Vậy các ngân hàng (NH) thu lợi thế nào trong 5 tháng vừa qua?
Tăng trưởng lợi nhuận đột biến
Thị trường đang hồi hộp chờ đợi kết quả 6 tháng đầu năm của ngành NH nhưng thực tế quý 1, nhiều nhà băng đã có lợi nhuận đột biến. Đầu bảng là Vietcombank đạt 8.631 tỉ đồng (tăng khoảng 3.400 tỉ đồng so với cùng kỳ năm ngoái); VietinBank đạt 8.060 tỉ đồng (tăng 5.086 tỉ đồng); Techcombank đạt 5.518 tỉ đồng (tăng 2.397 tỉ đồng); MB đạt 4.580 tỉ đồng (tăng 2.384 tỉ đồng); VPBank đạt 4.006 tỉ đồng (tăng 1.095 tỉ đồng), BIDV đạt 3.396 tỉ đồng (tăng 1.582 tỉ đồng)…
Thống kê 21 NH đã có lợi nhuận trước thuế quý 1 lên hơn 51.707 tỉ đồng, tăng 23.339 tỉ đồng, tương ứng mức tăng hơn 82,2%. Tăng trưởng lợi nhuận ở nhiều NH khá cao so với cùng kỳ năm ngoái như VietinBank tăng 171%, MB tăng 108%, BIDV tăng 87%, Kienlongbank tăng mạnh 1.132%, MSB tăng 296%, SeaBank tăng 126%... Nhiều NH dự báo sẽ sớm cán đích kế hoạch lợi nhuận đưa ra từ hồi đầu năm 2021.
Theo đánh giá của FiinGroup, biên lãi ròng (NIM) cải thiện do lãi suất (LS) huy động giảm nhưng LS cho vay không giảm tương ứng là yếu tố then chốt giúp NH đạt mức tăng trưởng lợi nhuận đột biến trong quý 1. NIM của các NH đạt 4,3% trong quý 1/2021, tăng đáng kể so với mức 3,9% trong quý 1/2020. Ngoài ra, thu nhập từ hoạt động dịch vụ tăng 10,1% và chi phí dự phòng rủi ro tín dụng giảm 12% cũng hỗ trợ tăng trưởng lợi nhuận của ngành NH trong quý 1. Thông tư số 03/2021/TT-NHNN của NH Nhà nước với lộ trình trích lập dự phòng kéo dài trong 3 năm và cho phép giữ nguyên nhóm nợ với nhiều khoản vay bị ảnh hưởng bởi Covid-19 đã giúp các NH không gặp áp lực về chi phí trích lập.
Từ nhiều tháng trở lại đây, mặt bằng LS vẫn khá ổn định, LS huy động tiền đồng của các NH thương mại kỳ hạn dưới 6 tháng từ 2,5 - 3,9%/năm, từ 6 - 12 tháng từ 3,8 - 6,8%/năm, trên 12 tháng từ 5 - 6,8%/năm. Đặc biệt tỷ lệ huy động vốn rẻ không kỳ hạn (CASA) của các NH tăng lên đáng kể, góp phần làm giảm chi phí huy động. Trong khi đó, LS cho vay ngắn hạn tiền đồng từ 4,5 - 6%/năm, LS trung dài hạn từ 8 - 9%/năm. Đối với những khoản cho vay cũ, LS vay ngắn hạn từ 7 - 8%/năm và trung dài hạn lên hơn 10%/năm.
Không ổn!
Ông Phạm Ngọc Hưng, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM, tỏ ra khó hiểu trước con số lợi nhuận hàng chục ngàn tỉ đồng từ các nhà băng. Theo ông Hưng, NH và khách hàng doanh nghiệp có sự gắn kết chặt chẽ với nhau. Trong tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, gây ra tình trạng giãn cách ở nhiều tỉnh thành, trong đó có TP.HCM, thì ngoài những doanh nghiệp ngành lương thực thực phẩm, xuất khẩu gỗ là còn hoạt động kinh doanh, các doanh nghiệp còn lại, đặc biệt doanh nghiệp nhỏ và vừa, gần như đóng cửa, phải “ăn” hết vào phần tích lũy khi tình hình dịch Covid-19 cứ kéo dài. Trong hoàn cảnh đó, các doanh nghiệp mòn mỏi chờ những chính sách “giải cứu”, giảm thuế, giảm LS... mà ngành NH vẫn lãi lớn là có gì đó không ổn.
“Có 2 vấn đề cần xem xét là dòng tiền NH chảy vào đâu sinh lời nhiều trong thời gian qua? Cơ cấu tín dụng vào nền kinh tế đã hợp lý chưa? Hay vốn chủ yếu vào bất động sản, chứng khoán? Chênh lệch LS huy động và cho vay của NH hiện nay lớn, NIM 4% là chưa hợp lý mà cần giảm xuống hơn 2%. Gần đây, nhiều NH đưa ra các gói LS cho vay khá thấp 5%/năm nhưng chỉ có những doanh nghiệp khỏe, đủ điều kiện mới có thể tiếp cận. Còn những doanh nghiệp vừa và nhỏ khó khăn, không đủ điều kiện thì việc tiếp cận vốn vay đã khó chứ đừng nói đến việc lãi vay thấp. Họ chỉ cần cho vay thì cũng có thể chấp nhận mức lãi cao hơn. Doanh nghiệp và NH là bạn đồng hành, trong khi doanh nghiệp khó khăn thì NH cũng nên xem xét cắt giảm bớt điều kiện thủ tục, giảm lãi vay cũ để hỗ trợ khách hàng”, ông Hưng phân tích.
Các NH không nên vin vào việc không phải trích lập dự phòng ngay các khoản nợ theo Thông tư 03 để thanh minh cho khoản lợi nhuận khủng của mình và cho rằng dự phòng cho tương lai. Như vậy phải có báo cáo cụ thể nợ xấu thực tế hiện nay là bao nhiêu, tỷ lệ lớn không mà NH duy trì mức LS cao.
Ông Lê Đạt Chí
|
Đáng nói, trong báo cáo mới đây của Công ty CP chứng khoán SSI đánh giá NH Nhà nước vẫn cho rằng chính sách tiền tệ đang ở mức hợp lý, LS (đặc biệt đối với các lĩnh vực ưu tiên) ở xu hướng giảm để hỗ trợ nền kinh tế và không có dấu hiệu cho thấy sẽ có sự thay đổi về định hướng chính sách khi mà lạm phát vẫn ở trong tầm kiểm soát. Bởi vậy SSI chưa nhận thấy áp lực tăng LS trong ngắn hạn, nhưng vẫn giữ nguyên dự báo LS có thể nhích tăng từ đầu quý 3 khi dịch bệnh được kiểm soát, tín dụng tiếp tục tăng tốc.
Không đồng ý với nhận định này, ông Lê Đạt Chí, Phó khoa Tài chính Trường đại học Kinh tế TP.HCM, cho rằng các NH hoàn toàn có thể giảm LS cho vay. Cụ thể ở đây là đối với những hợp đồng vay cũ bởi những năm trước đi vay, doanh nghiệp không hề tính đến tình cảnh dịch Covid-19 gây khó khăn như hiện nay. Gánh nặng tài chính của các doanh nghiệp gia tăng khi dịch Covid-19 cứ kéo dài. Vấn đề ở đây NH có quyết tâm giảm lợi nhuận để giảm lãi vay hay không. Mặt bằng LS huy động của các NH cũng đã được điều chỉnh giảm từ hơn 1 năm trở lại đây, người gửi tiền chịu thiệt LS thấp nhưng NH cho vay ra cao và thu lợi lớn là ích kỷ. Các NH thương mại nỗ lực giảm LS cho vay xuống thấp hơn, mở rộng tín dụng mới chứ không thể kiếm lời từ những khách hàng đã vay cũ. Từ đó mặt bằng LS vay mới có thể điều chỉnh giảm.
Bình luận (0)