Tờ The Wall Street Journal ngày 31.3 đưa tin chính quyền Mỹ cực lực lên án việc Nga bắt giữ phóng viên Evan Gershkovich (31 tuổi) của báo này với cáo buộc gián điệp. Đây là lần đầu tiên một nhà báo Mỹ bị bắt giữ vì những cáo buộc gián điệp như thế kể từ Chiến tranh lạnh. Vụ bắt giữ nhà báo Gershkovich là diễn biến căng thẳng ngoại giao mới nhất giữa Moscow và Washington, trong bối cảnh 2 bên còn mâu thuẫn về vấn đề Ukraine.
Phóng viên Mỹ bị Nga bắt không thừa nhận làm gián điệp; Washington cảnh báo công dân
Trước đó, Tổng cục An ninh Liên bang Nga (FSB) ngày 30.3 cho biết phóng viên Gershkovich tại văn phòng Moscow của tờ báo Mỹ bị bắt giữ tại thành phố Yekaterinburg (Nga) về cáo buộc hoạt động gián điệp. Trong thông cáo được Hãng tin Interfax trích dẫn, FSB cho biết họ đã "chấm dứt các hoạt động phi pháp" của công dân Mỹ Gershkovich. Theo đó, nhà báo này được "phía Mỹ" giao nhiệm vụ thu thập thông tin về "các hoạt động của một trong những doanh nghiệp quốc phòng - quân sự", dù FSB chưa đưa ra bằng chứng.
Tờ The Wall Street Journal cực lực bác bỏ cáo buộc trên. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken bày tỏ quan ngại sâu sắc và lên án mạnh mẽ nhất hành động "hăm dọa, đàn áp và trừng phạt nhà báo" của Nga. Ông kêu gọi bất cứ công dân Mỹ nào còn ở Nga nên rời khỏi ngay lập tức. Nhà Trắng ra thông báo cho biết Bộ Ngoại giao Mỹ đang liên lạc trực tiếp với chính quyền Nga về vụ việc. Cựu Phó tổng thống Mỹ Mike Pence kêu gọi chính phủ trục xuất các nhà ngoại giao Nga.
Trong khi đó, Hãng TASS cho biết vụ việc là tối mật, nhưng dẫn các nguồn tin ẩn danh tiết lộ rằng ông Gershkovich bác bỏ mọi cáo buộc. Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov khẳng định "những người tiến hành hoạt động báo chí bình thường, tất nhiên nếu giấy phép còn hiệu lực, sẽ tiếp tục làm việc" tại Nga.
Xem nhanh: Ngày 400 chiến dịch, Ukraine hé lộ thời điểm phản công, chiêu mộ phi công phương Tây
Trong một diễn biến khác liên quan căng thẳng Washington - Moscow, Đại sứ Mỹ tại LHQ Linda Thomas-Greenfield cho rằng Nga "không nên" làm thành viên thường trực HĐBA, nhưng Hiến chương LHQ không cho phép thay đổi. Theo AFP, dự kiến Nga sẽ giữ chức chủ tịch luân phiên của HĐBA trong tháng 4. Trước nhiều diễn biến căng thẳng trong thời gian gần đây, TASS dẫn lời Thủ tướng Hungary Viktor Orban cảnh báo về nguy cơ "Thế chiến 3" do mâu thuẫn giữa Nga và phương Tây.
Liên quan tình hình Ukraine, trang Kyiv Independent ngày 31.3 đưa tin quân đội Ukraine bắn rơi 9 trong số 10 máy bay không người lái và đẩy lùi hơn 80 cuộc tấn công của Nga, chủ yếu nhắm vào các khu vực Lyman, Bakhmut, Avdiivka và Marinka ở Donetsk, bên cạnh các cuộc tấn công tại các tỉnh Kherson, Dnipropetrovsk, Kharkiv, Chernihiv, Sumy, Zaporizhzhia, Mykolaiv và Luhansk. Nga chưa bình luận về thông tin trên.
Thổ Nhĩ Kỳ chấp thuận đơn xin vào NATO của Phần Lan, Thụy Điển phải chờ
Liên quan việc Nga định tuyển thêm 147.000 binh sĩ từ ngày 1 - 15.4, quân đội Nga cho biết đây là đợt tuyển quân định kỳ và chưa có kế hoạch động viên đợt 2, vì những binh sĩ và lực lượng tình nguyện đã đủ đáp ứng nhiệm vụ của chiến dịch quân sự, theo TASS.
Thổ Nhĩ Kỳ thông qua việc Phần Lan gia nhập NATO
Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ ngày 30.3 thông qua việc Phần Lan gia nhập NATO, mở đường cho quốc gia Bắc Âu gia nhập liên minh quân sự giữa căng thẳng liên quan chiến sự Ukraine, theo AFP. Phần Lan có đường biên giới dài khoảng 1.300 km với Nga.
Thổ Nhĩ Kỳ là nước sau cùng trong 30 thành viên NATO thông qua và chỉ còn vài thủ tục về mặt kỹ thuật dự kiến hoàn tất ngay trong tuần tới, trước khi Phần Lan là thành viên thứ 31. Thổ Nhĩ Kỳ vẫn chưa thông qua việc Thụy Điển gia nhập NATO do cho rằng nước này thiếu những hành động đối phó các nhóm mà Ankara coi là khủng bố.
Bình luận (0)