Họ tốt với ngoại. Kiểu tốt dành cho những con người dốt nát ở một xứ sở kém văn minh. Tử tế đến mấy, trong mắt họ vẫn chỉ là thuộc địa. Họ quên rằng, tự tôn dân tộc cũng là một loại bản năng. Nên, thời gian sau, dành dụm chút tiền, ngoại ra chợ Cầu Muối học làm ăn. Người thành phố này đâu ngại “chỉ đàng đi buôn”, ít vốn củ khoai cây mía, chắt mót lần hồi được gánh trái cây.
Buổi ban đầu, chạy chợ ế hàng, nào có thân thích, các dì mợ ở chợ vẫn chia nhau bán phụ ngoại. Đàn bà xứ này, mỏng manh là vậy, mà gánh trên vai lúc lỉu hàng hóa, miệng vẫn tươi cười, từ tiếng nói lời rao, tất thảy đều là bà con cô bác. Buôn bán một chục chẳng bao giờ tròn mười, khi mười hai, mười bốn, tùy người mua vui vẻ, đặng lòng là xông xênh.
Thành phố này cho ngoại một gia đình. Ngoại ráng để má và các dì đi học, ít nhất không phải như ngoại, cả đời không biết viết tên của chính mình, lúc cần chỉ biết lăn ngón tay vào mực làm tin.
Má lớn lên, ngày một buổi đến trường, một buổi phụ ngoại bán hàng. Mỗi chiều xuống, nghe tiếng còi giới nghiêm là túm tụm trong nhà. Mỗi độ có chiến sự, cả xóm lại khăn gói vào chùa ở tạm. Mang tiếng con nhà lao động, má không có nổi ước mơ riêng. Buôn gánh bán bưng từng là tương lai duy nhất mà má có.
Thời cuộc đổi thay, thành phố vẫn phồn hoa với người giàu, và bằng cách nào đó, vẫn cưu mang được người nghèo.
Má từng hỏi ba, “Sau chiến tranh, chúng ta sẽ làm gì?”.
Ba mỉm cười, “Chúng ta sẽ gầy dựng lại”.
Thành phố này lại cho những con người lao động cơ hội thứ hai, bắt đầu từ đống đổ nát tàn dư. Má chuyển sang mua bán phế liệu, vốn ít, má xin gối đầu. Thì, chẳng phải người thành phố này, cho nhau cơ hội chỉ qua chữ tín đó sao. Hàng ngày, từ Gò Vấp đạp xe ra Chợ Lớn, hỏi giá cả, chạy về thỏa thuận đầu ra, rồi đạp xe trở lại chốt hàng đầu vào. Cứ vậy, bao mùa nắng mưa, những con đường thành phố này vẫn tỏa bóng mát chở che những cuộc đời ngược xuôi, lần đầu biết đến tương lai.
Những ngôi trường với tiếng trẻ thơ. Những lớp xóa mù chữ ban đêm với những nụ cười nửa ngượng nghịu nửa háo hức. Những khu ổ chuột dần xóa bỏ, những cao ốc mọc lên. Thành phố đã bao giờ sống động nhường này?
Và tuổi thơ em đầy ắp mộng mơ.
|
Chiều tan học, cùng đứa bạn đạp xe rong ruổi, dừng ở Hồ Con Rùa ngửa cổ ngắm chò nâu xoay trong gió. Hóa ra, bầu trời cũng đâu xa lắm, chỉ cần ngước lên là đã trong tầm mắt. Ghé quán xoa xuýt chia nhau ly chè, đĩa bánh. Nghênh ngang đi trong thành phố, thấy như tuổi trẻ của mình đủ sức đương đầu cả thế gian.
Rồi cơ hội công việc, những chuyến đi xa. Đi, để nhận ra vẫn còn nhiều thành phố đang ngày đêm gánh chịu bạo động, lửa bom. Đi, để quý những gì mình đang có. Đi, để nhớ đến quay quắt tiếng ồn ã, hơi thở ấm áp mà thành phố này dang tay chào đón ngày về.
Ngày đầu hẹn hò, anh và em dạo quanh, nghĩ chỉ một buổi là hết chốn nhỏ hẹp này. Vậy mà, đi qua tất cả những năm tháng yêu nhau, đến ngày thành chồng vợ, vẫn chưa khám phá hết những phố đẹp truyền tai, quán xá truyền miệng, những địa danh liền câu chuyện kể.
Thành phố mang tên nào, phồn vinh hay máu lửa, đó là phần trong sử sách. Còn thương yêu, là phần của những chứng nhân.
Cũng như ngoại dành phần tự do cho má, nhận về mình cái lầm lũi cúi đầu.
Cũng như má dành cho em áo ấm cơm no, nhận về mình phần nhọc nhằn tái thiết.
Giờ đến em, em sẽ dành cho mai sau di sản tự hào, nhận về mình phần dựng xây bảo quản. Em sẽ đem theo mình túi nhỏ, mảnh rác sẽ không quăng bừa ra đất. Em sẽ dành vài phút phân loại rác trước khi đem đổ. Em sẽ bớt nhăn nhó giờ kẹt xe tan tầm, bớt uất ức mỗi lần mưa ngập, tự nhắc mình, cũng bởi thành phố này quá bao dung, không phụ lòng những phận đời tìm đến.
Buổi tối ở phố đi bộ, chị công nhân ngắm đứa trẻ tung tăng, anh xe ôm chụp ảnh vợ con, hạnh phúc giản đơn. Mai này tàu điện ngầm xây xong, từ quận kia sang quận nọ, chỉ tầm năm phút, kiên nhẫn đợi nhé, không để thành phố phải oằn mình vì những quá tải của nhịp sống nữa đâu. Hy vọng.
Em ngâm nga nhại theo câu hò, “Trời xanh mây trắng nhụy huỳnh, đội ơn bà ngoại đẻ má, má đẻ mình… ở đây”.
Ở đây, ở thành phố này. Nói sao cho hết ngàn lời yêu thương.
|
Bình luận (0)