Ngân hàng vật lộn tái cơ cấu

12/12/2015 07:20 GMT+7

Được đánh giá là cuộc đại phẫu khốc liệt nhất, sau 4 năm tái cơ cấu, các ngân hàng đã hồi sinh trở lại. Tuy nhiên, di chứng của nợ xấu vẫn còn.

Được đánh giá là cuộc đại phẫu khốc liệt nhất, sau 4 năm tái cơ cấu, các ngân hàng đã hồi sinh trở lại. Tuy nhiên, di chứng của nợ xấu vẫn còn.

Lượng khách hàng tại OceanBank hiện đã bắt đầu tăng - Ảnh: Tiêu PhongLượng khách hàng tại OceanBank hiện đã bắt đầu tăng - Ảnh: Tiêu Phong
Là một trong những ngân hàng (NH) tiên phong thực hiện tái cơ cấu và nhận sáp nhập NH TMCP Nhà Hà Nội (HBB), ông Nguyễn Văn Lê, Tổng giám đốc (TGĐ) NH TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) cho biết, trước thời điểm tháng 8.2012, HBB có nợ xấu chiếm hơn 55% tổng dư nợ; thanh khoản khó khăn, kết quả kinh doanh lỗ hơn 1.800 tỉ đồng... Trong khi nợ xấu SHB khi đó ở mức thấp, chỉ chiếm 1,47%/tổng dư nợ, lợi nhuận trước thuế 1.825 tỉ đồng. Sau khi nhận sáp nhập nợ xấu tăng lên 8,52%, bù đắp lỗ cho HBB lợi nhuận trước thuế của SHB chỉ còn 26 tỉ đồng, tính đến cuối năm 2012.
Vẫn tiếp tục xử lý
Sau 4 năm, báo cáo tài chính hết quý 3/2015 cho thấy SHB đã lọt vào top 5 NH TMCP (không có vốn nhà nước chi phối) có quy mô hoạt động kinh doanh lớn trên thị trường với tổng tài sản 183.309 tỉ đồng. NH có 422 chi nhánh, phòng giao dịch (kể cả 2 chi nhánh tại Lào và Campuchia), hơn 6.000 cán bộ, nhân viên. Theo ông Lê, đến nay SHB đã xử lý được 7.187 tỉ đồng nợ xấu từ HBB chuyển sang, hiện nợ xấu của SHB chỉ còn chiếm 2,38% tổng dư nợ. Nhưng đây vẫn là gánh nặng mà theo lãnh đạo này, SHB vẫn đang tiếp tục xử lý.
Không như SHB, NH TMCP Tiên Phong (TPBank) tự đứng ra tái cơ cấu, kêu gọi cổ đông mới. Theo TGĐ Nguyễn Hưng, trước tháng 6.2012 thay vì phát triển mạng lưới, quan hệ với khách hàng cá nhân và doanh nghiệp, TPBank lao vào làm ăn trên thị trường 2 (thị trường liên NH). Cho vay rủi ro cao, tiền không đòi lại được, vốn điều lệ 3.000 tỉ đồng bị thâm thủng mất một nửa, NH đứng trước nguy cơ đổ vỡ, mất thanh khoản. Sau khi tái cơ cấu, được bơm vốn từ cổ đông mới là Tập đoàn vàng bạc đá quý Doji, ông Hưng cho biết thanh khoản của NH được cải thiện, ổn định trở lại. Dự kiến năm 2015 tổng tài sản đạt 70.000 tỉ đồng từ mức trước tái cơ cấu là 12.000 tỉ đồng; lượng khách hàng tăng từ 60.000 lên hơn 1 triệu; dư nợ tín dụng tăng khoảng 36.000 tỉ đồng. Nợ xấu của NH giảm chỉ còn 0,38% tổng dư nợ, lợi nhuận dự kiến năm nay vượt chỉ tiêu đại hội cổ đông đặt ra đạt 650 tỉ đồng.
Trong khi đó, NH TMCP Đại dương (OceanBank), NH TMCP Xây dựng VNCB (nay đã đổi tên thành NH thương mại TNHH MTV xây dựng - CBBank) hay NH TMCP Dầu khí toàn cầu - GPBank (đã đổi tên thành NH thương mại TNHH MTV Dầu khí toàn cầu) lại là 3 trường hợp đặc thù, lần đầu tiên trong lịch sử được NHNN mua lại với giá 0 đồng. Ông Ngô Anh Tuấn, TGĐ OceanBank cho biết, trước tháng 6.2015 thanh khoản của NH hết sức căng thẳng, tiền gửi tiết kiệm để chi trả cho người dân gặp nhiều khó khăn. Sau khi được mua lại, NHNN cử gần 20 nhân sự cấp cao của VietinBank sang tái cơ cấu, quản trị điều hành, hiện thanh khoản đã ổn định trở lại, nợ xấu đang từng bước được xử lý. Kết quả bước đầu theo ông Tuấn, tiền gửi từ khu vực dân so với trước thời điểm tái cơ cấu 6.5.2015 đến nay đã tăng thêm được hơn 1.000 tỉ đồng, NH đã mở thêm được 6.000 tài khoản cá nhân và 148 tài khoản doanh nghiệp.
Bộ, ngành không thể thờ ơ
Trao đổi với Thanh Niên, ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Chánh thanh tra (Cơ quan thanh tra - giám sát thuộc NHNN) cho biết, sau 4 năm tái cơ cấu có NH tự sắp xếp lại, có NH sáp nhập hợp nhất, có NH bị mua lại với giá 0 đồng. Tựu chung, thanh khoản các NH này đã phục hồi ổn định, tránh được nguy cơ đổ vỡ. “Trước khi tái cơ cấu từng có tới 7 - 8 NH mất thanh khoản, có thể rơi vào trạng thái đổ kềnh bất cứ lúc nào”, ông Nghĩa nhìn lại. Tuy nhiên, lộ trình tái cơ cấu đưa các NH hồi phục, trở lại hoạt động bình thường, tuy còn những thách thức không nhỏ, đặc biệt là vấn đề xử lý nợ xấu.
Còn theo TGĐ Nguyễn Văn Lê, SHB đã quyết liệt xử lý nợ xấu bằng nhiều giải pháp thông qua cơ cấu nợ, miễn giảm lãi vay, thậm chí cả xóa gốc nợ vay cho khách hàng từ nguồn trích lập dự phòng rủi ro; bán, thanh lý tài sản đảm bảo thu hồi nợ cho vay bằng các hình thức tự thỏa thuận với khách hàng hoặc thông qua việc khởi kiện tại tòa án, cơ quan thi hành án để xử lý tài sản đảm bảo thu hồi nợ cho vay. Tuy nhiên, hiện tại việc xử lý nợ xấu còn gặp nhiều vướng mắc về văn bản pháp lý, luật, thông tư, nghị định.
Đánh giá tổng quan, chuyên gia kinh tế TS Ngô Trí Long nhận xét: “Cuộc đại phẫu nào cũng phải đánh đổi bằng máu và nước mắt nhưng phải nhìn vào lợi ích đại cục chung của cả nền kinh tế. Nếu bộ, ngành còn thờ ơ, không rốt ráo bắt tay vào thì không chỉ tái cơ cấu NH mà tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, đầu tư công cũng không đạt được kết quả như mong muốn và mục tiêu đề ra”.
TS Cao Sĩ Kiêm, nguyên Thống đốc NHNN nhìn nhận, sau tái cơ cấu diện mạo ngành NH đã thay đổi, kỷ cương trật tự được thiết lập, thanh khoản ổn định. Tuy nhiên, những vướng mắc pháp lý trong việc bán tài sản, chuyển giao quyền sử dụng đất... hay trao quyền bán nợ sau khi mua lại vẫn đang là “nút thắt” chưa được tháo gỡ. Nhiều bộ, ngành tỏ ra thờ ơ. “Không phối hợp đồng bộ trong sửa đổi văn bản, thông tư hướng dẫn thì bản thân bất cứ một doanh nghiệp hay NH nào không thể một tay mà bán, xử lý nợ xấu được”, TS Kiêm chia sẻ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.