Nga và Iran dự kiến sẽ ký thỏa thuận hợp tác toàn diện lâu dài trong thời gian tới |
ảnh chụp màn hình irna |
Trong bối cảnh cả Nga và Iran đang phải đối mặt với sự cô lập và các lệnh trừng phạt của phương Tây, họ đã tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực thương mại, quân sự và năng lượng nhằm đạt được các mục tiêu chiến lược của mình.
Theo số liệu công bố của Cơ quan Hải quan Nga, chỉ tính riêng từ tháng 01 - 10.2022, kim ngạch thương mại giữa hai nước đạt 4 tỉ USD (vượt xa kim ngạch của cả năm 2021), trong đó xuất khẩu của Nga sang Iran tăng 27%, trong khi nhập khẩu từ nước này tăng 10%.
Đại sứ Iran tại Nga Kazem Jalali cho biết, Nga và Iran dự kiến sẽ ký thỏa thuận hợp tác toàn diện lâu dài trong thời gian tới. Trước đó, Bộ trưởng Dầu mỏ Iran Javad Owji đã nói rằng, hai nước đang trải qua “thời kỳ hoàng kim” trong việc phát triển quan hệ song phương, đồng thời nhấn mạnh chính quyền hai nước quyết tâm tăng cường hợp tác trên mọi lĩnh vực.
Các chuyên gia của trang Oil Price đánh giá, việc Nga và Iran tăng cường hợp tác về năng lượng có thể tạo ra các tác động chi phối tới nguồn cung dầu và khí đốt trên thế giới nếu họ muốn, thậm chí có thể “gây rắc rối” cho một số quốc gia.
Mỹ tìm cách siết nguồn, chặn Iran gửi UAV cho Nga |
Nguyên nhân thúc đẩy hợp tác năng lượng
Hợp tác năng lượng với Moscow là điều vô cùng quan trọng với Tehran bởi họ cần phát triển các dự án đường ống dẫn khí đốt mới nhằm đưa các sản phẩm năng lượng của mình ra nước ngoài.
Một là, công suất đường ống dẫn khí đốt ra nước ngoài của Iran đang là vấn đề chính khiến lượng khí đốt xuất khẩu của họ không được cao. Hiện nay, các tuyến đường ống dẫn khí đốt từ Iran tới Thổ Nhĩ Kỳ và Iraq chỉ có thể vận chuyển được khối lượng nhỏ. Nếu so với Nga, lượng khí đốt xuất khẩu của Iran không đáng là bao. Theo số liệu thống kê năm 2021, xuất khẩu khí đốt của Iran là 17 tỉ m3, trong khi của Nga là 241 tỉ m3.
Hai là, hiện nay Iran vẫn chưa có hoạt động sản xuất khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG), do đó, họ cần hợp tác với Nga để có thể giúp phát triển cơ sở hạ tầng năng lượng toàn diện. Việc hai nước ký kết Biên bản ghi nhớ (MoU) trị giá 40 tỉ USD hồi tháng 7.2022 tạo đà để Tập đoàn Gazprom của Nga và Công ty Dầu mỏ quốc gia Iran (INOC) có thể thúc đẩy dự án phát triển cơ sở hạ tầng LNG của Iran.
Dự báo giá dầu thế giới năm 2023
Ba là, Iran có kinh nghiệm lâu năm trong việc đối phó với các lệnh trừng phạt của Mỹ và phương Tây. Đây là được coi là những “kinh nghiệm xương máu” có thể giúp Moscow giải quyết vấn đề, thậm chí là cả các biện pháp “lách” và vô hiệu hóa các lệnh trừng phạt. Hơn nữa, cả hai nước đều rất cần đối tác thương mại “cùng chung chiến tuyến” nhằm đảm bảo hoạt động ngoại thương bền vững.
Những nước nào "trúng đậm" từ dầu mỏ nhờ chiến sự Ukraine? |
Dư địa hợp tác năng lượng song phương
Các nhà phân tích đánh giá, bình luận Bộ trưởng Bộ Dầu mỏ Iran Javad Owji rằng, quan hệ giữa Tehran và Moscow đang trải qua “thời kỳ hoàng kim” là rất đáng chú ý, nhất là khi thông điệp này được các quan chức cấp cao của Nga lặp lại nhiều lần.
Mới đây, ngày 18.12.2022, Bộ Ngoại giao Iran tuyên bố, họ “không phải xin phép bất kỳ ai” để mở rộng quan hệ với Nga, đồng thời bác bỏ những lo ngại của Mỹ về mối quan hệ đối tác quân sự ngày càng phát triển giữa Tehran và Moscow.
Các nhà phân tích cho rằng, hợp tác trong lĩnh vực năng lượng giữa hai nước còn rất nhiều dư địa và một khi hai nước cùng “chí hướng” họ có thể tạo ra các tác động to lớn với nguồn cung dầu khí toàn cầu:
Một là, hai nước có trữ lượng dầu thô và khí đốt rất lớn: Trữ lượng dầu thô của Iran ước tính khoảng 157 tỉ thùng, gần 10% tổng trữ lượng của thế giới và 13% trữ lượng của OPEC. Trong khi đó, trữ lượng khí đốt của họ thậm chí còn lớn hơn, ước tính vào khoảng 1.193 nghìn tỉ feet khối (Tcf), chỉ đứng sau Nga (chiếm 17% trữ lượng của thế giới và hơn 1/3 trữ lượng của OPEC). Hơn nữa, trữ lượng dầu đã xác định của Nga vào khoảng 80 tỉ thùng và hiện họ là nhà sản xuất dầu thô hàng đầu thế giới trong nhiều năm với công suất tối thiểu 10,5 triệu thùng/ngày.
Hai là, hợp tác với Nga sẽ giúp Iran tăng sản lượng khai thác dầu và khí đốt: Sở dĩ công suất khai thác dầu thô tại các giếng dầu của Iran thấp là do tỉ lệ thu hồi dầu trong khai thác của họ thường chỉ ở mức 4-5%. Vấn đề không phải do tính chất khó khăn hay phức tạp của quy trình thu hồi dầu mà do công nghệ khai thác của Tehran lạc hậu.
Iran đã phục hồi dây chuyền sản xuất khí thiên nhiên hóa lỏng vào năm ngoái |
Ảnh chụp mành hình press tv |
Tác động của các lệnh trừng phạt khiến Iran không thể tiếp cận được công nghệ, thiết bị tiên tiến nhằm nâng cao tỉ lệ thu hồi dầu tại các giếng khai thác. Trong khi đó, hợp tác với Nga sẽ giúp Iran có thể tự do tiếp cận với công nghệ và thiết bị khai thác hiện đại, từ đó giúp tăng đáng kể tốc độ thu hồi dầu tại các giếng khai thác mà họ đã không thể làm được trong gần mấy chục năm qua.
Ba là, việc hợp tác trong lĩnh vực năng lượng giữa Nga và Iran đã có những bước chuẩn bị từ trước: (1)Trước thời điểm Mỹ rút khỏi Kế hoạch Hành động Toàn diện chung (JCPOA) vào năm 2018, Nga gần như đã hoàn tất tham gia, nắm quyền kiểm soát nhiều dự án thăm dò, khai thác dầu mỏ, khí đốt ở Iran thông qua một MoU 22 điểm ký kết giữa Thứ trưởng Bộ Dầu mỏ Iran Amir-Hossein Zamaninia và Thứ trưởng Bộ Năng lượng Nga Kirill Molodtsov tại thời điểm đó. Nổi bật trong số đó là thỏa thuận của GazpromNeft về nghiên cứu khả thi tại mỏ Changouleh và Cheshmeh-Khosh, thỏa thuận của Zarubezhneft tại các mỏ Paydar Gharb và Tatneft. (2) Ngay từ tháng 01.2022, trong khuôn khổ chuyến thăm Moscow của Tổng thống Iran Ebrahim Raisi và trước thời điểm nổ ra cuộc xung đột Nga - Ukraine, Moscow và Tehran đã ký thỏa thuận hợp tác với thời hạn 20 năm, trong đó có nhiều điều khoản về phát triển các mỏ dầu, khí đốt, xây dựng cơ sở lọc dầu và chuyển giao công nghệ. Việc hợp tác giữa hai nước càng được củng cố thêm qua chuyến thăm Tehran hồi tháng 7.2022 của Tổng thống Nga Vladimir Putin, trong đó một MoU về hợp tác giữa INOC của Iran và Gazprom của Nga trị giá 40 tỉ USD đã được ký kết. Theo đó, Gazprom sẽ giúp NIOC phát triển các mỏ khí đốt Kish và North Pars với mức đầu tư 10 tỉ USD; đồng thời hỗ trợ Tehran hoàn thành các dự án LNG và xây dựng các đường ống xuất khẩu khí đốt.
Ngoài ra, hai bên còn nhiều nội dung hợp tác trong việc vận chuyển khí đốt, mua bán hoán đổi xăng dầu, nghiên cứu về nguồn cung và quảng bá các sản phẩm xăng dầu, chế tạo thiết bị, chuyển giao công nghệ trong ngành lọc dầu.
Có thể thấy, việc tăng cường hợp tác giữa Nga và Iran nói chung và trong lĩnh vực năng lượng nói riêng được thúc đẩy từ việc cả hai nước đều đang phải hứng chịu các đòn trừng phạt cứng rắn của Mỹ và phương Tây. Nga cần đối tác thương mại, sự ủng hộ trong cuộc xung đột với Ukraine cũng như kinh nghiệm của Iran trong việc đối phó với các lệnh trừng phạt. Trong khi đó, Iran với các tính toán chiến lược đã sẵn sàng chấp nhận các rủi ro chính trị để thúc đẩy hợp tác với Nga. Sự hợp tác ngày càng chặt chẽ giữa Moscow và Tehran không chỉ giúp hai nước giảm thiểu tác động của các lệnh trừng phạt mà còn giúp họ có thể tạo áp lực lên nguồn cung dầu và khí đốt thế giới khi cần.
Bình luận (0)