Ngân hàng đẩy mạnh cho vay bất động sản cuối năm

Thanh Xuân
Thanh Xuân
30/10/2021 06:17 GMT+7

Để đẩy mạnh cho vay bất động sản , một số ngân hàng gần đây tung ra các gói tín dụng với lãi suất ưu đãi từ 5%/năm.

Vay mua nhà, lãi suất từ 5%/năm

Anh Võ Đạt (Q.12, TP.HCM) cho biết vào tháng 1.2021, có vay ngân hàng (NH) mua căn hộ với lãi suất ưu đãi 8%/năm trong thời gian 3 năm. Cứ tưởng mức lãi này là thấp, nhưng đến thời điểm hiện nay, lãi vay ưu đãi mua nhà của NH này đã giảm xuống còn 6,69%/năm. Sau thời gian ưu đãi, NH điều chỉnh lãi suất lên 10,5%/năm.

Ngân hàng tung ra các gói tín dụng mua nhà lãi suất ưu đãi

Ngọc Thắng

Anh Đạt tính toán, theo bảng tính trả lãi và gốc từ đầu năm đến nay, mỗi tháng trả nợ gốc 2,6 triệu đồng, nhưng tiền lãi giao động từ 7,8 - 8 triệu đồng tùy tháng. Đến khi dịch Covid-19 bùng phát đợt 4, anh Đạt liên tục liên hệ NH nhờ hỗ trợ nhưng không được, đành phải thu gom tài sản trong nhà bán để giảm phần nợ gốc nhằm giảm lãi theo. Thế nhưng, trả nợ trước hạn 50 triệu đồng tiền gốc, anh bị NH phạt 1%. “Nhưng không trả thì sợ đến khi hết thời gian áp dụng lãi suất vay ưu đãi, NH tăng lãi lên hơn 10%/năm thì phần lãi vay cũ vẫn không thay đổi dù gốc đã giảm”, anh Đạt lo lắng.

Thực tế, nhiều NH đang tung ra các chương trình ưu đãi vay mua nhà với lãi suất khá thấp. Chẳng hạn, NH Việt Nam Thịnh vượng (VPBank) vừa triển khai chương trình lãi suất cho vay mua bất động sản từ 5,9%/năm từ nay đến 31.12.2021. Khách hàng có nhu cầu vay mua bất động sản có giấy chủ quyền sẽ được lựa chọn một trong các gói lãi suất 5,9%/năm cố định trong 3 tháng, 7,9%/năm trong 6 tháng, 8,3%/năm trong 12 tháng, 8,6%/năm trong 18 tháng hoặc 8,9%/năm trong 24 tháng. NH cho vay đến 80% giá trị tài sản đảm bảo, hạn mức giải ngân lên đến 20 tỉ đồng và thời hạn vay kéo dài đến 25 năm; ân hạn nợ gốc 12 tháng, có nghĩa trong năm đầu tiên, khách hàng sẽ không phải thanh toán nợ gốc cho NH mà chỉ cần thanh toán phần lãi. Để hỗ trợ khách vay trong giai đoạn này, NH còn chấp nhận nhiều nguồn thu khác nhau để khách hàng chứng minh khả năng thanh toán như lương, thu nhập từ hoạt động hộ kinh doanh cá thể, doanh nghiệp do khách hàng làm chủ và một số nguồn thu khác đảm bảo tính hợp pháp theo quy định của pháp luật.

Trước đó, NH TMCP Sài Gòn Thương tín (Sacombank) công bố dành 10.000 tỉ đồng cho khách hàng cá nhân vay vốn sản xuất kinh doanh, mua - xây sửa bất động sản, mua xe ô tô với lãi suất chỉ từ 6,5%/năm, thời hạn ưu đãi lên đến 12 tháng. Lãi suất cho vay mua nhà ưu đãi của khối NH lớn như Vietcombank có mức thấp nhất 6,79%/năm.

TS Cấn Văn Lực phân tích: Thị trường bất động sản chỉ đang gặp khó khăn ngắn hạn do cú sốc chung của dịch bệnh, nhưng vẫn là kênh thu hút vốn. Chẳng hạn dòng vốn FDI vào lĩnh vực này 1,74 tỉ USD - đứng thứ 3 trong các lĩnh vực thu hút vốn, các doanh nghiệp bất động sản phát hành trái phiếu thu hút khoảng 148.000 tỉ đồng từ đầu năm đến nay…

Là NH nước ngoài có mức lãi suất vay mua nhà đất được đánh giá khá cạnh tranh trên thị trường, mới đây NH TNHH MTV Shinhan Việt Nam tung ra gói lãi vay 5,49%/năm cho năm đầu tiên và cố định 7,8%/năm từ năm thứ 2 đến năm thứ 5, thời hạn vay lên đến 25 năm. Một NH nước ngoài khác là NH UOB Việt Nam đã hợp tác với Công ty TNHH phát triển Phú Mỹ Hưng (Phú Mỹ Hưng) để triển khai chương trình cho vay lãi suất 0% đối với dự án Cardinal Court. Người mua dự án Cardinal Court sẽ được hưởng lãi suất ưu đãi 0% cho đến khi nhận bàn giao căn hộ khi đăng ký khoản vay tín dụng xanh tại UOB.

Đối với các khoản vay mới, các NH giảm lãi suất ở mức thấp từ 5 - 7%/năm, thế nhưng đối với những khoản vay cũ mua nhà, người vay luôn chịu lãi suất cao, dao động từ 9,5 - 11,5%/năm. Chị Mai Minh (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) vay 5,4 tỉ đồng, trả lãi và gốc bình quân mỗi tháng khoảng 55 triệu đồng/tháng trong 3 năm. Tiền gốc chị Minh đã trả được 1 tỉ đồng nhưng do lãi suất sau thời gian ưu đãi 8%/năm, nay lên 9,4%/năm, vì thế số lãi tăng nên số tiền trả hằng tháng vẫn không thay đổi nhiều so với ban đầu.

Cho vay kích cầu cuối năm

Theo NH Nhà nước (NN), tăng trưởng tín dụng bất động sản trong 6 tháng đầu năm 2021 chỉ khoảng 5,5%, thấp hơn mức tăng trưởng chung toàn ngành. Trước đó, tín dụng bất động sản cuối tháng 4.2021 cũng chỉ tăng 4,83%. Khoảng 3 năm trở lại đây, tăng trưởng tín dụng vào bất động sản có xu hướng chậm lại rõ rệt, năm 2018 tăng khoảng 26,76%; năm 2019 là 21%; năm 2020 là 11,89%. Tín dụng bất động sản tăng chậm chủ yếu do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các hoạt động đầu tư giảm mạnh, thậm chí mức tăng trên còn thấp hơn đà tăng trưởng tín dụng bình quân cùng năm.

TS Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, nhận xét với mặt bằng lãi suất cho vay mua bất động sản xuống thấp gần đây nhằm kích cầu thị trường vào thời điểm cuối năm. Cho vay bất động sản từ trước đến nay luôn là lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, NHNN kiểm soát nhưng không phải vì thế mà dòng vốn vào thị trường này bị bóp nghẹt. Ông Cấn Văn Lực cho biết tăng trưởng tín dụng của ngành NH từ đầu năm đến nay khoảng 7,8%, trong đó cho vay bất động sản chỉ tăng 6% - thấp hơn mặt bằng chung. Trong cho vay bất động sản, các NH chủ yếu cho người dân mua nhà vay, chiếm 64% dư nợ; còn lại là cho vay kinh doanh khoảng 36%. Hiện tín dụng bất động sản vẫn ở mức vừa phải, thậm chí thấp so với khu vực nên đây là một tín hiệu tốt.

Giảm lãi suất vay kích thích người dân mua nhà trả góp là giải pháp tăng trưởng tín dụng của các nhà băng thời gian qua khi việc cho vay có tài sản thế chấp nhanh hơn, độ phân tán rủi ro tín dụng cao hơn... Thế nhưng, hoạt động tín dụng vào lĩnh vực bất động sản luôn là lĩnh vực NHNN giám sát chặt chẽ. Ngoài các chỉ số kiểm soát dòng vốn tín dụng vào lĩnh vực này, NHNN liên tục có công văn “nhắc” các NH. Chẳng hạn vào giữa tháng 9, NHNN yêu cầu các NH kiểm soát chặt chẽ tốc độ tăng dư nợ tín dụng, chất lượng tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro hoặc chịu tác động lớn của dịch Covid-19, đặc biệt là dư nợ lĩnh vực bất động sản với mục đích tự sử dụng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.