Tại hội nghị tổng kết năm 2020 và triển khai nhiệm vụ năm 2021 tổ chức hôm nay, 7.1, Bộ Công thương đã được hầu hết đại biểu dành nhiều lời khen ngợi.
Cụ thể, Bộ trưởng NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường đánh giá rất cao việc công nghiệp tiêu dùng trong nhiệm kỳ qua phát triển vượt bậc, thoả mãn nhu cầu 100 triệu người tiêu dùng và xuất khẩu liên tục tăng cao. “Đặc biệt là đã chuyển từ người Việt ưu tiên dùng hàng Việt sang người Việt thích dùng hàng Việt và tới đây sẽ rất thích”, ông Cường nói khiến cả hội trường dậy tiếng cười.
Cùng với đó, theo tư lệnh ngành Nông nghiệp, công nghiệp chế biến đang dần chiếm tỷ trọng cao, làm trụ cũng như dẫn dắt, góp phần tích cực trong vận động cơ cấu kinh tế. Bên cạnh đó, ông Cường đánh giá cao việc ngành Công thương đã luôn đảm bảo đủ điện trong bối cảnh tăng trưởng điện và tăng trưởng của nền kinh tế luôn ở mức cao trong một thời gian dài.
|
Trong khi đó, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng thì thông báo Bộ Công thương là một trong số ít bộ, ngành không còn nhiệm vụ quá hạn mà Thủ tướng và lãnh đạo Chính phủ giao.
“Nổi trội nhất là thực hiện bứt phá trong hội nhập, đàm phán và ký kết các hiệp định thương mại tự do. Chưa giai đoạn nào mà chúng ta ký nhiều và thực thi hiệu quả các hiệp định đến vậy”, ông Dũng nói.
Với tư cách là Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng trong đốn đốc việc cắt giảm điều kiện kinh doanh, ông Dũng còn đánh gía Bộ Công thương là cơ quan đi đầu trong vấn đề này. Theo đó, đã cắt giảm 70% điều kiện, đưa gần 300 dịch vụ công lên thực hiện trực tuyến, trong đó phần lớn ở mức độ 3 và 4.
“Ngành Công thương cũng chống dịch Covid-19 tuyệt vời. Khi mà các nhà máy, xí nghiệp ý thức tốt, chuyển đổi rất nhanh từ sản xuất truyền thống sang sản xuất trang thiết bị y tế phục vụ chống dịch từ quần áo, găng tay, khẩu trang. Nhờ vậy, xuất khẩu thiết bị y tế của chúng ta đạt kết quả tốt”, ông Dũng dẫn chứng.
Tương tự, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung ghi nhận rất cao các nỗ lực trong hợp tác kinh tế quốc tế của ngành Công thương. Ông Trung cho hay, chưa bao giờ trong một nhiệm kỳ mà chúng ta mở được nhiều cửa khẩu, lối thông thương hàng hoá đến vậy như trong 5 năm qua.
Hoàn thành tất cả chỉ tiêu
Trước đó, báo cáo tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho biết, mặc dù 2020 là năm có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, song ngành Công thương đã cùng cả nước nỗ lực vượt qua thử thách và đạt được kết quả toàn diện trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.
Theo đó, ngành đã hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu, mục tiêu được Quốc hội, Chính phủ giao trong. Trong đó, ngành Công thương đã tiếp tục nỗ lực, kiên trì đổi mới, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, hướng về doanh nghiệp và người dân để hỗ trợ, tạo điều kiện thúc đẩy sản xuất kinh doanh và ổn định đời sống của người dân.
“Kết thúc năm 2020, Việt Nam đã xuất khẩu được 281,5 tỉ USD, tăng 6,5% so với năm 2019 và là một trong những nền kinh tế có tốc độ xuất khẩu cao nhất trên thế giới trong bối cảnh đại dịch Covid-19; xuất siêu ở mức cao kỷ lục 19,1 tỉ USD, qua đó ghi nhận 5 năm liên tiếp thặng dư cán cân thương mại. Việt Nam vẫn duy trì được đà tăng trưởng ổn định trong hoạt động xuất nhập khẩu với việc tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm thứ hai liên tiếp đạt mức trên 500 tỉ USD”, Bộ trưởng Tuấn Anh nói.
Cùng với đó, các ngành công nghiệp tiếp tục vươn lên, vượt qua khó khăn trong bối cảnh đứt gãy các chuỗi cung ứng. Giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp năm 2020 tăng 3,36%, tăng cao hơn so với tốc độ tăng trưởng chung của nền kinh tế. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt mức cao 5,82%, tiếp tục là động lực quan trọng cho tăng trưởng của nền kinh tế.
“Hoạt động hội nhập quốc tế không những được duy trì trong bối cảnh dịch Covid-19 lan rộng trên toàn cầu mà còn được thúc đẩy với nhiều phương thức mới và sáng kiến mới của Việt Nam được quốc tế và khu vực đồng thuận, đánh giá cao. Công tác đàm phán, ký kết và triển khai thực thi các Hiệp định thương mại tự do (FTAs) đạt được kết quả quan trọng, đặc biệt là các Hiệp định như CPTPP, EVFTA, RCEP, UKVFTA”, ông Tuấn Anh minh hoạ.
Trong khi đó, hoạt động xúc tiến thương mại được đổi mới mạnh mẽ, thích ứng kịp thời với những tác động của dịch Covid-19, đã hỗ trợ tích cực cho các địa phương và doanh nghiệp trong cả nước tiếp tục khai thác tốt thị trường, thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa cho doanh nghiệp và người nông dân. Công tác bảo đảm ổn định cung cầu, giá cả hàng hóa; kiểm soát, xử lý vi phạm, nâng cao trật tự thị trường được triển khai thực hiện quyết liệt, hiệu quả, đặc biệt trong các giai đoạn diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 và thiên tai xảy ra ở nhiều địa phương trong cả nước.
Các chương trình kết nối cung cầu, kích thích tiêu dùng trong nước được tổ chức thực hiện liên tục và rộng khắp trên phạm vi toàn quốc, gắn với đó là các chương trình kích thích thương mại điện tử và kinh tế số, tạo động lực thúc đẩy thị trường trong nước phát triển sôi động, nâng cao tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng xã hội và đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế của cả nước.
Song song đó, quá trình xây dựng, hoàn thiện thể chế và triển khai Chính phủ điện tử được Bộ Công thương kiên trì thực hiện, thúc đẩy triển khai và đi vào chiều sâu.
Tới nay, với 2 đợt cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công thương, đã có 880 điều kiện trong tổng số 1.216 điều kiện đầu tư kinh doanh được cắt giảm (chiếm 70% tổng số điều kiện đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực công thương); toàn bộ 295 thủ tục hành chính cấp T.Ư thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công thương đã được triển khai trực tuyến ở mức độ 2 trở lên.
Bình luận (0)