Ông Aleksey Karpov, phó đại diện thường trực Nga tại các tổ chức quốc tế ở Vienna (Áo) ngày 26.8 cho biết vụ nổ gần thành phố Severodvinsk hôm 8.8 không liên quan đến việc thử nghiệm hạt nhân.
“Tai nạn hạt nhân đã xảy ra không liên quan đến việc thử hạt nhân và không nằm trong phạm vi của Hiệp ước cấm thử hạt nhân toàn diện (CTBT)”, đài RT dẫn lời ông Karpov nói. CTBT là hiệp ước đa phương cấm mọi hình thức thử hạt nhân, cả cho mục đích quân sự lẫn dân sự, được Liên Hiệp Quốc thông qua vào năm 1996.
Vị quan chức Nga nói thêm rằng vụ nổ liên quan đến việc thử nghiệm vũ khí nhằm đáp trả việc Mỹ hồi năm 2002 đơn phương rút khỏi Hiệp ước chống tên lửa đạn đạo (ABMT), được nước này và Liên Xô ký kết vào năm 1972.
ABMT giới hạn số lượng hệ thống chống tên lửa đạn đạo của mỗi nước xuống con số 2. Mỗi hệ thống chỉ được sử dụng tối đa 100 tên lửa chống tên lửa đạn đạo.
ABMT có thời hạn 30 năm và vào tháng 6.2002, Mỹ chính thức rút khỏi hiệp ước, sau đó nước này bắt đầu thành lập Cơ quan Phòng thủ tên lửa để phát triển các hệ thống bảo vệ nước Mỹ trước mối đe dọa hạt nhân.
Ông Karpov không nói rõ thông tin về loại vũ khí được thử nghiệm nhưng Cơ quan Hạt nhân Nga (Rosatim) xác nhận sự cố xảy ra khi các chuyên gia đang thử nghiệm “nguồn năng lượng hạt nhân của một tên lửa”. Ít nhất 5 nhà khoa học thiệt mạng trong vụ việc.
Trong khi đó, giới chuyên gia Mỹ cho rằng vụ việc có liên quan đến tên lửa hành trình sử dụng nhiên liệu hạt nhân 9M730 Burevestnik, được NATO gọi là SSC-X-9 Skyfall.
Cơ quan môi trường và khí tượng Nga (Rosgidromet) ngày 26.8 thông báo đã phát hiện các đồng vị phóng xạ strontium, barium và lanthanum trong các mẫu thử tại khu vực thành phố Severodvinsk sau vụ nổ. Các đồng vị này được cho là có chu kỳ phân rã từ một vài giờ cho đến 12 ngày, theo AFP.
Tuy nhiên, giới chức Nga trước đó cho biết hàm lượng phóng xạ trong không khí tại khu vực tăng vọt trong thời gian ngắn sau vụ nổ và nhanh chóng quay lại mức bình thường.
Bình luận (0)