Nga sẽ sử dụng UAV Iran thế nào?

12/08/2022 10:54 GMT+7

Giữa tháng 7.2022, Nhà Trắng cho rằng Nga sẽ sớm nhận được hàng trăm UAV vũ trang từ Iran . Dù thông tin này đã bị Nga và Iran bác bỏ, giới phân tích vẫn đặt ra câu hỏi rằng nếu là thật thì liệu Moscow sẽ sử dụng số UAV từ Iran thế nào trong xung đột ở Ukraine.

Forbes dẫn lời nhà nghiên cứu Samuel Bendett tại Trung tâm Phân tích hải quân (Mỹ) suy đoán phần lớn số UAV này có thể là vũ khí cảm tử.

Theo ông, vũ khí cảm tử sẽ là một phần của thỏa thuận giữa Nga và Iran vì Nga đã rút ra bài học sau xung đột Nagorno-Karabakh giữa ArmeniaAzerbaijan hồi năm 2020. Trong xung đột này, người Azerbaijan đã sử dụng UAV Harop của Israel để phá hủy các hệ thống tên lửa phòng không S-300 của Armenia, tương tự loại mà Ukraine đang sử dụng chống máy bay Nga hiện nay.

Theo ông Bendett, Iran đã học hỏi công nghệ UAV trong 20 năm qua và phát triển UAV của riêng nước này từ những công nghệ tự phát triển hoặc mổ xẻ từ công nghệ của Mỹ và Israel khi có cơ hội. Như vậy, cho dù UAV cảm tử của Iran không trùng khớp chính xác thông số kỹ thuật như Harop, chúng cũng có tính năng tương hợp.

Bị Mỹ cáo buộc sắp cung cấp UAV cho Nga, Iran nói gì?

Phó giáo sư James Rogers nghiên cứu về chiến tranh tại Đại học phương Nam Đan Mạch nhận xét các UAV cảm tử của Iran như Ra’ad 85 có tầm bay và thời gian duy trì hoạt động liên tục thấp hơn so với UAV Harop của Israel.

Tuy nhiên, UAV cảm tử của Iran được cho là đã hoạt động trong môi trường tác chiến điện tử và có năng lực tấn công các mục tiêu cố định và di động lớn hơn.

Ngoài ra, ông Rogers nhận định Iran còn sở hữu UAV dày dạn kinh nghiệm chiến đấu Ababil III. Loại vũ khí này “từng được sử dụng cho năng lực tìm diệt với loại đạn nổ trong không khí lúc gần mục tiêu, nhắm đến những quân nhân cao cấp”.

Dù vậy, vị chuyên gia này cho rằng sẽ khó để Nga sử dụng UAV Iran và lặp lại thành công như người Azerbaijan dùng Harop để chống lại S-300 của Armenia.

Ông Rogers giải thích: “Harop có tầm liên lạc và phạm vi tìm diệt mở rộng, gấp đôi so với các hệ thống Ra’ad 85 và Ababil III của Iran, và được nhìn nhận rộng rãi là đáng tin cậy hơn”.

Tuy nhiên, ông cũng lưu ý rằng các UAV cảm tử của Iran được thiết kế để sử dụng thành “từng bầy” với số lượng lớn, gây áp đảo hệ thống phòng thủ của đối phương. Nếu được sử dụng theo cách này, các hệ thống của Iran có thể gây ảnh hưởng lớn hơn trên chiến trường.

Không chỉ hệ thống S-300, Nga còn đang nhắm mục tiêu vào các hệ thống rốc két và pháo tầm xa khác của Ukraine, đặc biệt là Hệ thống rốc két pháo binh cơ động cao (HIMARS) do Mỹ cung cấp.

Ông Rogers dự đoán nếu nhận được UAV từ Iran, Nga sẽ sử dụng theo cách tương tự các tổ chức phi nhà nước vẫn dùng tại Trung Đông.

Lực lượng Houthi từng sử dụng các UAV tìm diệt Qasef-1, Qasef-2K - cùng dòng với UAV Ababil-2 của Iran - để chống lại hệ thống phòng không của Ả Rập Xê Út.

Sử dụng tọa độ GPS từ các nguồn mở để xác định vị trí của các hệ thống tên lửa Patriot của Ả Rập Xê Út, UAV Qasef sẽ lao vào các radar của hệ thống. Lực lượng Houthi sau đó phóng một loạt tên lửa vào các mục tiêu của Ả Rập Xê Út.

Tương tự, ông Bendett cũng nhận định rằng Nga sẽ rút ra bài học từ thành công của Azerbaijan là sử dụng vũ khí tìm diệt và UAV vũ trang để tấn công các mục tiêu tĩnh và động của Ukraine.

Iran có thể đã giới thiệu những mẫu UAV tấn công nào cho Nga?
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.