Vụ điện rò rỉ giật chết 1 học sinh: Không thể chối bỏ trách nhiệm!

04/09/2009 23:32 GMT+7

Dù ngành chiếu sáng TP.HCM cho rằng cái chết của học sinh Cồ Quốc Duy là do nguyên nhân khách quan, nhưng phân tích của các luật sư và chuyên gia khẳng định trong vụ việc thương tâm này có nguyên nhân chủ quan từ sự tắc trách của đơn vị quản lý.

> Lại điện giật chết người 
> Vụ điện giật chết người: Đổ lỗi cho... trời (!)
> 
Đường ngập, một học sinh bị điện rò rỉ giật chết 

> Hiểm họa chết người từ điện 
>
Người dân đành "tự lo"!   

Quá nhiều nguy cơ trong quản lý và vận hành lưới điện hiện nay - Ảnh: P.Thanh

Chịu trách nhiệm dân sự lẫn hình sự

Luật sư Cồ Lê Huy - Giám đốc Công ty luật TNHH Đại Việt (chú của Duy) - cho biết, trong hôm nay 5.9, gia đình sẽ gửi toàn bộ hồ sơ liên quan đến vụ việc lên TAND Q.5 để khởi kiện Công ty chiếu sáng công cộng TP.HCM. Ông Huy nói: "Chúng tôi muốn làm rõ trách nhiệm hình sự và quyết tâm theo đuổi vụ này đến cùng. Đây không phải là cái chết đầu tiên do sự tắc trách của các cơ quan chức năng. Trước đó đã có một vụ chết người vì điện và rất nhiều vụ trẻ em chết vì lọt hố ga, "lô cốt". Nếu chúng ta không làm tới nơi tới chốn thì lại tiếp tục có những cái chết oan uổng thế này".

Theo ông Huy, sẽ khởi kiện về tội "thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" đối với lãnh đạo Công ty chiếu sáng công cộng và tội "vô ý gây chết người do thực hiện không đúng quy tắc nghề nghiệp" đối với công nhân trực tiếp thực hiện, kiểm tra việc đấu nối hệ thống điện tại trụ chiếu sáng gây ra cái chết của Duy.

“Đây không phải là cái chết đầu tiên do sự tắc trách của các cơ quan chức năng. Trước đó đã có một vụ chết người vì điện và rất nhiều vụ trẻ em chết vì lọt hố ga, "lô cốt". Nếu chúng ta không làm tới nơi tới chốn thì lại tiếp tục có những cái chết oan uổng thế này”.

Luật sư Cồ Lê Huy

Trao đổi với Thanh Niên, một cán bộ Phòng Quản lý điện năng Sở Công thương TP.HCM cho rằng việc Công ty chiếu sáng công cộng đổ lỗi do trời mưa nên các mối nối điện bị nước xâm nhập gây rò rỉ là không thể chấp nhận. Bởi theo quy định, việc đấu nối dây điện phải đảm bảo an toàn tuyệt đối, chứ không có chuyện cứ mưa là rò rỉ điện, nếu vậy thì hiểm họa cho người dân TP.HCM khi lưu thông trên đường là cực kỳ lớn. Bên cạnh đó, sau vụ tai nạn, khi các cơ quan chức năng tiến hành thử điện thì thấy trong vòng bán kính 1m xung quanh trụ đèn 86 có phóng điện, trong khi nước đã rút hết. Hay mới đây nhất, tối 3.9, trụ đèn số hiệu NTAM 308/34 tại góc Trần Hưng Đạo - Nhiêu Tâm (Q.5) cũng bị rò rỉ điện. Như vậy, ngành chiếu sáng không thể đổ lỗi cho trời mưa, mà nguyên nhân tai nạn tiềm ẩn chính là sự thiếu an toàn của hệ thống chiếu sáng.

Luật sư Trương Xuân Tám - ủy viên Hội đồng luật sư toàn quốc - phân tích, đèn chiếu sáng công cộng được xem là hệ thống tải điện và như vậy, nằm trong danh mục nguồn nguy hiểm cao độ. Theo khoản 2 và 3, điều 623, Bộ luật Dân sự, chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra, kể cả khi không có lỗi, trừ trường hợp bất khả kháng hoặc do người bị hại cố ý gây thiệt hại cho mình. Như vậy, ở vụ tai nạn này, trách nhiệm bồi thường thiệt hại là rõ ràng, chứ không chỉ “hỗ trợ” theo kiểu từ thiện. Ngoài ra, do ở đây xảy ra hậu quả nghiêm trọng là chết người nên cần phải xem xét trách nhiệm hình sự của những người có trách nhiệm quản lý, duy tu, sửa chữa hệ thống tải điện này. Nếu có căn cứ cho thấy họ tắc trách, vi phạm quy tắc nghề nghiệp, chuyên môn, không kiểm tra định kỳ để sớm phát hiện sự rò rỉ điện, hay vi phạm quy tắc thiết kế, thi công dẫn đến mất an toàn chết người, thì khởi tố hình sự về tội danh “vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính", theo điều 99 Bộ luật Hình sự.

“Lỗ hổng" chết người từ lưới điện

Dù theo quy định, lưới điện, trụ điện, trụ đèn là những nguồn nguy hiểm cao độ, nhưng theo một chuyên gia ngành điện, hiện nay các hệ thống này thiếu trầm trọng thiết bị bảo vệ an toàn cho người dân. Cụ thể, chỉ có lưới điện cao áp là có hệ thống rờ-le hoặc CB đủ nhạy để có thể ngắt điện nhanh khi xảy ra sự cố. Tuy nhiên, trên thực tế rờ-le hoặc CB của lưới điện cao áp cũng chỉ nhảy khi dây điện bị đứt và chạm hẳn xuống đất, khi đó mới có phản hồi về nguồn để bật CB, còn với trường hợp dây đứt lơ lửng trên không thì coi như... thua, khi đó dây điện này có thể giật chết bất kỳ ai xui xẻo chạm vào.

Còn hệ thống lưới điện trung thế, hạ thế và chiếu sáng hiện nay đều chỉ sử dụng loại CB chống cháy nổ bảo vệ cho hệ thống, chứ không trang bị CB chống rò rỉ, chống điện giật cho người dân mỗi khi xảy ra sự cố, trong khi các nguồn điện này đều thừa sức giật chết người. Chuyên gia này cho rằng có thể do loại CB chống rò này có chi phí khá cao, tuy nhiên trong điều kiện thiếu an toàn của mạng lưới điện và chiếu sáng như hiện nay, nhất là với tình trạng mưa gió, ngập nước thường xuyên, thì các cơ quan quản lý điện, chiếu sáng nên đề xuất sử dụng CB dòng rò cho một số khu vực có lưới điện cũ, dễ xảy ra rò rỉ, thường xuyên ngập nước...

Phương Thanh

Tôi có ý kiến

* Nếu ông trời có xuống trần chắc cũng phải làm Từ Hải (chết đứng) khi nghe cơ quan chức năng nói chuyện như thế này. Trách nhiệm của ngành điện lực - chiếu sáng để đâu mà bảo người dân phải tự lo, đồng nghĩa với việc lo không được thì chết ráng chịu sao?

Tina (nhocheo_t...@yahoo.com.vn)

* Đổ lỗi cho trời và bảo người dân hãy tự cứu mình, đó là những câu trả lời vô trách nhiệm. Nếu con cái, người thân của các vị gặp nạn, các vị có còn nói được như thế không?

Bim (iamnofe...@gmail.com)

* Ổ điện bị ngập nước, chẳng lẽ không biết nâng cao lên à? Cột đèn điện là một nét văn hóa đô thị, sao lại bảo người dân tránh xa? Tại sao không cảnh báo người dân trước là cột điện không thể ngắt điện?

Phong (vhphong_...@yahoo.com.vn)

* Tôi rất bất bình với cách trả lời thiếu trách nhiệm của vị Giám đốc Công ty chiếu sáng công cộng TP.HCM. Người dân đang phải gánh chịu hậu quả do sự vô tâm và thiếu trách nhiệm của các vị.

Nguyễn Long (quoclong...@yahoo.com)

* Thật là không có nỗi đau nào hơn thế được, tôi thành thật chia buồn cùng gia đình em Duy. Qua sự kiện này tôi nghĩ lãnh đạo TP.HCM cần phải xem xét lại trách nhiệm này thuộc về ai, và kỷ luật ngay lãnh đạo của những đơn vị liên quan. Sống ở một TP hiện đại mà sao lại để xảy ra những mất mát to lớn như thế? Hệ thống điện của một thành phố văn minh là như vậy sao?

Phan Thành Nhân (anhsgq...@yahoo.com.vn)

* Nếu quan sát các cột đèn đường bằng kim loại, ta sẽ thấy gần dưới chân cột, cách mặt đường khoảng 3 - 4 tấc là những nắp đậy hình chữ nhật, bên trong đấu nối hệ thống cung cấp điện chiếu sáng. Nếu trời mưa, nước ngập tới vị trí nắp hộp và nhằm lúc trời tối, đèn đường đã đỏ ngọn thì chắc chắn bất cứ ai lại gần đều bị điện giật như trường hợp vừa mới xảy ra. Đường ở TP.HCM mỗi lần mưa là ngập đã bao năm nay, vậy mà không hiểu tại sao những vị trí nắp điện, nơi có đấu nối hở, lại được đặt quá thấp?

Nguyễn Hoàng Long (hoanglong...@yahoo.com.vn)

* Xin chúc mừng Công ty chiếu sáng công cộng TP.HCM vì đã tìm ra nguyên nhân do "nước chảy vào cả hộp điện của trụ đèn". Vậy lỗi là của "ông” thoát nước chứ không phải của Công ty chiếu sáng công cộng. Chúng ta có một căn bệnh muôn kiếp là đổ lỗi cho nhau mà không chịu nhìn nhận yếu kém của mình...

Nguyễn Hữu Duy (duynguyen...@yahoo.com)

* Theo tôi, nguyên nhân chính dẫn đến cái chết của em Duy là do trụ điện không được tiếp đất đúng kỹ thuật hoặc không được bảo dưỡng kiểm tra tiếp đất đúng kỹ thuật an toàn điện. Đã là người có chuyên môn về điện hẳn phải biết rằng dù chỉ bảo vệ bằng CB quá tải, nếu tiếp đất tốt thì khi rò điện ra cột sẽ gây quá tải ngay làm CB tự cúp. Trong sản xuất công nghiệp, các máy móc thiết bị đều phải nối đất chống rò điện, ngay các thiết bị dân dụng hiện đại cũng có dây nối đất (chấu cắm 3 chân).

Huỳnh Chí Dũng (dunghuynh...@yahoo.com)

* Để xác định trách nhiệm, cần có một cơ quan hoặc một tổ chức độc lập thực hiện việc thẩm tra. Công ty chiếu sáng không được quyền tự kết luận mình không có lỗi. Theo xu hướng chung, người có trách nhiệm khi có sự cố luôn đổ lỗi cho người khác hoặc cho khách quan để tránh trách nhiệm... Lãnh đạo TP.HCM cần can thiệp để lấy lại công bằng cho đứa bé xấu số ấy. Hãy nghĩ, nếu em Duy là con em mình...

Nguyễn Ngọc Sơn (nguyenngocson...@yahoo.com)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.