Ngân hàng nỗ lực thay đổi để không 'tuyệt chủng' vì công nghệ

Thu Thảo
Thu Thảo
04/11/2018 21:17 GMT+7

Chuyện các ngân hàng toàn cầu đứng vững nhiều thế hệ có thể sẽ không còn đúng nữa nếu họ không thích nghi mạnh mẽ với công nghệ tài chính mới.

Theo CNBC, đây là thực tế từ lâu, song tốc độ đổi mới hiện nay còn đồng nghĩa với việc các hãng tài chính có khả năng đối mặt với sự kiện “tuyệt chủng hàng loạt”, theo cách nói của một giám đốc điều hành ngân hàng. 
Cuộc cách mạng công nghệ tài chính, hay fintech, thúc đẩy một loạt hãng mới nổi thay đổi ngành ngân hàng. Những người khổng lồ cao tuổi đang chiến đấu để thích nghi, song họ nhấn mạnh rằng công nghệ có thể thay đổi nhanh chóng nhưng các nguyên tắc cơ bản của ngân hàng thì không.
CEO mảng ngân hàng tiêu dùng toàn cầu Stephen Bird của Citi cho biết thay đổi hiện thời có thể diễn ra trên quy mô chưa từng thấy. Dù vậy, nhà băng ra đời từ năm 1812 của ông sẵn sàng để dịch chuyển.
“Lợi ích của việc lớn hơn 200 tuổi là chúng tôi có loại DNA sống còn, tái tạo và đây là cốt lõi thể hiện chúng tôi là ai. Chúng tôi nghĩ về nó như kiểu mình đang sống qua giai đoạn tuyệt chủng”, ông Bird nói tại hội nghị Tuần lễ Công nghệ Tài chính Hồng Kông diễn ra trong tuần này. Với sự bùng nổ của các hãng tài chính mới, giới ngân hàng lâu đời sẽ cần quá trình “tái cơ cấu căng thẳng, sâu sắc” để tăng tốc, tăng sự tiện lợi và độ tin tưởng để giành lấy điều quan trọng nhất: khách hàng.
Ông Bird nói rằng Citi ở Mỹ có lợi thế bằng cách phát triển phương thức mới để tích cực lắng nghe khách hàng thông qua “đồng sáng tạo”. Nhà băng này có khoảng 20.000 phiên lắng nghe như thế, và ông Bird cho rằng việc này giúp Citi trở thành một trong các cơ sở di động phát triển nhanh nhất Bắc Mỹ.
Để đứng vững, ngân hàng phải hợp nhất với công nghệ tài chính Ảnh: Shutterstock
Ben Hung, CEO khu vực Trung Quốc, Bắc Á tại ngân hàng Standard Chartered có tuổi đời hơn 150 năm, thì cho rằng hằng số trong ngành ngân hàng từ lâu vẫn là những gì khách hàng tìm kiếm ở mức độ cơ bản. “Cách họ muốn bạn quản lý, tạo xu hướng và gia tăng số tiền của họ là trọng tâm cơ bản. Tôi không nghĩ là điểm cơ bản thay đổi”, ông Hung nói.
CEO này cho rằng điều thay đổi là tốc độ phát triển công nghệ hiện cần thiết để đáp ứng các nhu cầu cơ bản của khách hàng, và ông cho rằng điều này có thể đáng sợ. “Quan trọng là cách giải quyết một số nhu cầu thông qua công nghệ theo nhiều cách khác nhau, song tốc độ và sự thiếu chắc chắn của công nghệ cũng là vấn đề khá khó khăn. Nó rất thú vị, nó rất khó khăn”, ông Hung chia sẻ. Ben Hung cũng là CEO mảng ngân hàng bán lẻ và quản lý tài sản của Standard Chartered.
Trong khi đó, ông Bird thì cho rằng tốc độ đầu tư chảy vào công nghệ tài chính cho thấy sự thay đổi đáng chú ý giữa giới nhà băng lớn hiện thời và các hãng fintech mới nổi. “Chúng tôi xem sự khiêu khích này là rất thực tế vì đó là bản chất kinh tế của những gì đang diễn ra”, ông Bird cho biết, nói thêm rằng Citi đã tuyển nhiều người từ các hãng Paypal, Amazon, những người có tư duy cần thiết để giúp ngân hàng biến đổi trong những năm gần đây.
Sếp Citi cuối cùng kết luận rằng nhà băng cần phải có mặt ở nơi có khách hàng. Điều này ngày càng quan trọng trong thời đại đi lên của các mạng xã hội như Instagram, Facebook và WeChat. Để đứng vững, ngân hàng phải hợp nhất với công nghệ tài chính.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.