Cách gì để không bị áp lực và cân bằng được cuộc sống?

15/10/2022 15:58 GMT+7

Đối diện với quá nhiều áp lực, nhiều bạn trẻ cho rằng việc luôn “đắm chìm” trong sự bận rộn là cách để các bạn bớt lo lắng, quên đi áp lực. Nhưng liệu đây có phải là giải pháp tốt ?

Nhiều bạn trẻ khi áp lực lại chọn cách "đắm chìm" vào công việc để bớt lo lắng và quên đi áp lực

MAI THỤY

Phải biết sắp xếp, quản lý thời gian hiệu quả

Những triệu chứng suy kiệt thể chất như: đau nửa đầu, đau lưng, đau dạ dày cùng với việc liên tục bị căng thẳng, mệt mỏi, buồn rầu là những biểu hiện của Nguyễn Thị Hoài An, sinh viên năm 4 Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM. An đã từng rơi vào trạng thái quá tải công việc trong 2 năm. Khi đó, cô vừa đi học vừa đi làm công việc theo đơn đặt hàng.

“Lúc bấy giờ, lượng công việc dồn dập cùng với áp lực cao. Không chỉ vậy, đặc thù công việc là không có thời gian làm việc cụ thể và các sự kiện đều có thể đột ngột diễn ra bất cứ lúc nào. Vì vậy, có những ngày mình làm việc gần như từ khi mở mắt cho đến lúc mệt nhoài thiếp ngủ”, Hoài An tâm sự.

Điều hối hận nhất đối với Hoài An là đã đánh mất những thời gian quý báu bên ba mẹ.

NVCC

Bên cạnh đó, An còn cho rằng một phần vì bản thân không biết sắp xếp, quản lý thời gian hiệu quả cũng như không biết điểm dừng khi nhận thêm việc. Hậu quả là để nhiều công việc tốn thời gian lãng phí hoặc nhận nhiều công việc thù lao không xứng đáng với công sức đã bỏ ra.

Tương tự, Dương Tuyết Nhi, sinh viên của Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, cũng đã từng bị mất ngủ kéo dài, thiếu máu và căng thẳng khi cùng lúc xử lý khối lượng bài tập lớn ở trường, tham gia hoạt động ngoại khóa suốt 4 tháng của năm cuối đại học và còn làm thêm bên ngoài. Thể chất suy yếu, tinh thần, tâm lý cũng thay đổi nhiều. Điều này đã ảnh hưởng đến các mối quan hệ xã hội, Tuyết Nhi dần ít chia sẻ cảm xúc với các bạn và không còn chủ động liên lạc với bạn bè, họ hàng thường xuyên.

Tuy nhiên, Tuyết Nhi cho biết mình may mắn khi có bà và mẹ đều làm trong lĩnh vực y tế. Họ đặc biệt quan tâm đến sức khỏe tinh thần. Do đó khi phát hiện những biểu hiện bất thường, bà đã chủ động dẫn mình đến bệnh viện để được bác sĩ tư vấn kịp thời.

“Ngoài ra, gia đình và bạn bè còn chủ động giới thiệu mình tham gia các hoạt động ngoại khoá và thảo luận với nhà trường xin một khoảng thời gian nghỉ phù hợp để mình được hồi phục cả thể chất lẫn tinh thần”, Tuyết Nhi chia sẻ.

Ưu tiên cho những công việc mang tính ràng buộc trước

Trải qua nhiều hệ lụy của việc mất cân bằng cuộc sống, Hoài An và Tuyết Nhi dần biết quản lý, sắp xếp công việc hiệu quả và học cách buông bỏ. Cả hai đều đồng ý rằng hiện tại bản thân đã cân bằng được 80% cuộc sống. Nhưng mỗi cô gái đều có một phương pháp và những quy tắc khác biệt.

Mang tâm lý muốn làm hài lòng cả bản thân và gia đình nên Tuyết Nhi quyết định ôm đồm mọi thứ.

NVCC

Với một công việc toàn thời gian, một công việc bán thời gian, hai hoạt động ngoại khoá và một dự án nghiên cứu văn hoá chuẩn bị cho bậc học thạc sĩ, Tuyết Nhi chia sẻ: “Quản lý thời gian theo tính chất công việc. Những việc yêu cầu sự ràng buộc cao, cần phải thường xuyên có mặt sẽ được ưu tiên trước. Sau đó là các công việc có thể thu xếp hoàn thành trong thời gian gần, và cuối cùng là những công việc mà hạn chót xa. Việc gì giải quyết trong 30 phút trở lại cần tranh thủ làm”.

Đồng thời, Tuyết Nhi còn học cách buông bỏ những việc khiến cô xao nhãng mục tiêu. “Nhờ chỉ tập trung vào vài điều quan trọng mà mình có đủ thời gian để du lịch, học thêm ngoại ngữ, được cộng tác với một tổ chức phi Chính phủ mà mình yêu thích”, Nhi nói.

Về phần Hoài An, cô trang bị cho mình một thời gian biểu cố định và sắp xếp công việc theo thứ tự ưu tiên. Bên cạnh đó, An cho rằng không nên làm hai việc cùng lúc bởi khi xen kẽ sẽ giảm độ tập trung và dễ dẫn đến sai lầm. Ngoài ra, cô còn đặt thời gian cụ thể cho mỗi công việc. Nếu công việc quá thời gian quy định thì sẽ điều chỉnh lại thời gian biểu.

Phạm Kim Anh (21 tuổi, ngụ tại TP.Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận) hiện đang làm 4 công việc cùng lúc: gia sư tiếng Anh, cộng tác truyền thông công ty bất động sản, hỗ trợ hình ảnh họa sĩ và thực tập marketing về thể thao nước, huấn luyện các kỹ năng biển.

Kim Anh cho rằng quản lý công việc là yếu tố tiên quyết vì nó ảnh hưởng đến chất lượng sống

NVCC

Theo Kim Anh, trong việc quản lý thời gian, trải nghiệm cá nhân là quan trọng nhất. “Mỗi khi lập thời gian biểu, mình luôn cân nhắc thay đổi linh hoạt cách tổ chức bảng thời gian biểu sau mỗi tháng, quý thay vì hoạt động dựa trên kế hoạch cố định cả năm. Bởi, việc quan sát và cải thiện dựa trên trải nghiệm sẽ giúp thời gian biểu ngày càng hoàn thiện theo cảm nhận cá nhân mỗi người”, Kim Anh chia sẻ kinh nghiệm từ bản thân.

Cách để giải tỏa áp lực và cân bằng được cuộc sống

Nhìn nhận về thực tế này, thạc sĩ tâm lý Đặng Hoàng An, nguyên giảng viên tâm lý Trường ĐH Sư phạm TPHCM, chia sẻ: “Một khi đã rơi vào tình trạng mất cân bằng, không chỉ suy kiệt thể chất mà quan trọng hơn là vấn đề về tinh thần. Lúc ấy, hệ thần kinh ở trong trạng thái căng thẳng và khiến tinh thần trở nên lo âu, sợ hãi. Khi tâm lý chịu ảnh hưởng tiêu cực thì chỉ cần một tác động nhỏ từ bên ngoài sẽ đẩy chúng ta rơi vào tình trạng hụt hẫng về mặt tâm lý. Nếu không thể vượt qua, chúng sẽ để lại những thương tổn trong sức khỏe tâm lý và dễ hình thành cảm giác chán nản, bất mãn. Thậm chí, nhiều bạn trẻ sẽ thu mình vào trong và nặng hơn là dẫn đến trầm cảm hoặc rối loạn tâm lý”.

Thạc sĩ tâm lý Đặng Hoàng An

NVCC

Chia sẻ về giải pháp giúp giới trẻ giải tỏa áp lực và cân bằng cuộc sống, thạc sĩ Đặng Hoàng An cho biết trước tiên chúng ta nên tìm ra nguyên nhân nào dẫn đến áp lực đó. Khi tìm ra được nguồn cội của vấn đề, ta sẽ có những cách trị liệu phù hợp và giải quyết được căng thẳng tận gốc. Điều thứ hai là chúng ta nên thường xuyên tâm sự, chia sẻ những áp lực cùng người thân, bạn bè. Nhờ đó, ta mới tìm thấy được sự tin tưởng, vững chãi và quan trọng nhất sự an yên và cân bằng.

Bên cạnh đó, anh Hoàng An khuyên bạn trẻ có thể tìm đến bộ môn thể thao lành mạnh và các hoạt động ngoại khóa để bản thân trải nghiệm thêm những điều mới lạ. Khi vận động, chúng ta mới có thể đẩy được những áp lực ấy ra bên ngoài và giúp bản thân thoải mái hơn. Nếu tình trạng diễn ra nặng hơn, các bạn trẻ nên tìm đến những chuyên gia tâm lý để thăm khám và thực hiện những phương pháp, liệu trình trị liệu để cải thiện tình trạng căng thẳng, áp lực vì quá tải công việc.

Đồng thời, để giải tỏa áp lực và cân bằng được cuộc sống, anh Hoàng An nhắn gửi thêm: “Ở giới trẻ, mất cân bằng cuộc sống nhiều phần cũng đến từ việc áp lực đồng trang lứa. Vậy nếu muốn cải thiện, mỗi bạn trẻ nên điều chỉnh góc nhìn của mình. Thay vì tự áp lực bản thân trước những thành công của người khác, chúng ta nên xem đó là động lực. Khi nhìn về khía cạnh tiêu cực, vô hình trung, chúng ta tự mang vào những lo toan và ảnh hưởng đến cuộc sống dẫn đến việc tạo ra căng thẳng cho chính mình và ảnh hưởng đến chất lượng sống của chính bản thân”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.