Việc ông Vi Văn Thanh, Phó chủ tịch UBND xã Châu Phong (H.Quỳ Châu, Nghệ An), ban đầu được xác định là nghi phạm phá rừng, nhưng sau đó không bị truy cứu vì có 7 người dân và vợ ông Thanh tự nhận đã phá rừng, khiến nhiều bạn đọc Báo Thanh Niên ngạc nhiên.
Như Thanh Niên đã đưa tin, liên quan đến vụ án phá rừng ở xã Châu Phong, TAND H.Quỳ Châu đã tuyên phạt bị cáo Lê Văn Nhị (50 tuổi, ngụ xã Châu Phong) 18 tháng tù về tội hủy hoại rừng. Trước đó, cả ông Nhị và ông Vi Văn Thanh, Phó chủ tịch xã Châu Phong, đều là nghi phạm của vụ phá rừng. Trong hồ sơ của cơ quan chức năng, ông Nhị và ông Thanh đã ký vào biên bản thừa nhận hành vi phá rừng.
Thế nhưng, ông Thanh sau đó không bị truy cứu vì đến “phút 89”, vợ ông Thanh và 7 người dân khác đứng ra nhận hành vi phá rừng. Về biên bản đã ký trước đó, ông Thanh bảo ông chỉ “ký thay cho vợ”.
Nghe như đùa
Bạn đọc (BĐ) Hoàng Nhân Ái (Quảng Bình) bình luận: “Ký thay cho vợ, câu nói của một cán bộ xã mà như các cháu nhỏ nói lúc chơi đồ hàng. Lẽ nào trước lúc bị cơ quan chức năng lập biên bản, hai vợ chồng ông phó chủ tịch xã có ra cơ quan công chứng làm giấy ủy quyền ?”. Đồng tình, một BĐ ở Bà Rịa-Vũng Tàu nhận xét: “Cũng đã từng thừa nhận mình chặt phá rừng, rồi còn nói lại, mà được chấp nhận, thì đúng là khó hiểu”.
Nhiều BĐ cũng ngạc nhiên khi câu chuyện biên bản phá rừng được lập công khai, lại dễ dàng được “bỏ qua” mà “nhân vật chính” gần như không phải chịu trách nhiệm gì? Chả lẽ ông Thanh nói đi rồi nói lại với cơ quan chức năng một cách đơn giản thế sao? BĐ Vinh (Thanh Hóa) nhận xét ngay cả khi thực sự ông phó chủ tịch xã ký thay cho vợ để thừa nhận hành vi phá rừng thì “ông này cũng là tòng phạm trong việc đốt phá rừng”.
Theo kết quả điều tra của Công an H.Quỳ Châu, diện tích rừng mà vợ ông Vinh cùng những người khác thừa nhận chặt phá chưa đủ mức truy tố. Những người này chỉ bị xử lý hành chính.
Không thể vô can
Đang mùa SEA Games nên có BĐ liên tưởng đây là một động thái “tẩy thẻ”. Một BĐ từ Hà Nội viết: “Họ lại làm cái việc tẩy thẻ đỏ, chắc là tránh liên lụy đến cái chức phó chủ tịch xã”. BĐ Tô Nhân (Tuyên Quang) thì hài hước: “Ở xã, phó chủ tịch cũng hay có ký thay, chẳng hạn ký thay chủ tịch xã... Nên khi ở nhà, ông ký thay cho vợ thì vợ phải chịu trách nhiệm chớ”. Còn BĐ Anh Chiến (An Giang) thốt lên: “Nay có câu hy sinh đời vợ củng cố đời chồng rồi sao?”.
Ông Lê Xuân Đình, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Quỳ Châu, cho biết trước khi xảy ra vụ việc ông Thanh “ký thay cho vợ” và sau đó không bị truy cứu hành vi chặt phá rừng, thì ông này từng bị phát hiện, lập biên bản chặt phá 900 m2 rừng, cũng xảy ra trên địa bàn xã Châu Phong - nơi ông Thanh đang là phó chủ tịch xã. Liệu với những biên bản chặt phá rừng như vậy, mặc dù ông Thanh không bị truy cứu trách nhiệm hình sự, thì ông có xứng đáng tiếp tục ngồi ở vị trí lãnh đạo xã Châu Phong?
BĐ Vĩ Cường (Lai Châu) bình luận: “Nói gì thì nói, ông phó chủ tịch xã để vợ chặt phá rừng thì cũng không xứng ngồi cái ghế cán bộ lãnh đạo xã nữa rồi”. Đồng tình, BĐ Tố Uyên (Đà Nẵng) đặt câu hỏi: “Chẳng lẽ cứ như vậy là ông phó chủ tịch xã vô can? Dù ông có ký thay cho vợ hay vợ phá rừng thì với vị trí của mình, ông ta không thể vô can được”.
Bình luận (0)