Nên hay không nên cho phụ huynh xem camera trực tuyến, camera trực tuyến ảnh hưởng quyền riêng tư của trẻ và cô giáo là như thế nào? PV Báo Thanh Niên phỏng vấn các luật sư.
Phụ huynh vẫn đang tranh luận về việc nên hay không nên xem camera trực tuyến từ lớp mầm non |
đào ngọc thạch |
Cần có quy định rõ ràng
Một luật sư thuộc Đoàn luật sư TP.HCM cho rằng đứng ở góc độ phụ huynh có con trong tuổi mầm non đi học thì hầu hết mọi người đều muốn nhìn hình ảnh của con ở trường để đỡ nhớ con hoặc thêm yên tâm.
Tuy nhiên nếu đứng ở góc độ pháp lý, quyền nhân thân của mỗi công dân được pháp luật bảo hộ, không ai được sử dụng hình ảnh của người khác nếu chưa được phép.
Do đó không phải bất kỳ vị trí nào trong lớp, trong trường cũng có thể gắn camera tùy tiện và phát trực tuyến tùy tiện cho mọi phụ huynh. Vì ở nhiều vị trí, camera trực tuyến có thể thấy rõ hình ảnh tế nhị, riêng tư của cô giáo, các bé. Điều này là vi phạm pháp luật, ảnh hưởng tới quyền riêng tư, nhân thân của các cô giáo và các bé, rất nguy hiểm.
Bình luận về bài viết Giáo viên khốn khổ vì phụ huynh “canh” camera: Cần bảo vệ quyền riêng tư của trẻ em, bạn đọc Tuan An viết: “Lắp đặt camera trong cơ quan, tổ chức, công ty, doanh nghiệp, trường học… là hoạt động quản lý, hoạt động chuyên môn để phục vụ chức năng nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức. Việc phát hành rộng rãi trên mạng có thể ảnh hưởng đến cơ quan, tổ chức, ảnh hưởng đến sinh hoạt riêng tư, hình ảnh của công dân trong thiết bị thu hình. Việc này nên có sự quy định của pháp luật trường hợp nào thì có quyền công khai nội dung, quyền được biết”.
Rõ ràng, các nhà trường, lớp/nhóm trẻ mầm non cũng như các phụ huynh rất cần có sự hướng dẫn, quy định cụ thể và thống nhất về việc lắp camera trong trường/lớp như thế nào, lưu dữ liệu ra sao, những ai được quản lý các hình ảnh này.
Pháp luật Việt Nam đã quy định rõ về quyền riêng tư, quyền hình ảnh cá nhân
Luật sư Lê Trung Phát, Giám đốc Hãng luật Lê Trung Phát, Đoàn luật sư TP.HCM, cho biết: “Hiện nay, pháp luật Việt Nam đã quy định rõ về quyền riêng tư, quyền hình ảnh cá nhân, nó được cụ thể hóa trong Hiến pháp và Điều 32 của Bộ luật Dân sự 2015. Thế nhưng, theo tôi, quy định của chúng ta đang còn mang tính chung chung, nó thật sự chưa đi vào cuộc sống một cách cụ thể để bảo vệ quyền lợi của công dân khi bị xâm phạm. Và biểu hiện cụ thể của việc này là hình ảnh riêng tư của học sinh, giáo viên ở các trường mầm non khi các trường công khai đường link cho phụ huynh trực tiếp nhìn camera của trường”, luật sư Lê Trung Phát nói.
Luật sư Lê Trung Phát |
TN |
Theo Giám đốc Hãng luật Lê Trung Phát, camera vốn dĩ chỉ là công cụ nhằm thu thập dữ liệu giám sát các vấn đề an ninh, hoạt động nội bộ của một tổ chức, cá nhân nào đó. Nó giúp cho các đơn vị có đủ dữ liệu để vận hành, đánh giá tổ chức của mình. Đặc biệt trong một số tình huống cần thiết, thì nó là nguồn chứng cứ để đấu tranh phòng chống tội phạm.
“Gần đây việc sử dụng camera đã bị lạm dụng, dưới sức ép của các vụ bạo hành, sức ép của việc một số trường tư thục thu hút trẻ, một số trường đã lắp đặt hệ thống camera như là một trong những tiêu chí cạnh tranh. Nhưng họ đã quên đi việc lắp đặt này, đôi khi chưa phù hợp ở các vị trí lắp. Đặc biệt hơn là việc công khai cho phụ huynh thuận tiện quan sát con em mình đã vô tình làm ảnh hưởng, xâm phạm đến hình ảnh riêng tư của những trẻ khác, của giáo viên”, luật sư Lê Trung Phát nói.
Đừng nhầm lẫn giữa quyền được cung cấp thông tin và quyền được giám sát, theo dõi
Theo luật sư Lê Trung Phát, nhiều người cho rằng nếu giáo viên không làm gì sai thì sợ gì camera theo dõi hay việc xem camera có gì to tát. Nhưng họ đã nhầm lẫn giữa quyền được yêu cầu cung cấp thông tin các bé xuất phát từ quyền của phụ huynh với nhà trường. Họ lại chuyển qua quyền được giám sát, theo dõi toàn bộ hoạt động các bé khác và giáo viên ở bất cứ thời gian nào, với bất kỳ lý do gì. Việc này ảnh hưởng đến hoạt động thường nhật, quyền riêng tư của cô và trẻ.
Luật sư này thẳng thắn đề nghị: “Nhà trường cần không công khai các đường truyền xem camera trực tuyến cho phụ huynh. Nhà trường có thể bố trí phòng máy để khi phụ huynh cần thì đến trường để nhìn hoặc khi có sự cố gì, thì yêu cầu nhà trường trích xuất, cung cấp dữ liệu có liên quan để bảo vệ quyền lợi của con mình. Nhà trường sử dụng camera như là công cụ quản lý nội bộ để đánh giá, rút kinh nghiệm, nâng cao hoạt động dạy; không xem việc gửi link camera cho phụ huynh là một lợi thế cạnh tranh trong việc tuyển sinh”.
Theo luật sư Lê Trung Phát, làm tốt điều này cũng là cách để chính nhà trường bảo vệ được quyền lợi của những trẻ khác, bảo vệ giáo viên của mình.
"Từ góc độ phụ huynh ai cũng thương con mình nhưng không có nghĩa vì lý do này mà phụ huynh yêu cầu người khác đáp ứng mọi nhu cầu của mình, dù việc đó đang xâm phạm đến quyền lợi người khác", luật sư nói.
“Thay vì cố gắng chọn trường có cho xem camera trực tuyến, phụ huynh nên cố gắng tìm hiểu, chọn lựa môi trường giáo dục để yên tâm gửi gắm con mình. Sự an tâm của giáo dục không nằm ở hệ thống camera mà nó phải là từ thầy cô, con người, chương trình đang giảng dạy tại đó. Có như vậy, môi trường giáo dục mới thật sự thoải mái để thầy cô nhiệt tình cống hiến chăm sóc, yêu thương con mình”, luật sư Lê Trung Phát trao đổi.
Quy định sử dụng camera của các nước
Luật pháp các nước trên thế giới cho phép lắp đặt camera an ninh (CCTV) trong trường học để giám sát những khu vực không gây ảnh hưởng đến quyền riêng tư cá nhân như hành lang, sân trường, thư viện…
Chẳng hạn, ở Mỹ, CCTV được sử dụng tại 91% trường học công lập toàn quốc nhằm đảm bảo an toàn, giám sát hành vi không phù hợp của HS và phòng chống bạo lực học đường…, theo báo cáo của Trung tâm quốc gia về thống kê giáo dục (NCES, Mỹ). Đối với CCTV được lắp đặt trong lớp học, chính quyền mỗi bang có quy định riêng. Các học khu phải trưng cầu ý kiến và được sự đồng thuận của phụ huynh mới có thể lắp đặt CCTV trong lớp học.
Quy định và luật pháp của các nước có thể khác nhau nhưng đa số không cho phép phụ huynh tiếp cận video từ CCTV trong khu vực chung tại trường. Nếu phụ huynh muốn xem camera thì phải yêu cầu, lý do cụ thể và có sự đồng ý của nhà trường. Bên cạnh đó, chỉ những phụ huynh của học sinh trong cùng một lớp mới được xem video trực tuyến từ CCTV đặt trong lớp. (Phúc Duy)
Bình luận (0)