Nên tìm một công việc tốt hay tìm một người chủ tốt?

04/11/2022 10:30 GMT+7

Nhiều người trẻ khi tìm đến một môi trường làm việc thường quan tâm đến các vấn đề như: thu nhập bao nhiêu, cơ hội trải nghiệm và đặc biệt là tính cách, thái độ của người chủ hay "người sếp" đối đãi với họ ra sao?

Câu chuyện về người chủ khóc nức nở khi nhân viên rời đi nhận được nhiều sự quan tâm của người trẻ

cắt từ clip

Câu chuyện về một người chủ bật khóc nức nở vì nhân viên của mình

Mới đây trên mạng xã hội đã chia sẻ câu chuyện của một cô gái xin dừng công việc tại một cửa hiệu thuốc sau hơn 2 năm gắn bó để tìm định hướng đi mới. Sau khi về kiểm tra camera lần cuối, cô gái này đã sững sờ khi nhìn thấy người chủ đã bật khóc nức nở khi cô vừa rời đi. Từ đó, nhiều người trẻ đã chia sẻ và bày tỏ câu chuyện của mình liên quan đến việc “Liệu nên tìm một công việc tốt hay tìm một người chủ tốt?”.

Bắt đầu công việc đi làm thêm từ khi còn là sinh viên năm nhất đại học, Hồ Võ Thanh Nguyên, sinh viên Trường ĐH Nông lâm TP.HCM bày tỏ sự vui mừng khi may mắn tìm được người chủ tốt bụng.

“Mình bắt đầu làm phục vụ bàn tại một quán ăn từ khi còn là sinh viên năm nhất vì muốn kiếm thêm thu nhập để trang trải. Lúc đó, còn khá vụng về nên có lần đem đồ ăn lên cho khách, mình lỡ va vào bàn rồi ngã xuống khiến cho đồ ăn, chén dĩa vỡ tung tóe xuống đất. May mắn lúc đó người chủ quán đã ra thay mặt mình xin lỗi và đền bù cho khách”, Thanh Nguyên kể lại và vô cùng cảm kích.

Đối với Nguyên, hành động của người chủ lúc ấy khiến bạn rất cảm động vì cứ nghĩ là mình đã bị đuổi việc rồi nên về sau Nguyên càng gắn bó, làm việc chăm chỉ và chú ý đến công việc nhiều hơn.

Bắt đầu đi làm thêm từ khi còn học ở bậc THPT, Liêu Đức Thịnh, sinh viên Trường Arena Multimedia (TP.HCM) đã trải qua rất nhiều công việc khác nhau, mỗi nơi đều đem đến cho Thịnh những trải nghiệm và cách đối xử khác nhau. Dù có những nơi đối đãi rất tốt nhưng có ít nhất 2 lần, Thịnh gặp phải người chủ có thái độ và cách đối xử chưa ổn với nhân viên.

“Lần đầu tiên, mình làm ở cửa hàng đồ chơi, lúc đó khách hàng đến rất đông nhưng chỉ duy nhất mình trực ngày hôm đó. Do không quán xuyến nổi nên mình liên hệ nhờ anh chủ giúp đỡ nhưng lại không được quan tâm dù mình có điện thoại cả nhắn tin, anh vẫn không cho thêm người tới giúp. Lần thứ hai, mình làm phục vụ bàn thì công việc rất nhiều và người chủ cứ bắt mình tăng ca dù ngày hôm đó mình đã làm việc suốt 7 tiếng, có khi đến khuya mới về đến nhà nhưng vẫn không hỏi han hay bồi dưỡng thêm mà lại trách móc mình nữa”, Thịnh thở dài.

Trong hai lần đó, Thịnh đều đến gặp người chủ để trao đổi nhưng vấn đề không thể giải quyết và mọi chuyện cứ tiếp diễn nên Thịnh đành phải nghỉ việc.

Lựa chọn người chủ tốt là mục tiêu mỗi cá nhân

Việc gặp được người "sếp", người chủ tốt luôn là một trong những tiêu chí hàng đầu mà nhiều người lựa chọn khi bắt đầu một công việc nào đó.

"Nếu được lựa chọn giữa một công việc tốt và một người chủ tốt thì mình vẫn sẽ ưu tiên chọn người chủ có tính cách dễ chịu, biết quan tâm đến nhân viên nhiều hơn. Dù công việc có thu nhập khá cao nhưng nếu người chủ hay la mắng, tạo quá nhiều áp lực thì mình vẫn không lựa chọn", Thanh Nguyên cho hay.

Việc quan tâm đến người chủ là một trong những tiêu chí mà người trẻ quan tâm khi bắt đầu công việc

đức thịnh

Nhưng có phải người chủ tốt là người sẽ luôn tạo sự thoải mái? Còn người hay gắt gỏng, tạo áp lực là người chủ không tốt?

Bắt đầu với nhiều công việc liên quan đến lĩnh vực liên quan đến việc làm truyền thông, nên Đ.N.N.K, sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM đã từng thử sức rất nhiều môi trường làm việc khác nhau như lồng tiếng, MC, viết kịch bản…

“Mình đã từng chịu áp lực công việc từ người quản lý nhiều đến mức bản thân có cảm giác họ không quan tâm đến giờ giấc sinh hoạt hay cuộc sống riêng của người khác. Có những ngày mình được giao rất nhiều việc, mặc dù công việc cũ chưa hoàn thành lại buộc phải nhận thêm việc mới khiến đôi lúc mình bỏ cả ăn, ngủ”, N.K cho hay.

Nhưng N.K cho rằng mỗi công việc đều có những người quản lý có tính cách khác nhau, họ không thể hoàn hảo như mình mong muốn được và việc phân biệt chủ tốt hay chủ xấu đều phụ thuộc vào bản thân. Điều quan trọng là phải tâm sự các vấn đề với người chủ trực tiếp, nếu họ hiểu hay có hướng giải quyết phù hợp thì tiếp tục làm và nên dừng lại nếu họ có thái độ tiêu cực.

“Tùy vào thời điểm mà mình có cách ứng xử phù hợp, nếu chịu áp lực liên tục từ người chủ mà không giúp cải thiện gì cho mình mà lại thêm tiêu cực, mình sẽ chọn giải pháp nghỉ. Còn dù trong môi trường có hơi nghiêm khắc hay nhắc nhở nhưng mình cảm nhận được sự tận tâm, nhận được bài học từ họ, mình vẫn ở lại làm việc nếu có cơ hội cho phép”, N.K bộc bạch.

Nói về vấn đề "Nên tìm công việc tốt hay chủ tốt?", chị Phạm Thúy Mỹ (công tác bộ phận nhân sự của Công ty Cổ phần Việt Nam Trẻ) giải thích: "Chúng ta cần xác định rõ giữa công việc tốt và người chủ tốt. Nếu xác định công việc tốt theo hướng về chuyên môn, tùy vào lựa chọn cá nhân, cảm thấy công việc đó giúp ích cho con đường định hướng tương lai, bạn vẫn có thể tiếp tục làm. Còn dựa trên đãi ngộ thì nên chọn công việc có một người chủ tốt, chúng ta sẽ có công việc tốt và đãi ngộ. Còn nếu chủ tệ thì đãi ngộ cũng sẽ tệ theo".

Cũng theo chị Mỹ, một người chủ, "người sếp" tốt sẽ luôn tạo điều kiện để đầu tư về nhân tài, vì sự phát triển của nhân tài sẽ kéo theo sự lớn mạnh của tổ chức.

"Việc lựa chọn một người chủ tốt sẽ giúp cho người làm tìm kiếm được sự chuyên nghiệp và học hỏi trong môi trường làm việc. Dù đó không phải là công việc theo chuyên ngành nhưng khi được tạo điều kiện, bạn hoàn toàn có thể tiến xa hơn hoặc sau này rời khỏi chỗ làm cũ vẫn có thể áp dụng những kinh nghiệm, bài học từ người chủ đó cho con đường phát triển của bản thân", chị Mỹ khẳng định.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.