Sáng 5.7, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng ban chỉ đạo Quốc gia Phòng chống dịch Covid-19 đã họp trực tuyến với lãnh đạo TP.HCM về công tác phòng chống dịch, sau khi số ca nhiễm đã vượt mốc 6.000.
Lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM cho biết từ ngày 26.4 đến hết ngày 4.7, có 6.470 ca bệnh được ghi nhận tại 306/312 phường xã thị trấn; trong đó 52% số ca bệnh phát hiện trong các khu cách ly, 25% phát hiện trong các khu phong tỏa, 23% phát hiện tại cộng đồng (bao gồm 12% phát hiện qua sàng lọc tại bệnh viện).
Từ 6 giờ ngày 4.7 đến 6 giờ ngày 5.7, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HMC ghi nhận 711 trường hợp dương tính SARS-CoV-2.
Tham dự tại điểm cầu TP.HCM, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên cho biết công điện 973 ngày 30.6.2021 của Bộ Y tế về việc tăng cường phòng chống lây nhiễm của virus SARS-CoV-2 cho người điều khiển, người đi trên phương tiện vận chuyển hàng hóa, hành khách liên tỉnh đã tương đối cụ thể.
Trong đó, công điện này yêu cầu người điều khiển phương tiện vận chuyển đến, đi ra từ khu vực phong tỏa, ổ dịch thực hiện xét nghiệm bằng PCR hoặc test nhanh kháng nguyên 2 lần vào thời điểm trước khi đi và khi quay về.
|
Bí thư Nguyễn Văn Nên cho rằng cần hướng dẫn rõ hơn về khâu xét nghiệm để không làm khó người dân và cơ quan thực hiện.
“Muốn làm việc này phải đồng bộ, tức là cấp giấy xét nghiệm bằng PCR hoặc test nhanh kháng nguyên để người ta làm giấy thông hành, dùng để đi lại. Tôi đề nghị cần thông báo rộng rãi cho người dân các tỉnh”, ông Nên nói và đề nghị Bộ Y tế phối hợp với Bộ GTVT chỉ đạo các tỉnh thành để kiểm soát người qua lại các tỉnh trong đợt dịch cũng như phương tiện vận tải hàng hóa.
Đề nghị này của Bí thư Nguyễn Văn Nên đưa ra trước tình trạng không thống nhất giữa các địa phương trong việc yêu cầu giấy xét nghiệm âm tính đối với người về từ vùng dịch. Một số địa phương yêu cầu xét nghiệm trong vòng 7 ngày, nhưng cũng có địa phương yêu cầu trong vòng 3 ngày.
Hơn nữa, việc giao thương hàng hóa giữa TP.HCM khá rộng, không chỉ với các tỉnh lân cận mà còn cả các tỉnh phía Bắc với khoảng cách hàng ngàn km, thời gian đi lại có khi phải mất 1 - 2 ngày. Nếu không linh hoạt, giấy xét nghiệm của tài xế sẽ hết hạn khi đến địa phương có yêu cầu.
Đảm bảo hàng hóa lưu thông
Kết luận buổi làm việc, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết TP.HCM có số lượng dân đông nên việc phân quyền đến các quận, huyện để nâng cao sự chủ động là cần thiết. Tuy nhiên, do năng lực các quận huyện không đồng đều nhau nên TP.HCM và Bộ Y tế sẽ hướng dẫn trực tiếp đến từng địa bàn.
Ông Đam cho biết TP.HCM đang giãn cách theo Chỉ thị 10 (của TP) trên toàn thành phố và theo Chỉ thị 16 (của Chính phủ) đối với một số khu vực bên trong.
Phó thủ tướng nhấn mạnh TP.HCM không đặt vấn đề đóng băng hay phong tỏa nhưng sẽ kiểm soát chặt chẽ người ra vào thành phố, và hàng hóa vẫn lưu thông, không bị ách tắc.
|
TP.HCM cần khuyến nghị những người có việc cần thiết ra vào thành phố thì phải xét nghiệm, đồng thời chuẩn bị triển khai hệ thống kiểm soát sao cho người được xét nghiệm trước khi đến thành phố hoặc từ thành phố ra chỉ cần quét mã QR code ở các điểm kiểm soát.
“Nếu có quy định gì mới liên quan đến giao thông, đi lại của người dân thì thông báo trước ít nhất 24 giờ”, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị; đồng thời giao TP.HCM bàn bạc với các địa phương và các cơ quan trung ương thống nhất hướng xử lý.
Sắp tới, những người xét nghiệm sẽ được cấp giấy chứng nhận bằng mã QR code để phục vụ những nơi yêu cầu. Tuy nhiên, ông Đam khuyến cáo người dân có giấy xác nhận xét nghiệm âm tính không phải đã tuyệt đối an toàn mà vẫn phải tiếp tục cảnh giác. Đối với kỳ thi tốt nghiệp THPT, TP.HCM đang chỉ đạo các đơn vị liên quan chuẩn bị chu đáo.
Bình luận (0)