà trường phải đảm bảo bởi đó là nhiệm vụ chuyên môn của ngành giáo dục.
Việc gì ta cứ bắt buộc trẻ vào trường sớm, đóng tiền để học thêm môn này, môn khác. Cá nhân tôi ghét nhất hai chữ “nâng cao” - thí dụ tiếng Anh nâng cao. Đưa ra hai chữ “nâng cao” để buộc trẻ con học thêm là dối mình, dối người, không phù hợp với lòng tự trọng vốn có của người làm giáo dục. Cứ cho trẻ con nghỉ hè đủ 3 tháng thì tự nhiên chúng sẽ học tốt khi vào năm học mới.
Bình luận (0)